CPI năm 2017 tăng 3,53%
Trong tháng 12/2017, chỉ số giá của 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng. Cụ thể, thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,55%; giao thông tăng 0,84%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%. Nhóm giáo dục không đổi.
Có hai nhóm giảm gồm, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23%, bưu chính viễn thông giảm 0,03%.
CPI bình quân năm 2017 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC và Thông tư số 02/2017/TT-BYT. Tính đến ngày 20/12/2017 đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế làm cho CPI tháng 12 tăng khoảng 1,35% so với tháng 12/2016; CPI bình quân năm 2017 tăng 2,04% so với năm 2016.
Thứ 2, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2017 tăng 7,29% so với tháng 12/2016, tác động làm CPI tháng 12/2017 tăng 0,41% so với cuối năm 2016, CPI bình quân năm 2017 tăng khoảng 0,5% so với năm 2016.
Thứ 3, việc tăng lương tối thiếu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 và mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2017 làm giá bình quân một số loại dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước, dịch vụ thuê người giúp việc gia đình năm 2017 tăng từ 3%-8% so với năm 2016.
Ảnh minh họa
Ngoài ra còn một số yếu tố về thị trường, nhu cầu du lịch tăng, một số địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, thời tiết bất lợi cũng làm CPI năm nay tăng so với năm 2016.
Cụ thể, giá điện sinh hoạt đã tăng 0,62% do giá điện điều chỉnh tăng 6,08% (từ 1/12/2017) cộng thêm nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết chuyển lạnh. Việc giá xăng, dầu diezel tăng hai đợt khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 12 tăng 1,98%.
Hiện là thời điểm cuối năm, nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng cao khiến giá vật liệu nhích lên 0,31%, đi cùng với đó giá dịch vụ sửa chữa nhà cũng lên 0,82%. Ngoài ra, giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé đón dịp Tết Dương lịch 2018.
Về chỉ số giá vàng, Tổng cục Thống kê cho hay, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân đến ngày 20/12/2017 giá vàng thế giới ở mức 1261,8 USD/ounce giảm 1,7% so với tháng trước. Bình quân tháng 12, giá vàng tại thị trường trong nước giảm 0,12% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3.640 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Về biến động đồng USD, trong tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên mức 1,5% từ mức 1,25%, FED cũng thông báo sẽ thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán mỗi tháng 20 tỷ USD bắt đầu từ tháng 1/2018 từ mức 10 tỷ USD/tháng hiện tại, do kinh tế Mỹ năm 2017 tăng trưởng khá ấn tượng dự báo tăng 2,2%, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm.
Theo báo cáo thống kê, lạm phát cơ bản (sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) chỉ tăng 0,11% so với tháng 11 và tăng 1,29% so với cùng kỳ; năm 2017 so năm 2016 tăng 1,41%.
Lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao. Cụ thể là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Như vậy, bình quân năm 2017 lạm phát cơ bản là 1,41% và thấp hơn mức kế hoạch 1,6% – 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Minh Anh