Chuyện về những người phụ nữ trong chính quyền Tổng thống Trump
Khi K.T. McFarland, người từng làm việc dưới chính quyền Nixon, Ford và Reagan, và một cộng sự lâu năm của Fox News, lần đầu tiên xem đoạn video năm 2005 ghi lại cảnh Tổng thống Donald Trump khoe khoang về việc quấy rối phụ nữ, bà đã dặn hai con gái của mình: “Nếu có ai nói như vậy với các con, hãy quay lưng bỏ đi”.
Tuy nhiên, chỉ sáu tuần sau đó, McFarland nhận được một lời đề nghị mà bà không thể không nhận lời từ Trump, tổng thống đắc cử ở thời điểm đó, đó là trở thành phó cố vấn an ninh quốc gia – một vị trí hàng đầu trong Nhà Trắng.
Với McFarland, lời đề nghị này chính là minh chứng cho thấy niềm tin và sự tôn trọng của ông Trump đối với phụ nữ. Tuy nhiên, McFarland có khả năng sẽ sớm rời Nhà Trắng để tiếp nhận vị trí đại sứ tại Singapore. Động thái này khiến số lượng phụ nữ làm việc trong Nhà Trắng ngày càng ít đi.
Mất cân bằng giới tính trong Nhà Trắng
Sau khi McFarland chính thức rời Nhà Trắng, số lượng nữ nhân viên nắm giữ những vị trí có mức lương cao nhất tại đây sẽ chỉ còn lại năm trên tổng số 28 người.
Tình trạng “thiếu đa dạng” ở các vị trí hàng đầu dưới quyền Trump không chỉ tồn tại trong nội bộ Nhà Trắng. Chỉ sáu trong tổng số 24 thư ký Nội các trong chính quyền Trump là phụ nữ hoặc người da màu, và không ai trong số họ nắm giữ các vị trí lãnh đạo.
Sự chênh lệch này đánh dấu một bước đột phá của xu hướng đa dạng về thành phần nhân viên Nhà Trắng và nội các tổng thống. Trong quá khứ, khoảng một nửa số nhân viên trong Nội các của Bill Clinton trong nhiệm kỳ đầu tiên và của George W. Bush là phụ nữ và người da màu; với Obama, tỉ lệ này là hai phần ba. Số lượng nữ nhân viên trong Nội các theo kế hoạch của Hillary Clinton cũng chiếm một nửa.
Nhà Trắng cho biết tiêu chí tuyển dụng là chọn những ai có “đầy đủ tiêu chuẩn nhất”. Phó thư ký truyền thông của Nhà Trắng, Lindsay Walters, cho biết: “Khi bạn nhìn vào Nhà Trắng hiện nay, đó không phải là cuộc chiến giữa nam giới và nữ giới”, nhân viên ở đây là người thích hợp nhất và có đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm vị trí của mình. Dù vậy, Walters vẫn cho rằng việc không có bất kì nhân viên cấp cao nào là nữ giới cũng là một vấn đề.
Giáo sư Kelly Dittmar từ Trung tâm Phụ nữ và Chính trị Mỹ của Đại học Rutgers cho rằng số lượng nữ nhân viên trong Nhà Trắng chỉ mang tính biểu tượng và chỉ liên quan tới thông điệp về tính đa dạng mà Nhà Trắng muốn gửi tới công chúng. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tầm ảnh hưởng của những người phụ nữ này.
Cụ thể, Dittmar chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là ai ngồi tại bàn đàm phán và ai ở trong phòng đàm phán khi những quyết định nghiêm trọng và quan trọng nhất được đưa ra. Ai là nhân viên có tính chiến lược, ai tham gia vào quá trình lập nghị trình cho tổng thống. Liệu có phải nữ giới?”
Kellyanne Conway, cố vấn và cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, cũng đồng tình với suy nghĩ này.
Sự chênh lệch giới tính trong Nhà Trắng hiện nay đã gây ra nhiều làn sóng phản đối, đặc biệt là sau khi những bức ảnh chụp Tổng thống kí các mệnh lệnh hành pháp và đàm phán dự luật chăm sóc sức khoẻ trong căn phòng gồm toàn nam giới được đăng tải.
Tuy nhiên, Conway đính chính rằng bà cũng có mặt trong phòng khi những bức ảnh đó được chụp. Bà khẳng định dù không ở trong khung hình, nhưng những quan điểm cũng như đánh giá của bà và nhiều nữ nhân viên khác vẫn được lắng nghe.
Mất cân bằng giới tính không chỉ xảy ra tại Nhà Trắng. Đây còn là tình trạng chung trong Đảng Cộng Hoà và trong cả nền chính trị Dân chủ. Chỉ 5/52 nghị sĩ của Đảng Cộng Hoà là nữ giới, và chỉ khoảng 10% thành viên của Đảng trong Quốc Hội là nữ. (Số lượng nữ giới của Đảng Dân chủ trong Thượng viện và Hạ viện lần lượt gấp hai và ba lần so với Đảng Cộng hoà).
Dù vậy, theo Mary Frances Berry, giáo sư từ Đại học Pennsylvania và cựu chủ tịch Uỷ ban Dân Quyền Mỹ, bình đẳng giới không phải là “ưu tiên” của những nữ cử tri bầu cho Trump. Và rõ ràng, dù Đảng Cộng hoà đang tạo áp lực lên Nhà Trắng về vấn đề đa dạng hoá, nhưng chính quyền Trump không hề đưa ra phản hồi. Theo Berry, “chính quyền Trump không cho rằng đây là vấn đề”.
Phụ nữ là người sứ giả và người gác cổng
Hiện nay, có 5 người phụ nữ đang làm việc trong Nhà Trắng: Conway, Ivanka Trump, Hope Hicks (giám đốc truyền thông chiến lược, 28 tuổi), Sarah Huckabee Sanders (phó tổng thư ký truyền thông), và Dina Powell (phó cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn sáng kiến kinh tế cấp cao).Trong khi Ivanka và Powell chủ yếu làm nhiệm vụ cố vấn chính sách, thì Conway, Hicks và Sanders lại đảm nhiệm các lĩnh vực truyền thông và giao tiếp.
Các nữ nhân viên chủ yếu tham gia vào các sự kiện họp báo hay diễn thuyết trước công chúng cùng Trump với tư cách là những người bảo vệ và liên lạc truyền thông; và ngược lại, các nam cố vấn hàng đầu như Jared Kushner hay Steve Bannon rất ít khi xuất hiện tại những sự kiện này.
Trong chính quyền mới, nữ giới chủ yếu phụ trách các vị trí truyền thông quan trọng. Ví dụ, Conway là một trong những đại diện và cố vấn chính của tổng thống về truyền thông cũng như tuyên truyền các thông điệp chiến lược.
Sự cân bằng giới tính trong nhóm truyền thông của Nhà Trắng cho thấy một xu hướng lớn hơn: phụ nữ chiếm 59% trong tổng số các chuyên gia quan hệ công chúng (PR) trong các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận và 71% trong tổng số các quản lý PR (số liệu từ Cục Thống kê Lao động).
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này được cho là phụ nữ lắng nghe tốt hơn và có kĩ năng xây dựng các mối quan hệ tương tác tốt hơn so với nam giới.
Quỳnh Mai