Công Phượng và những tuyển thủ 'đổi đời' dưới tay ông Miura
Nguyễn Công Phượng: Phiên bản được nâng cấp từ U19
Gọi Công Phượng là phát hiện mới của ông Miura nghe có vẻ khiên cưỡng bởi tiền đạo mang áo số 10 đã sớm nổi danh tại U19 Việt Nam và HAGL với tốc độ, kỹ thuật và khả năng tạo đột biến đáng nể.
Nhưng phải tới khi lên đội tuyển U23, đối mặt với các đối thủ quốc tế ở đẳng cấp cao và được làm việc dưới tay một ông thầy tài năng, Công Phượng mới thực sự bứt lên, thoát khỏi hình ảnh một tài năng trẻ và đang trên đường trở thành một cầu thủ trưởng thành, một người đàn ông thực thụ.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Công Phượng không còn là cầu thủ được ưu ái nhất đội. Anh thậm chí luôn “được” đối xử rất nghiêm khắc từ ông thầy Nhật Bản. Phượng cũng được yêu cầu phải thay đổi nhiều hơn, phải thích nghi với đội bóng và lối chơi mới.
Trong nhóm cầu thủ HAGL, số 10 là người thích nghi tốt hơn cả. Có nhiều thời điểm ở vòng loại giải U23 châu Á vừa qua, Phượng là cầu thủ duy nhất còn lại của HAGL vẫn đứng trên sân.
Gia nhập một đội bóng mới với phong cách chơi khác hẳn ở CLB, Phượng đã thể hiện khả năng hòa nhập tuyệt vời. Anh đánh tan mọi nghi ngờ về năng lực thích ứng của mình, nhanh chóng thể hiện bản thân, chiếm một suất đá chính và cuối cùng trở thành cầu thủ quan trọng nhất, không thể bị nghi ngờ trong hệ thống chiến thuật của đội bóng.
Công Phượng của U23 Việt Nam là phiên bản nâng cấp từ Công Phượng của U19. Vẫn tốc độ, kỹ thuật và ngẫu hứng nhưng Công Phượng của hiện tại thực dụng hơn, cầm bóng ít hơn và biết hy sinh hơn. Đó là sự thay đổi cần thiết thông qua thực tế thi đấu và tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV.
4 bàn thắng và vị trí thứ 3 trên danh sách những cây ghi bàn tốt nhất vòng loại là chưa đủ để diễn tả hết tài năng và tầm quan trọng của số 10. Quan trọng hơn, trong khi những cầu thủ HAGL khác có dấu hiệu chững lại, Công Phượng vẫn không ngừng tiến lên.
Nhìn Phượng thi đấu, chúng ta thấy tương lai.
Tiến Dũng, Mạnh Hùng và hy vọng cho hàng thủ
Cùng với Công Phượng, Bùi Tiến Dũng và Mạnh Hùng là 2 phát hiện lớn nhất của ông Miura ở hàng phòng ngự.
Tiến Dũng hứa hẹn sẽ tiếp tục thăng tiến mạnh mẽ.
Trước đó, tại AFF Cup 2014, HLV người Nhật Bản đã “tìm” được Huy Hùng từ giải hạng Nhất cho đội tuyển Việt Nam. Bây giờ, ông còn làm được nhiều hơn khi tìm thấy Tiến Dũng cho đội U23.
Trước khi lên đội tuyển, hành trang của chàng trai sinh năm 1995 (trẻ nhất hàng thủ U23 Việt Nam) chỉ là vài chục trận cùng U19. Hạng đấu cao nhất anh tham dự chỉ là giải hạng Ba quốc gia. Nhưng ông Miura vẫn đặt trọn niềm tin ở Dũng và đã nhận được sự đền đáp.
Ở rất nhiều thời điểm, chính Tiến Dũng chứ không phải đội trưởng Quế Ngọc Hải mới là chốt chặn đáng tin cậy nhất của hàng thủ U23 Việt Nam. Tốc độ, khả năng phán đoán và lối chơi rất đầu óc của Tiến Dũng thực sự là của hiếm với bóng đá Việt Nam. Gia nhập HAGL sau khi trở về từ đội tuyển U23, Tiến Dũng hứa hẹn sẽ tiếp tục thăng tiến mạnh mẽ.
