Có hay không nguy cơ nguồn vốn tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán?
Giật mình với số liệu về tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm
Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 6/2017 thì tín dụng của toàn hệ thống đã tăng 9,06% so với cuối năm 2016. Nếu so sánh với thời điểm ngày 25/5 thì chỉ trong 35 ngày tín dụng đã tăng tới 2,53%. So sánh với cùng kỳ của năm 2016 thì con số trên cùng vượt xa mức 8,2%.
Cùng với đó là hàng loạt các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khủng trong 6 tháng đầu năm, bao gồm ngân hàng Quân đội tăng 15%, Vietcombank tăng 13,1%, VietinBank tăng 9,6%, VIB tăng 15,7%....Đáng chú ý khi chỉ tính riêng trong tháng 6 có ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng lên tới 5%.
Câu hỏi được đặt ra là tín dụng đang tăng mạnh ở những ngành nghề nào?
Tại cuộc họp với tổ công tác của Thủ tướng mới đây, Thống đốc khẳng định cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.
Có hay không nguy cơ nguồn vốn tín dụng đang chảy vào TTCK?
Cho vay trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp hiện mới chỉ chiếm khoảng 40% tổng cơ cấu tín dụng của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, mức tăng như trên sẽ là chưa đủ để chi phối đến tốc độ tăng của cả thị trường trong 6 tháng đầu năm. Vậy thì bên cạnh 2 lĩnh vực trên thì nguồn vốn tín dụng đang chảy vào đâu? Đây là một câu hỏi rất đáng chú ý vào thời điểm hiện tại?
Theo số liệu từng được Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia công bố gần đây thì cho vay tiêu dùng đã tăng gần 30%, trong đó cho vay xây sửa và mua nhà để ở tăng đến 40% so với cuối năm 2016. Con số này hoàn toàn có cơ sở khi tăng trưởng GDP của ngành bất động sản đạt 3,9% trong 6 tháng đầu năm 2017, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, khu vực này đang có mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 20% so với cùng kỳ của năm 2016. Do đó, chắc chắn khu vực này sẽ hấp thụ một khối lượng lớn nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là tín dụng bằng ngoại tệ với mức tăng trên 7%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng âm 3,5% của cùng kỳ năm 2016. Vậy thì có hay không nguy cơ nguồn vốn tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK)?
Câu hỏi trên không phải không có cơ sở khi TTCK đang thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng đầu tư. Theo đó, tính đến ngày 3/7, chỉ số VN-Index đạt 778,88 điểm, tăng 17%; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 100,33 điểm, tăng 25% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa thị trường đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.563 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2016.
Cần có sự kiểm soát chặt chẽ
Mặc dù NHNN đã có quy định rất rõ về giới hạn tối đa mà một TCTD được phép cho vay đầu tư chứng khoán là 5% vốn điều lệ. Như vậy, với con số khoảng 500 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay thì sẽ chỉ có khoảng 25 nghìn tỷ được dùng để cho vay đầu tư chứng khoán. Con số trên chỉ tương đương với khoảng 2 phiên giao dịch.
Tuy nhiên, bài học của những năm 2007-2008 vẫn còn hiện hữu và hoàn toàn có thể lặp lại nếu NHNN không có sự kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, không phải các ngân hàng chủ động tìm cách lách luật để đẩy mạnh cho vay chứng khoán mà là do các ngân hàng đã khá dễ dãi trong việc cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng, đó là việc cho vay vượt quá như cầu thực tế của khách hàng khi triển khai dự án hay phương án kinh doanh, tiêu dùng….Tiền thừa tạm thời đã được đưa vào thị trường chứng khoán qua nhiều hình thức khác nhau.
Và kết quả là thị trường đã bị đẩy lên cao quá mức vào tháng 3/2007, sau đó đã liên tục mất 2/3 giá trị của chỉ số VNIndex chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Do vậy, NHNN cần có sự giám sát chặt chẽ các khoản cho vay cá nhân với mục đích tiêu dùng hay các khoản cho vay theo hạn mức cho doanh nghiệp với mục đích bổ sung nguồn vốn lưu động.
Ngọc Khanh