Chuyên gia HSBC nhận định về điểm sáng của kinh tế ASEAN trong năm 2023
Bà Yun Liu nhận xét năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với thế giới. Tuy nhiên, đối với Đông Nam Á, đó là một năm tuyệt vời khi nhìn vào khả năng phục hồi. Tốc độ tăng trưởng của khu vực khá ấn tượng, với Malaysia tăng trưởng 8,7% và Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao nhất trong vòng 20 năm ở mức 8%. Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với năm 2023?
Bà Liu dự báo tăng trưởng của ASEAN có thể sẽ giảm tốc trong năm 2023. Mặc dù vậy, cũng có những lý do để có thể lạc quan hơn một chút khi nhìn vào triển vọng tăng trưởng của khu vực, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh câu chuyện mở cửa trở lại của Trung Quốc – vốn là một tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt đối với khu vực Đông Nam Á.
Theo bà Liu, du lịch chắc chắn là một điểm sáng của khu vực Đông Nam Á. Thái Lan sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất, nhưng đối với các nước như Việt Nam, Singapore và Malaysia, doanh thu từ du lịch vẫn rất lớn. Ở Thái Lan và Việt Nam, khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách của năm 2019. Tuy nhiên, lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như công suất chuyến bay và mức độ dễ dàng trong xin thị thực. Hồi sinh ngành du lịch cũng quan trọng đối với phục hồi thị trường lao động của ASEAN và tài khoản vãng lai của khối này, vốn liên quan đến tiền tệ.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, đối với hầu hết các nước ASEAN, Trung Quốc đã trở thành điểm đến xuất khẩu hàng đầu, nếu không muốn nói là lớn nhất. Năm 2022, Malaysia và Indonesia, hai nước xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản ở ASEAN, được hưởng lợi rất nhiều nhờ giá tài nguyên, khoáng sản toàn cầu tăng cao.
Sự phục hồi của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giúp hạn chế giảm giá tài nguyên, khoáng sản, điều này sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Các quốc gia khác có thể chứng kiến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc được thúc đẩy, ví dụ như thanh long của Việt Nam, chuối của Philippines và sầu riêng của Thái Lan.
Mặc dù vậy, xuất khẩu của ASEAN liên quan nhiều đến chu kỳ công nghiệp của Trung Quốc hơn là chu kỳ tiêu dùng của nước này. Kể từ Quý 4/2022, khó khăn thương mại gia tăng đã bắt đầu xuất hiện trong chu kỳ toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, như Singapore và Việt Nam. Sự phục hồi của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nâng đỡ sản xuất công nghiệp toàn cầu nhưng cũng không thể đảo ngược tình hình suy giảm đáng kể trong thương mại toàn cầu.
Bà Liu khẳng định nếu nhìn thương mại từ góc độ FDI, triển vọng của ASEAN vẫn tươi sáng. Trong 30 năm qua, khu vực này đã giành được thị phần xuất khẩu toàn cầu đáng kể nhờ dòng vốn FDI ổn định. Nhìn vào dữ liệu tần số cao, có hai quốc gia nổi bật. Một là Malaysia, quốc gia đã thu hút nhiều đầu tư vào mảng bán dẫn. Quốc gia còn lại là Việt Nam, nơi ngày càng thu hút nhiều đầu tư hơn từ Apple. Thêm nữa, Trung Quốc cũng đang nhanh chóng bắt kịp để trở thành quốc gia đầu tư FDI chủ chốt trong khu vực. Bức tranh đầu tư ở mỗi quốc gia và trong mỗi lĩnh vực một khác, ví dụ, phần nhiều đầu tư của Trung Quốc đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ ở Việt Nam và vào lĩnh vực xe điện ở Thái Lan và Indonesia.
Trong khi lạm phát toàn phần đạt đỉnh ở hầu hết các quốc gia ASEAN (ngoại trừ Philippines và Việt Nam), chỉ số chính mà nhiều nhà hoạch định chính sách đang theo dõi là lạm phát cơ bản vốn đang tăng tốc hoặc duy trì ở mức cao. Bà Liu kỳ vọng lạm phát sẽ dịu đi trong năm nay nhưng tốc độ nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm chạp.
Sau mức tăng trưởng ấn tượng của năm 2022, chuyên gia HSBC kỳ vọng tăng trưởng sẽ chậm lại ở khu vực ASEAN, ngoại trừ Thái Lan. Thái Lan là quốc gia ASEAN duy nhất mà chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc nhờ lượng khách du lịch quay trở lại nhiều hơn. Mặc dù vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc ASEAN sẽ bước vào thời kỳ suy thoái. Năm 2023 sẽ là một năm tăng trưởng chậm hơn. Đối với Việt Nam, HSBC dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,8%, nhưng nhiều khả năng sẽ dẫn đầu khu vực về tăng trưởng trong năm 2023.