Ngược lại với trường hợp của Tiến Dũng, Mạnh Hùng không phải là một cái tên mới với ông Miura. Trung vệ của SLNA thậm chí từng bị chính ông thầy Nhật Bản loại khỏi đội hình dự ASIAD Incheon hồi năm ngoái.
Nửa năm sau ngày ấy, Mạnh Hùng đã trở lại, đã nỗ lực hết mình. Bây giờ, anh là con bài chiến lược, là “vũ khí sau tay áo” của đội tuyển U23 Việt Nam. Cảm tình của người hâm mộ dành cho số 3 không chỉ nằm ở những cú sút phạt chân trái thần sầu. Họ còn yêu mến anh vì khả năng làm chủ vòng cấm, lối chơi đa dạng (đá libero trước Nhật Bản, chơi hậu vệ trái trước Malaysia và Macau). Với Mạnh Hùng trong đội hình, ông Miura sở hữu rất nhiều lựa chọn khác nhau cả cho phòng ngự và tấn công.
3 sự hụt hẫng của U23 Việt Nam
Nguyễn Tuấn Anh Nhạt nhòa trước Malaysia, dự bị trận gặp Nhật Bản, không được đăng ký trước Macau, vòng loại U23 châu Á 2016 thực sự là một kỷ niệm buồn với Tuấn Anh. Tiền vệ hay nhất của HAGL, cầu thủ được kỳ vọng sẽ trở thành nhạc trưởng của U23 Việt Nam, đã trải qua những ngày rất tồi tệ.
Suốt hơn 1 tháng tập trung, anh chỉ thực sự chơi hay trong trận giao hữu gặp U23 Indonesia hôm 9/3. Tất cả các trận đấu còn lại là nỗi thất vọng. Không bàn thắng, không kiến tạo, tranh chấp kém, sức mạnh yếu, Tuấn Anh tỏ ra đuối sức trong cuộc chiến ở hàng tiền vệ U23 Việt Nam. Việc anh bị loại khỏi đội hình là một kết quả hợp lý. Hy vọng đây sẽ là bài học lớn cho cầu thủ được thừa nhận là tài năng lớn nhất mà Học viện HAGL Arsenal JMG đã sản sinh.
Cùng với Tuấn Anh, Hữu Dũng cũng đã có một giải đấu thất vọng. Anh khá hơn tiền vệ của HAGL đôi chút khi được ra sân đủ cả 3 trận. Nhưng ấn tượng mà Hữu Dũng tạo được sau 270 phút ra sân chỉ là con số 0. Có cảm giác như tiền vệ của Thanh Hóa đã để lại những gì tốt nhất của mình ở loạt giao hữu trước giải. Anh tranh chấp kém, chuyền bóng cực tệ, không tạo ra đột biến và đánh mất luôn vũ khí sút xa sở trường.
Chọn Văn Toàn vào danh sách những cầu thủ thất vọng có vẻ như hơi bất công. Nhưng sự thật là tiền đạo sinh năm 1995 đã thể hiện rất ít sự tiến bộ. Anh tỏ ra dựa dẫm quá nhiều vào ưu thế tốc độ của mình. Tiền đạo này không cho thấy sự tiến bộ trong việc tạo liên kết với các đồng đội, chưa cải thiện được nền tảng thể chất và đặc biệt tệ trong khâu dứt điểm.
Được đá chính 2/3 trận nhưng Văn Toàn không tìm nổi một bàn thắng trong khi người đồng đội Thanh Bình chỉ cần duy nhất một lần ra sân để có hat-trick. Nếu Văn Thành hay Hồ Tuấn Tài không dính chấn thương, Văn Toàn khó lòng có được suất chính trên hàng công của đội tuyển. |
Theo Thethaovanhoa