Chuyện Mỹ ném hàng ngàn tỷ USD và những chiêu "gài bẫy" khó lường ở chiến sự Trung Đông
Các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Iraq ngốn hết bao nhiêu tiền?
Mỹ đã chi hàng ngàn tỷ USD cho các cuộc chiến ở Trung Đông và Bắc Phi trong khi chính họ cũng nói rằng không thể thực hiện các cam kết về bảo hiểm xã hội và chăm sóc y tế do thiếu tiền.
Năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố tổng chi phí cho các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Trung Đông từ năm 2001 đến nay là 1,5 ngàn tỷ USD.
Đây là con số quá lớn rồi, nhưng nhiều người Mỹ vẫn không tin vào các số liệu của Lầu Năm Góc, đặc biệt khi nói đến các chi phí liên quan đến các cuộc chiến tranh ở bên ngoài nước Mỹ. Những con số này không ai có thể kiểm chứng được.
Bởi vậy, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Quốc tế Watson (The Watson Institute for International and Public Affairs) thuộc trường đại học Brown đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Kết quả tính toán cho thấy tổng chi phí cho các cuộc chiến tranh này lên tới 5,6 ngàn tỷ USD, tức là gấp gần bốn lần con số của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.
Điều này có nghĩa là chi phí chiến tranh của Mỹ ở Trung Đông tương đương 27% tổng số nợ của Mỹ, hiện nay đang ở mức 20,5 ngàn tỷ USD. Theo con số công bố của Bộ Quốc phòng thì mỗi người dân đóng thuế ở Mỹ phải chịu 7.740 USD, nhưng theo tính toán của các chuyên gia độc lập thì con số này phải là 24 ngàn USD.
Theo các chuyên gia từ viện Watson, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không tính toàn bộ chi phí liên quan đến chiến tranh, trong đó có các khoản dài hạn như chăm sóc y tế cho cựu chiến binh, chi phí bổ sung cho Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội vụ có liên quan tới chiến tranh, chi phí cho Bộ Cựu chiến binh và các cơ quan khác của chính phủ liên bang.
Lính Mỹ tuần tra ở Kabul, Afghanistan. Nguồn: Youtube
Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ tính chi phí chăm sóc y tế cho các quân nhân trong chiến đấu chứ không tính đến các cựu chiến binh. Theo luật pháp Mỹ, các cựu chiến binh là những người được hưởng chế độ chăm sóc y tế suốt đời đến khi chết.
Ngân sách rót cho Bộ Cựu chiến binh liên tục tăng, trong đó chi phí y tế chiếm nhiều nhất. Nếu trước đây Bộ Cựu chiến binh chỉ phải chăm sóc y tế cho những người tham gia chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên thì bây giờ phải gánh chịu thêm chi phí cho hàng chục ngàn cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq.
Thượng nghị sĩ Jack Reed cho rằng những gì Viện Watson đã làm là "một thành tựu rất quan trọng vì nó cho thấy sự tốn kém thực sự của chiến tranh."
Mỹ tiến hành chiến tranh ở Trung Đông nhằm mục đích gì?
Nhà phân tích chính trị và kinh tế nổi tiếng của Mỹ Paul Craig Roberts, trong một bài viết đăng trên trang "Geopolitika", cũng cho rằng Mỹ đã chi hơn 5,6 ngàn tỷ USD cho các cuộc chiến tranh ở Trung Đông từ 2001 đến nay, chứ không phải 1,5 ngàn tỷ USD như Bộ Quốc phòng Mỹ công bố.
Paul Craig Roberts nêu ra ba lý do Mỹ tiến hành các cuộc chiến tranh ở Trung Đông và Bắc Phi.
Lý do thứ nhất liên quan đến lợi nhuận khổng lồ của tổ hợp tình báo quân đội cùng chung lợi ích với ngành công nghiệp sản xuất vũ khí có mối quan hệ chặt chẽ với các nhân vật thế lực trong chính quyền Mỹ.
Nhóm người này cần tạo ra một nguy cơ cụ thể để biện minh cho đề nghị tăng ngân sách quốc phòng hàng năm. Ngân sách này hiện lớn hơn tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia.
Cuộc sống thường nhật của lính Mỹ tại Afghanistan. Nguồn: Youtube
Lý do thứ hai liên quan đến hệ tư tưởng của giới bảo thủ mới tìm mọi thủ đoạn để áp đặt quyền bá chủ của Mỹ trên toàn cầu và cho rằng trách nhiệm của Washington là áp đặt lối sống Mỹ trên phạm vi toàn thế giới. Những chế độ chống lại chính sách bá chủ của Mỹ, không đi theo quỹ đạo của Mỹ phải bị loại bỏ.
Lý do thứ ba liên quan đến nhu cầu của Israel về tài nguyên nước ở miền nam Lebanon. Israel đã hai lần đưa quân đội của mình vào miền nam Lebanon, nhưng đều bị Hezbollah đánh đuổi. Thực tế, Israel đang sử dụng Hoa Kỳ để lật đổ các chính phủ hợp pháp ở Syria và Iran là những nước giúp đỡ về quân sự và kinh tế cho Hezbollah.
