CNN: Vì sao Nga im lặng liên quan đến vụ chặt xác nhà báo ở Saudi?
Chặn các thỏa thuận bán vũ khí, hạ cấp quan hệ ngoại giao-thương mại, tước thị thực, đóng băng thỏa thuận thương mại... là những biện pháp đang được các đồng minh của Saudi - bao gồm Mỹ - cân nhắc để trừng phạt nước này, giữa bối cảnh cộng đồng quốc tế sôi sục vì cái chết của ông Khashoggi.
Sức ép dồn lên hoàng gia Saudi Arabia, đặc biệt là thái tử Mohammed bin Salman, đã leo thang đáng kể. Đồng minh thân cận của Riyadh là Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải thừa nhận Saudi "có thể đã dối trá" về thông tin đã công bố, và cân nhắc nghiêm túc khả năng trừng phạt.
Trong khi đó, có một quốc gia hoàn toàn vắng bóng khỏi bản danh sách dài các bên chỉ trích Saudi. Đó là Nga.
Đài CNN chỉ ra, ngay cả khi ngày càng có nhiều bằng chứng quan trọng hé lộ chi tiết cái chết của cây viết Washington Post, thì những tiếng nói chỉ trích từ Kremlin vẫn không hề xuất hiện.
"Đầu tiên, chúng ta cần chờ đợi những kết quả từ cuộc điều tra," Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng, vào thời điểm thông tin Khashoggi bị một nhóm quan chức Saudi Arabia tra tấn, giết hại và chặt xác thành nhiều mảnh khiến dư luận quốc tế chao đảo.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Tư pháp Saudi ông Shaikh Suood bin Abdullah Al Mo'jab ngày 25/10 lần đầu thừa nhận cái chết của nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 2/10 là "một tội ác được mưu tính trước".
Lời thú nhận này trái với thông cáo trước đó của chính phủ nước này, rằng ông Khashoggi bị thiệt mạng trong một tình huống ẩu đả phát sinh "ngoài ý muốn".
-
Ra đòn hiểm, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Ả rập Xê út điêu đứng sau vụ nhà báo Khoshaggi bị sát hại
Riyadh vẫn khẳng định, Thái tử Salman và quốc vương Salman không hề biết trước về chiến dịch nhằm thủ tiêu Khashoggi. Nhưng giới chức Mỹ nói rằng, nhóm thực thi nhiệm vụ "thuyết phục" Khashoggi trở về Saudi (gồm 15 người) không thể hành động nếu không được Thái tử phê chuẩn.
Nga nhận đầu tư của Saudi trong thời điểm nhạy cảm
Bất chấp các diễn biến mới nhất, Moskva dường như tiếp tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ sát hại Jamal Khashoggi.
"Chúng tôi nhận được thông cáo chính thức từ Riyadh, trong đó khẳng định các đại diện hoàng gia không liên quan gì đến sự kiện [Khashoggi], và chúng tôi đã cân nhắc điều này," CNN dẫn một phát biểu từ điện Kremlin.
Quan điểm từ phương Tây đối nghịch Nga chỉ trích, không có gì ngạc nhiên khi Moskva chần chừ trong việc tỏ rõ thái độ đối với Riyadh nếu xét từ việc Nga cũng bị cáo buộc tiến hành các vụ ám sát ở nước ngoài, nổi bật nhất gần đây là nước này bị Anh tố ám sát cựu điệp viên Sergei Skripal hồi tháng 3 bằng chất độc thần kinh. Kremlin nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Tuy nhiên, theo CNN, có một nhân tố thương mại lớn đã dẫn dắt Nga trong lập trường "vị tha" đối với Saudi. Nga và Saudi, hai "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng và là những đối thủ truyền thống, đang đạt được giai đoạn cải thiện quan hệ chính trị-kinh tế rất ổn định, và Moskva muốn bảo đảm không gì có thể phá hỏng điều đó.
Chiến lược của Nga đã mang lại "hồi báo" rõ rệt. Hồi đầu tuần, khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi xử lý các quan chức Saudi ra lệnh tiến hành vụ sát hại Khashoggi, thì hôm 23/10 Moskva tuyên bố Riyadh đã sẵn sàng đầu tư 5 tỉ USD vào một dự án khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Khalid al-Falih cho biết, Vương quốc này đang cân nhắc khả năng trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai trong dự án do Novatek - nhà cung cấp khí đốt độc lập ở Nga - dẫn dắt. Ông Falih không chia sẻ chi tiết về cổ phần dự kiến dành cho Saudi trong dự án này.
Một cơ sở dự án khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga (Ảnh: Sputnik/Mikhail Voskresenskiy)
Miếng bánh Trung Đông lớn hơn cho Nga
Tổng thống Trump nêu ra suy nghĩ không muốn mạo hiểm phá hỏng các thỏa thuận sinh lời bằng việc trừng phạt Saudi.
Ông Trump lập luận, Saudi "đã ký đơn hàng [vũ khí] lớn nhất trong lịch sử nước ta... Họ mua tới 110 tỉ USD. Đó là 500.000 công ăn việc làm cho người Mỹ".
"Vậy mà bây giờ người ta nói muốn chấm dứt đơn hàng đó. Có phải chúng ta đang làm tổn hại chính đất nước mình hay không? Bởi vì chuyện sẽ diễn ra như thế này: Họ (Saudi Arabia) sẽ nói rằng 'người Mỹ không bán tên lửa cho chúng ta nữa, nên chúng ta sẽ mua của Trung Quốc hoặc của Nga'."
Dù đã tỏ thái độ quan ngại mạnh hơn về Saudi, Tổng thống vẫn duy trì quan điểm về Nga, rằng dù nước này không có khả năng thay thế phương Tây trở thành đồng minh của Saudi, nhưng Moskva luôn hào hứng với viễn cảnh được chia phần nhiều hơn trong "miếng bánh" Saudi Arabia.
Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần lượt tẩy chay Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai Saudi Arabia - còn gọi là "Davos sa mạc", tổ chức ở Riyadh tuần này, thì Nga cử một phái đoàn hùng hậu do người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Kirill Dmitriev làm trưởng đoàn.
"Chúng tôi tin rằng, việc ủng hộ những chuyển biến diễn ra ở Saudi Arabia là quan trọng," ông Dmitriev nói với CNN. "Viễn cảnh một đất nước Hồi giáo ôn hòa, một nền kinh tế mới, là quan trọng, và chúng tôi ủng hộ viễn cảnh đó tại Saudi Arabia".
Hải Võ