CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng vượt mức 4%
Ảnh minh họa |
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 quý II và 6 tháng cuối năm 2024. Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 1,4% so với tháng 12/2023 nhưng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,17% của CPI tháng 6/2024 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, đồng thời, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh tăng là nguyên nhân chính khiến CPI tăng nhẹ.
Tính chung cả quý II/2024, CPI bình quân tăng 4,39% so với quý II/2023. Trong đó, giáo dục tăng 8,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,63%; hàng hóa và dịch khác là 6,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,62%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,48%; giao thông tăng 4,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,61%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,1%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,66%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,31%. Riêng bưu chính, viễn thông giảm 1,36%.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023 do các nguyên nhân: Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm %).
Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 15,76%, tác động làm CPI tăng 0,58 điểm %, trong đó giá gạo tăng 20,98% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,53 điểm %; nhóm thực phẩm tăng 2,05%, làm CPI chung tăng 0,44 điểm %; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,13%, làm CPI chung tăng 0,36 điểm % do nhu cầu tăng cùng với giá nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng.
Đồng thời, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm %, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,95%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm %; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,31 điểm %. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân sáu tháng tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,87%.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm %.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%, tác động làm CPI chung tăng 0,38 điểm % do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ.
Ngược lại, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông sáu tháng đầu năm 2024 giảm 1,41% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản đạt 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.