Nếu Mỹ có các biện pháp ngăn cản được những nước ủng hộ Hezbollah thì Israel hoàn toàn có thể chiếm được miền nam Lebanon một cách dễ dàng như việc chiếm Palestine và cao nguyên Golan trước đây.
"Cuộc chiến chống khủng bố"
Nhiều người Mỹ không hiểu được mục đích thực sự của các cuộc chiến tranh dựa trên những lý do hoàn toàn giả tạo này. Họ tin rằng các cuộc chiến tranh tại Trung Đông mà Mỹ tiến hành là cuộc chiến chống khủng bố và là để đáp lại vụ khủng bố 11/9/2001.
Ngày 27/9/2001, Cục Điều tra Liên bang (FBI), cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ có nhiệm vụ điều tra tội phạm ở cấp độ liên bang và tình báo nội địa, đã công bố ảnh của 19 tên không tặc trên hai chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới tại New York cùng thông tin về quốc tịch của chúng.
Trong số này thì 15 tên là người Ả rập Xê-út, 2 tên mang quốc tịch các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), 1 từ Ai Cập và 1 từ Lebanon.
Đoạn tư liệu vụ tấn công kinh hoàng ngày 11/9 của Al-Qaeda. Nguồn: VOA
Không có người nào từ Iraq, Libya, Syria, Yemen, Afghanistan hoặc Iran. Những nước này hoàn toàn không có bất cứ mối liên hệ nào với những gì xảy ra hôm 11/9/2001 cả.
Đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra sau vụ khủng bố kinh hoàng này.
Nhiều người thắc mắc rằng, trong điều kiện an ninh hết sức nghiêm ngặt tại các sân bay của Mỹ mà cùng một lúc bọn không tặc lại có thể bắt cóc được bốn chiếc máy bay dân dụng của hãng American Airlines và United Airlines lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới tại New York và trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ tại Washington?
Iraq đã bị gài bẫy như thế nào khi đưa quân đánh chiếm Kuwait?
Thực ra, kế hoạch tấn công lật đổ các chế độ không đi theo quỹ đạo của Mỹ ở Trung Đông như Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003, Libya và Syria năm 2011 đã được Washington đưa ra từ lâu.
Lý do chống khủng bố, trừng phạt Afghanistan gây ra vụ 11/9/2001 hoặc Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt chỉ là ngụy biện.
Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ảnh: Gloucestershire Live
Ngay từ 1990, Mỹ đã gài bẫy Iraq tấn công Kuwait để lấy cớ đánh nước này. Ngày 25/7/1990, tức một tuần trước khi Iraq có kế hoạch tấn công Kuwait, trong cuộc gặp Tổng thống Saddam Hussein tại thủ đô Baghdad, Đại sứ Mỹ tại Iraq lúc đó April Glaspie nói:
"Chúng tôi không có ý kiến gì về các cuộc xung đột giữa những người Ả Rập như vụ tranh chấp biên giới giữa Iraq và Kuwait. Thành thực mà nói, chúng tôi chỉ biết Iraq đã triển khai mạnh mẽ quân đội ở miền Nam. Thông thường thì việc này không liên quan gì đến chúng tôi".
Điều này có nghĩa là Mỹ đánh tín hiệu cho Iraq tấn công Kuwait. Tin rằng Mỹ sẽ không có phản ứng gì, ngày 2/8/1990 quân Iraq đã tràn qua biên giới phía Nam vào lãnh thổ Kuwait và chỉ trong vòng hai ngày, ngày 4/8/1990 đã chiếm toàn bộ Kuwait.
Quốc vương Kuwait cùng gia đình và toàn bộ các thành viên chính phủ đã phải chạy sang lánh nạn tại Ả Rập Xê-út .
Ngày 17/1/1991, lấy cớ Iraq xâm lược Kuwait, Mỹ đã mở chiến dịch "Bão táp sa mạc" (Desert Storm) đánh Iraq, buộc Iraq phải rút quân khỏi Kuwait.
Từ đó Iraq bị cấm vận toàn diện và đến tháng 3/2003, lấy cớ Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), Mỹ và liên quân quốc tế hơn 40 nước đã tấn công đánh chiếm Iraq, lật độ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein.
Đến nay, Mỹ vẫn không tìm thấy bất cứ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào tại Iraq.
Theo con số thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, số lính Mỹ bị giết trong chiến dịch "Tự do bền vững" (Enduring Freedom) ở Afghanistan từ tháng 10/2001 và chiến dịch "Tự do cho Iraq" (Iraqi Freedom) từ tháng 3/2003 đến nay là 6.800 và bị thương là 31.952.
Đây là số lính Mỹ chết trận nhiều nhất kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam (1964-1975) với 58.220 lính bị chết và hơn 305.000 bị thương.
27 năm đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khu vực Trung Đông vẫn không yên ổn, bạo lực và khủng bố tràn lan.
Các cuộc xung đột mới đang tàn phá khu vực và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân vô tội. Nhiều nhà quan sát cho rằng Mỹ phải chịu phần lớn trách nhiệm về sự hỗn loạn này.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai