Chuyện người phụ nữ Việt "kết yêu thương, dệt phép màu" trên đảo quốc Sư Tử
Sữa tươi Organic của Vinamilk chiếm trọn tình cảm người dân Singapore |
10 điều thú vị ít người biết về Singapore |
Singapore chế tạo "bọt biển thần kỳ" làm sạch nước |
Cơ duyên làm việc thiện
Chị Thảo Hương (phải) và bé Gia Bảo (sinh năm 2017, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An). Bé từng bị nhiễm khuẩn máu, viêm màng não mủ. Được hỗ trợ điều trị tại Singapore, hiện tại sức khỏe bé đã ổn định rất nhiều, nói rõ, đi vững. Ảnh: CAI |
Children Are Innocent (CAI) vừa tròn 3 tuổi, nhưng hành trình thiện nguyện của chị Thảo Hương đã bắt đầu từ hơn 10 năm nay, từ khi còn sinh sống ở Việt Nam. Xúc động và đồng cảm với những vất vả, khó nhọc của những bệnh nhân ung thư, nhất là trẻ em và người nhà trong thời gian chăm sóc cha mình ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị Hương và những người chị em, bạn bè đã tự nhủ, phải làm một điều gì đó, dù nhỏ bé thôi, để san sẻ khó khăn với họ. Quyên góp tiền, đồ chơi, quần áo… cho các bệnh nhi là những gì các chị làm khi đó.
Hành trình tiếp sức cho những trẻ em bị bệnh hiểm nghèo của chị Thảo Hương chính thức bắt đầu vào năm 2016, sau khi lập gia đình và sang định cư tại Singapore.
Chị tâm sự: “Cuối năm 2016, có một gia đình đưa con sang Singapore điều trị. Tình hình có tiến triển nhưng gia đình lại không đủ kinh phí để theo suốt quá trình. Mình thấy vậy nên đã chia sẻ với mọi người, để mọi người quyên góp rồi trao tận tay cho gia đình.”
Em bé đó tên là Phúc, mắc một căn bệnh hiếm về da, mà chị Hương tới giờ vẫn không thể quên “Trông con tội nghiệp lắm, toàn thân nhìn giống như bị phủ kín những vết bỏng vậy”.
Thế rồi, từ đó, chị Hương bắt đầu có duyên đồng hành với những em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Để thuận lợi cho việc kêu gọi quyên góp, chị đã thành lập quỹ Children Are Innocent.
Không chỉ là người kết nối những tấm lòng nhân ái để kêu gọi kinh phí điều trị cho các bé, chị Hương và những người bạn của mình còn trực tiếp hỗ trợ các gia đình bệnh nhi như đưa đón người bệnh, kết nối với bệnh viện, làm phiên dịch cho bác sĩ, người bệnh, lên kế hoạch, quản lý các khoản chi tiêu ăn ở, điều trị cho các bé… Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.
Với những hoàn cảnh khó khăn, chị Hương và các tình nguyện viên sẽ dành thêm thời gian trao đổi, thuyết phục các bệnh viện giảm chi phí cho người bệnh.
“Chúng mình cố gắng để các gia đình có thể giảm thiểu chi phí tối đa. Ví dụ như thuyết phục để bệnh viện cho bệnh nhân ở phòng 1 người nhưng chỉ phải trả mức giá của phòng 4 người, hay là thuyết phục để họ linh động cho cả ba mẹ em bé được ở lại bệnh viện qua đêm, thì sẽ không tốn tiền trọ” (nhiều bệnh viện ở Singapore chỉ cho 1 người nhà được ở lại trông bệnh nhân)
Tới Singapore, các bệnh nhi và gia đình được bố trí chỗ ở phù hợp (ở nhà trọ của người Việt Nam hoặc ở chung với gia đình chị Thảo Hương nếu gia đình quá hạn chế về kinh tế). Không chỉ vật chất, đời sống tinh thần của họ cũng được quan tâm, chăm lo. Mỗi chuyến đi điều trị thường kéo dài hàng tháng trời, và trong quá trình đó, chính chị Thảo Hương đã góp phần gắn kết những ông bố, bà mẹ, em bé có chung hoàn cảnh, bằng những chuyến tham quan, những bữa tiệc sinh nhật ấm áp...
