Cô gái Nhật làm “bà đỡ” cho người nghèo ở Huế
Cửa hàng "nông dân"
Hơn sáu tháng nay, mỗi ngày có nhiều người dân TP Huế đến “cửa hàng nông dân” tại số 44 Hai Bà Trưng để mua lương thực, thực phẩm sạch do chị Katayama Emiko thành lập. Với vốn tiếng Việt rất sõi, Emiko lần lượt giới thiệu cho khách những mặt hàng nông sản sạch đang được bày bán.
Chị Emiko kiểm tra các sản phẩm nông sản tại “Cửa hàng nông dân” số 44 Hai Bà Trưng, TP Huế.
Hiện cửa hàng bán hơn 30 loại lương thực, thực phẩm, cả tươi sống và đã qua chế biến, gồm các loại rau củ quả, gạo, các loại thịt gia súc, gia cầm, chim nuôi… Trên mỗi loại lương thực, thực phẩm đều có ghi thông tin giới thiệu tên tuổi, địa chỉ của hộ nông dân sản xuất. “Ghi thông tin như vậy để người mua dễ dàng liên hệ với người sản xuất kiểm chứng độ sạch của sản phẩm”, Emiko cho biết.
Ý tưởng mở cửa hàng nông dân xuất hiện sau khi Emiko có các chuyến đi đến nhiều gia đình nông dân ở Huế. Trong những chuyến đi đó, chị phát hiện nông dân ở cố đô trồng nhiều rau củ quả, lúa và nuôi nhiều gia súc, gia cầm nhưng rất khó tiêu thụ. Thực tế đó khiến Emiko liên tưởng đến mô hình “Cửa hàng nông dân” rất thịnh hành ở Nhật. Sau khi hướng dẫn nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nông nghiệp sạch, Emiko mở cửa hàng bán nông sản giúp những hộ này.
Hiện cửa hàng của Emiko là địa chỉ bán giúp nông sản sạch cho nhiều hộ nông dân ở TP Huế. Các sản phẩm do người dân nuôi, trồng bán tại đây tuyệt đối không sử dụng thức ăn công nghiệp và phun thuốc trừ sâu nên khách hàng rất ưa chuộng. Ông Võ Quang Thắng (phường Thủy Biều, TP Huế), một trong nhiều hộ nông dân được cửa hàng giúp bán nông sản phấn khởi: “Từ ngày sản xuất nông sản sạch theo chỉ dẫn của Emiko, các loại rau củ quả và chim bồ câu của gia đình tôi ký gửi tại cửa hàng bán rất chạy và được giá nên thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây”.
Không chỉ khách ở TP Huế, cửa hàng của Emiko còn thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là du khách Nhật. “Rất nhiều khách nước ngoài đã đến cửa hàng để mua mứt bưởi, muối sả, gạo dẻo và nhiều loại nông sản khác do chính nông dân Huế làm ra bằng quy trình sạch. Mình thường xuyên thông qua các trang web du lịch để quảng bá cửa hàng nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nhiều nông sản hơn”, Emiko kể.
Khi đứng ra mở cửa hàng, Emiko đã đưa nhiều nông dân ở Huế sang Nhật học hỏi kinh nghiệm thực tế về phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.
Gắn bó với dân cư vạn đò
Emiko muốn có chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch tại Huế.
Emiko cho biết, từ thành công của “Cửa hàng nông dân” này, chị đang nghĩ tới việc nhân rộng mô hình bằng cách hình thành các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch tại Huế cũng như các thành phố khác của Việt Nam. Những cửa hàng này sẽ giúp nông dân ở các địa phương dễ dàng tiêu thụ nông sản sạch do mình sản xuất và không bị sự chi phối của thương lái. Về lâu dài, những cửa hàng này phải do chính người nông dân quản lý và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
Emiko đến Việt Nam từ năm 1998 và cô đã tham gia dự án Chuyện ô nhiễm ở kênh Lò Gốm (quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Cô đã tham gia tổ chức phi chính phủ BAJ (Nhịp cầu châu Á- Nhật Bản) với nhiều hoạt động khác tại TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2003 cô chuyển về làm dự án BAJ tại Huế. Cô gái Nhật này sống gắn bó với Huế từ đó cho đến nay.
Katayama Emiko cho biết, công việc đầu tiên mà cô thực hiện ở Huế là cùng sống một tháng liền với người dân vạn đò sông Hương ở phường Phú Bình, TP Huế. Qua đó, để tìm hiểu những khó khăn của họ, phân tích nguyên nhân và có hướng tư vấn, hỗ trợ hợp lý. Emiko kể rằng lúc đó, số trẻ em vạn đò được đến trường chỉ chưa đầy 50%; mà nguyên nhân sâu xa là do thu nhập gia đình không ổn định, chỉ lo cái ăn trước mắt. “Chúng tôi đã vận động họ trích một phần ít thu nhập hằng ngày để dành dụm. Số tiền này không quá lớn nên người dân đã làm theo. Sau một năm, họ thấy khoản tiết kiệm này đủ cho con cái đến trường. Sau gần 4 năm thực hiện, số trẻ đến trường đã đạt 90%”, Katayama Emiko kể.
Để tạo môi trường sống sạch đẹp, cô tình nguyện viên này cũng vận động người dân vạn đò không xả rác thải xuống sông Hương; thay vào đó cần đưa rác thải lên bờ và phân loại để kiếm thêm thu nhập. Emiko đã hướng dẫn dân cư vạn đò thành lập tổ phân loại rác thải: các loại rác bằng nhựa được gom lại để bán ve chai kiếm thêm tiền cho trẻ em; rác hữu cơ thì chuyển lên cho nông dân phường Hương Long để bón phân cho cây trồng.
Từ ý tưởng phân bón hữu cơ này, cô đã đề xuất và 3 năm qua tổ chức BAJ triển khai hỗ trợ hầm khí sinh học biogas cho nông dân các phường Thủy Xuân, Thủy Biều và Hương Long, TP Huế. Nhờ đó, nông dân ở các phường này đã sử dụng nuôi trồng nông nghiệp không có phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Những nông dân này sau đó lại là nơi cung ứng hàng thực phẩm sạch cho “cửa hàng nông dân” hiện nay.
Chồng của Katayama Emiko là một người Việt, được sinh ra và học tập tại Nhật Bản. Anh cũng là người đã cùng sát cánh với vợ thực hiện những chuỗi hoạt động hỗ trợ cư dân vạn đò tại TP Huế, vận động và tuyên truyền việc làm sạch môi trường ở ven sông Hương…
Theo Văn hóa Online