Chuyến thăm đầu tiên đầy ấn tượng đến Palestine
Hành trình đến Ramallah
Theo Hiệp định Oslo ký giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) năm 1993, toàn bộ Bờ Tây được chia thành 3 khu vực. Khu A chiếm 18% diện tích Bờ Tây do chính phủ Palestine quản lý. Khu B chiếm 22% diện tích Bờ Tây nằm dưới quyền quản lý dân sự của Palestine và Israel - Palestine cùng kiểm soát về an ninh. Khu C, ngoại trừ Đông Jerusalem, chiếm 60% diện tích Bờ Tây do chính quyền dân sự Israel cai quản, chính phủ Palestine được cung cấp các dịch vụ giáo dục và y tế cho 150.000 người Palestine sống trong khu vực này.
Đông Jerusalem được Palestine tuyên bố là thủ đô của Palestine, song hiện vẫn do Israel quản lý như một phần của quận Jerusalem. Khu vực này bị Israel sáp nhập năm 1980 - hành động không được quốc gia nào công nhận. Trong số 456.000 cư dân tại Đông Jerusalem, khoảng 60% là người Palestine và 40% là người Israel.
Thủ tướng Mohammad Ibrahim Shtayyeh tiếp đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Palestine. |
Hành trình của chúng tôi đến Ramallah, thành phố thuộc khu A do Palestine quản lý và là nơi đặt tổng hành dinh của chính phủ Palestine, không dễ dàng. Chúng tôi phải đi bằng đường bộ từ Amman qua con cầu bắc qua sông Jordan sang Bờ Tây. Tại cửa khẩu, người Israel kiểm soát an ninh hết sức nghiêm ngặt và phải làm các thủ tục nhập cảnh. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, chúng tôi di chuyển vào lãnh thổ Bờ Tây do Israel kiểm soát để đi đến thành phố Ramallah. Khác với những suy nghĩ ban đầu cho rằng tại đây sẽ là các cuộc xung đột, đánh bom liều chết, thành phố Ramallah hiện lên đẹp như một bức tranh vẽ, không khí yên bình, người dân đi lại trật tự. Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama là người tổ chức và hướng dẫn chúng tôi trong toàn bộ chuyến đi.
Chúng tôi được đi thăm nhiều nơi, trong đó có các thành phố chính là Jenin, Nablus, Hebron và Betlehem. Dọc đường đi có rất nhiều chốt kiểm soát an ninh của Israel.
Có thể nói, chuyến thăm trại tị nạn Jenin để lại nhiều ấn tượng nhất. Các vết đạn vẫn còn in trên các bức tường dọc theo con phố nhỏ, các con đường bị xe tăng Israel cày xới vẫn còn nguyên vẹn và các ngôi mộ vừa được chôn trong nghĩa trang vẫn nguyên mùi đất mới... Chúng tôi gặp các em học sinh vừa tan trường, chúng vẫn hồn nhiên kể sau khi quân Israel rút đi, chúng trở lại trường ngay để tiếp tục học tập.
Tình cảm sâu đậm với Việt Nam
Trong thời gian ở thăm Palestine, chúng tôi đã gặp gỡ những người dân bình thường trên đường phố và được lãnh đạo các tỉnh tiếp đón nồng nhiệt. Đoàn đã có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các tỉnh Ramallah, Jenin, Hebron, Nablus... Hiệp hội Doanh nhân Palestine, Hiệp hội Phụ nữ Palestine, Hội Nhà văn Palestine cũng đã dành thời gian tiếp đoàn. Đoàn đã tới thăm Trường Đại học quốc gia An-Najah, một trong số 100 trường đại học danh giá nhất thể giới. Cuối chuyến thăm, Thường trực Ban Bí thư đảng Fatah Jibril M.M. Al-Rajoub, Bộ trưởng Nội vụ Ziad Hab Al-Reeh và Thủ tướng Mohammad Ibrahim Shtayyeh đã thân mật tiếp đoàn.
Tiếp xúc với người dân trên đường phố cũng như trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Palestine, ở đâu chúng tôi cũng cảm nhận được tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam. Họ đều nhắc tới tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, coi Việt Nam là tấm gương, là nguồn cảm hứng cho nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh giành các quyền dân tộc của mình, trong đó có quyền tự quyết, quyền trở về và quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trên mảnh đất quê hương của mình.
Các bộ, ngành Palestine đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực... Chúng tôi thấy hàng hóa “Made in Vietnam” đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường Palestine. Hiệp hội Doanh nhân Paletine cho biết, sắp tới, họ sẽ cử một đoàn doanh nhân lớn vào Việt Nam để tìm hiểu khả năng hợp tác giữa hai nước. Về thể thao, theo kế hoạch, đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ thi đấu giao hữu với đội tuyển Palestine tại sân vận động Mỹ Đình vào đầu tháng 9 tới.
Khát vọng tự do cháy bỏng
Chúng tôi đến viếng mộ cố Tổng thống Yasser Arafat, lãnh tụ của nhân dân Palestine, người khi còn sống đã đến thăm Việt Nam trên dưới mười lần và coi Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của ông, tại Ramallah. Một ngôi mộ đơn giản được ốp bằng đá cẩm thạch. Trước khi qua đời, cố Tổng thống Y.Arafat đã để lại di nguyện ông được chôn tạm thời trong một điện thờ tại Ramallah, chờ ngày thắng lợi sẽ chuyển về an táng tại thánh đường Al-Aqsa ở Jerusalem.
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Mohammad Ibrahim Shtayyeh, Thường trực Ban Bí thư Fatah Jibril M.M. Alrajoub, lãnh đạo các cơ quan và địa phương nơi đoàn đến thăm đều tỏ quyết tâm đấu tranh để đạt được mục tiêu cuối cùng là thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Các nhà lãnh đạo Palestine cho biết, chủ trương của họ là đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, không để một số thế lực lợi dụng vấn đề Palestine để tiến hành các biện pháp mang tính chất cực đoan, manh động, không có lợi cho việc tìm ra giải pháp công bằng cho cuộc xung đột với Israel. Theo hướng này, các bạn Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Khát vọng tự do và độc lập không chỉ của những người lãnh đạo Palestine mà còn của tất cả người dân Palestine. Đêm trước khi rời Ramallah về nước, chúng tôi được mời đến xem buổi dạ hội mang tên “75 năm khát vọng trở về” của ban nhạc trẻ Palestine. Họ đọc các bài thơ trữ tình cách mạng của nhà thơ Mahmoud Darwish, hát về tình yêu quê hương, đất nước, về cuộc kháng chiến, về khát vọng tự do... trên nền nhạc hiện đại. Khán giả đến rất đông, không còn một chỗ trống. Họ đứng dậy, giơ tay, hát theo một cách cuồng nhiệt. Cả nhà hát ngoài trời như bùng nổ. Một đêm diễn sôi động, tuyệt vời đầy ấn tượng. Cuối buổi biểu diễn, biết chúng tôi là người Việt Nam, các bạn trẻ chạy đến chuyện trò và xin chụp ảnh chung kỷ niệm.
Lâu nay theo dõi vấn đề Palestine qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua chuyến thăm này, chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy những thực tế ở Palestine và tin rằng giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột Palestine - Israel là thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Nhà nước Israel.
Fatah là một đảng chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, là thành viên lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trong Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Chính phủ Palestine. Hiện nay, Fatah đóng vai trò lãnh đạo, quyết định đường lối, chính sách của cách mạng Palestine. Hầu hết các nhà lãnh đạo trong Chính phủ Palestine đều thuộc Fatah. Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas là Chủ tịch của Fatah. |