Giữa cái lạnh giữa đông Hà Nội, đêm từ thiện gây quỹ “Vì tương lai trẻ thơ” đã chứng kiến những cuộc hội ngộ ấm áp và cảm động của các gia đình bệnh nhi. Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, nhưng có điểm chung là đều từng trải qua cuộc vật lộn quyết liệt, để giành lại sự sống, sức khỏe cho con mình. Trên hành trình đó, họ đã may mắn gặp được những ân nhân vốn xa lạ thông qua nhịp cầu nối CAI.
Những bệnh nhi ấy là Đinh Trung Kiên, Lữ Thu Phương, Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Hà Phương...và rất nhiều em bé khác. Có bé mắc não úng thủy, nhiễm trùng nặng, nói không rõ, đi không vững; bé bị chảy máu não nghiêm trọng, 4 bệnh viện trong nước đều từ chối điều trị.
(Từ phải qua) Các bé Lữ Thu Phương, Nguyễn Gia Bảo và mẹ tại Đêm từ thiện Vì tương lai trẻ thơ. Ảnh: Phi Yến |
Sau khi được chị Thảo Hương và CAI trợ giúp sang Singapore điều trị, các bé đã qua cơn bạo bệnh, tiến triển tích cực, sức khỏe ổn định dần. Nhiều bé có nhận thức tốt, khả năng nói, vận động tốt, đã đi học, hòa nhập với trường lớp.
Kết nối vạn tấm lòng
Sau 3 năm thành lập, quỹ CAI đã nhận được sự đóng góp của các nhà hảo tâm khoảng 30 tỉ đồng và từ các nhóm thiện nguyện, các gia đình số tiền khoảng 60 tỉ đồng.
Nguồn kinh phí này được CAI sử dụng để giúp điều trị cho hơn 300 bệnh nhi mắc các bệnh hiểm nghèo (não úng thủy, nhiễm trùng não, đục thủy tinh thể...), trong đó khoảng 70 ca điều trị tại Singapore. Bên cạnh đó, CAI cũng mở rộng hoạt động thiện nguyện tới các vùng khó khăn, bằng việc xây dựng 20 căn nhà tình thương, ủng hộ chương trình Trăng sáng vùng cao, vui Tết trung thu, Áo ấm vùng cao, xây thư viện, trường học, khu vui chơi cho các em nhỏ miền núi...
Chương trình "Hơi ấm Hiểu và Thương" giúp đỡ trẻ em các tỉnh Lai Châu, Lào Cai tháng 12/2018 do quỹ CAI thực hiện. Ảnh: CAI |
Nói về chặng đường đã đi, chị Thảo Hương xúc động chia sẻ: Những việc thiện được góp sức chung tay làm nên bởi rất nhiều tấm lòng nhân ái, như sư thầy Thích Tuệ Thành, trụ trì chùa Triều Sơn Tây (Huế), chị Thanh Trần, chị Phùng Ngọc Mai...Đặc biệt, trên hành trình đó, còn có sự đồng hành của những người bạn nước ngoài đáng quý như bác sĩ Rajendra Tiruchelvarayan (Spine Neuro, Singapore). Ông đã tặng toàn bộ chi phí một ca phẫu thuật não (ước tính 12 nghìn đô la Singapore) cho bệnh nhi Quách Ngọc Long vào tháng 11 vừa qua.
Bác sĩ Rajendra Tiruchelvarayan (trái) và gia đình bệnh nhi Quách Ngọc Long. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Và chưa hết, còn có rất nhiều những tổ chức, cá nhân mà chị Thảo Hương không thể kể hết. Cách chị thể hiện lòng biết ơn đối với họ là nỗ lực không ngừng để không phụ niềm tin tưởng họ đã gửi gắm nơi mình.
Làm từ thiện trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn” không dễ. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu, chị Thảo Hương luôn đặt minh bạch là ưu tiên hàng đầu. Mỗi trường hợp bệnh nhi cần hỗ trợ, chị và các tình nguyện viên của CAI sẽ xác minh chính xác về hoàn cảnh. Trong quá trình kêu gọi cho các bé, các chị luôn công bố cụ thể kinh phí cần là bao nhiêu, và cập nhật chi tiết hàng ngày trên trang facebook của CAI tên nhà hảo tâm ủng hộ và số tiền.
Việc sử dụng từng đồng quyên góp được cho mỗi bé, thiếu đủ ra sao cũng được chị Hương ghi chú kỹ càng. Những trường hợp đã đủ kinh phí, chị lập tức thông báo với các nhà hảo tâm. Ủng hộ cho bé này nếu còn dư, sẽ xin phép chuyển cho bé khác (chuyển bao nhiêu, cho trường hợp nào…). Bên cạnh đó, quá trình chữa trị, tiến triển hậu phẫu của các em cũng được cập nhật thường xuyên.
Cứ như vậy, những người biết tới CAI ngày càng nhiều. Từ chỗ hiếu kỳ theo dõi facebook, họ gửi gắm niềm tin, chung tay quyên góp và trở thành tình nguyện viên tâm huyết như một thành viên của gia đình thiện nguyện này.
Khi những việc làm đẹp của chị Thảo Hương và CAI được biết đến rộng rãi trong cộng đồng, thì các báo, đài của Singapore và Việt Nam bắt đầu tìm đến chị để làm các phỏng vấn, phóng sự.
Chị Thảo Hương rất ngại kể về mình, bởi “Mình chỉ là một người bình thường, không phải Hoa hậu, người đẹp hay người làm kinh doanh gì…”
Với chị, ý nghĩa duy nhất của việc được biết đến là để càng có nhiều nhà hảo tâm sẽ biết về CAI, nhiều hỗ trợ sẽ đến được với các bệnh nhi và gia đình.
Những điểm tựa yêu thương
Định cư ở Singapore, là mẹ của ba con nhỏ, làm việc toàn thời gian với vai trò thư ký hành chính của công ty Lakshya Holding, để có thể dành tâm sức cho công việc thiện nguyện, bên cạnh nỗ lực của bản thân, chị Hương còn nhận được sự thông cảm, ủng hộ lớn từ gia đình, nhất là người bạn đời.
Cũng giống như vợ, anh Adam Chua (38 tuổi), không thích nói về bản thân mình. Khi được hỏi, vì sao anh luôn sẵn lòng đón những gia đình bệnh nhi, những người vốn xa lạ, không cùng đất nước, không cùng tiếng nói, bước vào căn nhà của mình. Anh chỉ khiêm nhường trả lời như một lẽ đương nhiên, bởi “Chúng ta đều là con người, đều bình đẳng như nhau.”
“Tôi rất yêu trẻ em, và tôi chỉ nghĩ rằng, không lý gì mà những em bé sinh ra trong gia đình khó khăn lại không thể được tiếp cận với điều kiện y tế tốt, để có thể sống và phát triển khỏe mạnh”, anh nói.
Bởi vậy, không những không bao giờ trách vợ “ăn cơm nhà, lo việc người ta”, anh còn hết lòng làm “hậu phương” giúp chị chăm sóc gia đình những khi chị vắng nhà, hoặc phụ giúp chị một số việc của quỹ…
“Tôi mong rằng mình có thể hỗ trợ Thảo Hương nhiều hơn nữa, để quỹ CAI có thể làm được nhiều điều to lớn hơn, giúp đỡ được ngày càng nhiều những hoàn cảnh khó khăn”, anh nói.