Chuyên gia logistics Đặng Đình Đào: Lập luận của Jetstar vé giá rẻ dẫn đến mất cân đối giữa hàng không và các ngành vận tải khác là không ổn
Hồi giữa tháng 3, trong văn bản góp ý cho Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa, hãng hàng không Jetstar Pacific đã đề nghị Bộ GTVT cần phải có mức giá sàn bên cạnh mức giá trần. Câu chuyện áp giá sàn được dư luận quan tâm khi Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có ý kiến tương tự Jetstar Pacific khi đề xuất áp dụng giá sàn và đưa ra con số 1,54 triệu là mức thấp nhất cho vé máy bay nội địa.
Chúng tôi cuộc trao đổi với GS.TS. Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông là chuyên gia lĩnh vực logistics từng học tập, nghiên cứu tại Nga.
Pv: Cục Hàng không đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Đáng chú ý trong dự thảo này ngoài quy định về tăng khung giá trần vé máy bay hạng phổ thông thêm 7-16% tùy nhóm đường bay, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa. Liệu theo ông, mức giá sàn khi áp dụng làm giảm tính cạnh tranh, đi ngược với xu thế kinh tế thị trường hay không?
GS.TS. Đặng Đình Đào: Theo tôi việc áp giá trần, giá sàn cho các đường bay nội địa như đề xuất gửi tới Cục hàng không là đi ngược lại quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Vì cạnh tranh là một trong những quy luật kinh tế cơ bản của kinh tế thị trường và chỉ có cạnh tranh mới làm cho giá thị trường giảm xuống và buộc các doanh nghiệp phải tối ưu hóa các yếu tố đầu vào trong sản xuất kinh doanh và phải giữ cho được chữ tín với khách hàng…
Cho nên việc áp mức giá sàn và giá trần đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các tuyến bay nội địa là không phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi mà Việt Nam đã qua 30 năm đổi mới.
Pv: Trong đề xuất của mình, phía Jetstar cho rằng không chỉ ảnh hưởng đến ngành hàng không, việc thả trôi giá vé máy bay khiến cho mức giá của nó thậm chí thấp hơn giá vé đường sắt, đường bộ, dẫn đến sự mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác. Lập luận này theo ông có ổn không khi mà công nghệ vận tải đường sắt của Việt Nam đã lạc hậu?
GS.TS. Đặng Đình Đào: Tôi cho lập luận này không ổn lắm. Vì thực tế hiện nay, theo Niên giám thống kê mới nhất thì lượng hành khách vận chuyển đường hàng không mới chỉ đạt 0,94%; đường sắt: 0,33%, đường bộ chiếm tới: 93,8%; còn bức tranh về vận chuyển hàng hóa cũng không khá hơn: Đường hàng không chỉ có 0,017%; đường sắt: 0,6%; đường bộ chiếm tới: 76,6% còn lại là các ngành vận tải khác.
Đây là bức tranh toàn cảnh về vận tải Việt Nam rất đáng để chúng ta suy nghĩ và cần có biện pháp phù hợp. Trong cơ chế thị trường, các phương thức vận tải cũng phải cạnh tranh với nhau theo đúng quy luật của kinh tế thị trường.
Sự yếu kém của đường sắt hiện nay, một mặt là do công nghệ lạc hậu nhưng mặt khác là do ngành đường sắt không phải chịu bất cứ sức ép nào liên quan đến kết quả sản xuất- kinh doanh. Đến nay mà vẫn còn tư tưởng ngồi chờ khách hàng, hành khách đến tận nhà ga mua vé, "ngày thường thì thong thả, ngày lễ hội thì vội vã và tranh thủ "chặt chém"; dịch vụ đường sắt cũng khá kém.
Chính ngành đường sắt đã tự đánh mất lợi thế loại hình vận chuyển được đánh giá "có độ tin cậy cao nhất về an toàn, giá cước rẻ nhất và vô địch tuyệt đối về khối lượng vận tải". Cho nên cần phải để cho các ngành vận tải cạnh tranh minh bạch với nhau trên thị trường bằng chính chất lượng dịch vụ, chi phí thấp và hoạt động theo đúng quy tắc thị trường, tôn trọng khách hàng ,tôn trọng quy luật cạnh tranh.
Pv: Về phía Vietjet Air kiến nghị: "Nhà nước chỉ quản lý, giám sát giá dịch vụ chứ không nên quy định giá trần để tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường". Theo ông, Nhà nước nên quản lý như thế nào?
GS.TS. Đặng Đình Đào: Thực thế trên thế giới không tồn tại nền kinh tế thị trường thuần túy (tự do hoàn toàn) mà bao giờ cũng có sự quản lý của nhà nước để hạn chế những mặt trái của chính nền kinh tế thị trường và Việt Nam của chúng ta cũng không ngoại lệ.
Do vậy, để phát triển nhanh và bền vững trong các ngành, các địa phương và nền kinh tế quốc dân thì cần phải có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo rằng các doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh trên thị trường luôn tuân thủ luật pháp và thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ với nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước cũng cần quy định cả giá trần để bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể trên thị trường mà vẫn tôn trọng được quy luật cạnh tranh.
Pv: Việc áp giá sàn sẽ tăng giá vé trong khi giá vé du lịch ra nước ngoài như Thái Lan , Malaysia ,… sẽ rẻ hơn, một số ý kiến lo ngại có khiến cho khách du lịch nội địa thay vì du lịch trong nước sẽ chuyển hướng sang nước ngoài. Ông nghĩ sao về những nghi ngại này?
GS.TS. Đặng Đình Đào: Những nghi ngại này thực tế đã có từ nhiều năm nay. Bởi vì ngoài giá vé thì còn nhiều sản phẩm kèm theo của Việt Nam, nhất là các sản phẩm dịch vụ du lịch giá vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, sản phẩm dịch vụ kém cạnh tranh hơn về mọi mặt.
Do vậy mà người Việt Nam thường ưu thích dùng hàng ngoại và cả đi du lịch nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi các ngành, các doanh nghiệp Việt Nam phải làm ăn theo đúng quy tắc thị trường, phải phấn đấu vươn lên để thu hút cho được khách hàng và phải giữ cho được thị trường nếu không chúng ta sẽ thua ngay cả trên "sân nhà".
Pv: Cách đây hơn 10 năm, Malaysia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cách xử lý khôn ngoan của Chính phủ nước này là kêu gọi Malaysia và AirAsia cùng hợp tác để tránh lãng phí nguồn lực, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. AirAsia được chính phủ hỗ trợ tài chính để phục vụ các chuyến bay quãng đường ngắn mà MAS đang chịu lỗ nhưng phải duy trì vì mục đích xã hội.Ông nghĩ sao về cách xử lý này của Chính phủ Malaysia ?
GS.TS. Đặng Đình Đào: Tôi cho rằng, cách xử lý của Chính phủ Malaysia, mặc dù cách đây đã hơn 10 năm nhưng là một bài học đáng để chúng ta suy ngẫm, có thể học hỏi, xem xét giải quyết tình huống tương tự như hiện nay. Điều quan trọng là chúng ta phải đứng trên lợi ích toàn cục để giải quyết vấn đề, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Pv: Xin cảm ơn ông.
Thu Thúy