Chuyên gia World Bank: Việt Nam sẽ hưởng lợi 4,4% GDP nhờ chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày càng gay cấn khi khoản thuế 10% lên 234,8 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ sẽ được nâng lên 25% vào ngày 1/1/2019. Trong khi chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến người dân cả 2 nước thì chúng lại đang đem đến lợi ích cho những nền kinh tế khác, ví dụ như Việt Nam.
Mới đây nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Massimiliano Cali của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy nếu những khoản thuế được thực hiện theo đúng lộ trình, kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc của Mỹ sẽ giảm gần 68,6 tỷ USD, tương đương 13,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc và 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Nếu điều này diễn ra, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ mất 41,4 tỷ USD, tương đương khoảng 0,3% GDP.
Tổng giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tính đến ngày công bố áp thuế và đến ngày thực hiện qua các vòng (tỷ USD)
Những mặt hàng chịu thiệt hại do Mỹ áp thuế đặc biệt lên hàng nhập khẩu Trung Quốc (tỷ USD)
Chuyên gia Cali đã xem xét những mặt hàng của Trung Quốc bị đánh thuế nặng và được sản xuất lượng lớn ở các thị trường lân cận để tính toán chúng sẽ được thay thế bởi những quốc gia nào. Ví dụ do bị đánh thuế nên mặt hàng ghế xuất từ Trung Quốc sẽ giảm hơn 400 triệu USD kim ngạch. Thay vào đó, Việt Nam vốn đã xuất khẩu nhiều ghế cũng như bọc ghế cùng các bộ phận khác liên quan nên thị trường này nhiều khả năng sẽ trở thành lựa chọn thay thế của các đơn hàng, nhà đầu tư cũng như nhà máy.
Sau khi thống kê hàng loạt những sản phẩm có thể bị thay thế bởi những quốc gia khác, chuyên gia Kali thiết lập lợi ích của từng nước nhận được khi trở thành nhà cung cấp mới cho Mỹ thay Trung Quốc dựa trên tỷ lệ % GDP. Kết quả là Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại hiện nay. Nếu tất cả các sản phẩm của Việt Nam như chuyên gia Cali đã tính toán có thể thay thế hàng xuất khẩu Trung Quốc thì giá trị của chúng tương đương với 4% GDP.
Những mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trở thành nguồn cung mới cho thị trường Mỹ bao gồm ghế, thủy sản, túi du lịch, máy ảnh, đồ gỗ…
Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ chiến tranh thương mại (%GDP)
Những mặt hàng Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc nhờ chiến tranh thương mại (triệu USD)
Đứng thứ 2 sẽ là Philippines với 4,1% GDP và Campuchia với 3,6% GDP. Trong khi đó Indonesia lại bất ngờ được đánh giá là hưởng lợi ít nhất từ cuộc chiến thương mại với chỉ khoảng 1% GDP.
Tuy vậy, chuyên gia Cali cho biết do phần lớn các nền kinh tế trên thế giới sẽ được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc cũng như nhu cầu tìm nguồn cung mới của Mỹ nên lợi ích trên thực tế của mỗi thị trường sẽ thấp hơn so với tính toán.
Thêm vào đó, nhiều nền kinh tế cũng sẽ chịu thiệt hại do làm ăn khá nhiều với Trung Quốc. Ví dụ Malaysia và Đài Loan xuất khẩu khá nhiều nguyên vật liệu, thiết bị sang các nhà máy Trung Quốc để sản xuất hàng xuất sang Mỹ. Bởi vậy chiến tranh thương mại sẽ khiến GDP Đài Loan và Malaysia giảm tương ứng 0,24% và 0,2%.
Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan cũng sẽ mất hơn 0,1% GDP do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do đều xuất khẩu các thiết bị, nguyên vật liệu cho những nhà máy sản xuất xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc. Đối với Việt Nam, Campuchia và Indonesia, tác động tiêu cực được đánh giá là gần như không đáng kể do tham gia hạn chế vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc.
Các nền kinh tế chịu thiệt hại do chiến tranh thương mại và phân bổ theo từng ngành (%GDP)
AB