Chuông nguyện Hoàng Sa: nơi ấy có phần xương máu anh linh
Cát từ Hoàng Sa do ngư dân đưa về được đổ vào nơi đặt viên đá đầu tiên xây khu tưởng niệm Hoàng Sa
“Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì khu tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối" Ông Đặng Ngọc Tùng (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) |
Sáng sớm 17/1, hàng ngàn người dân trên đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng nhiều người dân cả nước đã có mặt tại đỉnh núi Thới Lới để tham dự buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng công trình khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Nhiều người không kìm được giọt nước mắt xúc động khi mở đầu buổi lễ, tiếng chuông ngân dài vọng tưởng các anh linh, những lớp người đã ngã xuống vì một Hoàng Sa thân yêu.
Nhiều đôi mắt đỏ hoe khi nghe bà Đỗ Thị Hảo (70 tuổi, thôn Tây, An Vĩnh) ngân lên khúc hát truyền đời hàng trăm năm nay ở Lý Sơn: “Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng người đi lính Hoàng Sa chưa về/ Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về...”.
Nắm cát từ Hoàng Sa
Ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn - chỉ chúng tôi xem từng ngụm cát trắng để trong bình thủy tinh chuẩn bị đổ xuống nơi viên đá đầu tiên xây tượng đài: “Cát này được ngư dân Lý Sơn mang về từ Hoàng Sa!”.
Ông Chinh cho biết trước đó ông đã dặn dò các chủ tàu cá đi ra Hoàng Sa đánh bắt cá bằng mọi giá cũng phải lấy cho được một ít cát mang về vì nơi đó có một phần xương máu của cha ông!
Ngay sau khi cát được lấy từ Hoàng Sa trở về, Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn đã gửi tặng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một phần đổ xuống nơi viên đá đầu tiên xây tượng đài, phần còn lại được đổ vào trong những trụ pha lê mang dáng hình cột mốc chủ quyền làm quà tặng tại buổi lễ cho các gia đình có thân nhân hi sinh ở Hoàng Sa.
Đêm trước ngày đặt viên đá, ông Chinh cùng những người tổ chức đã lặng lẽ làm một mâm cúng khấn nguyện anh linh những người nằm lại biển khơi.
Bà Ngô Thị Kim Thanh (70 tuổi, vợ của thiếu tá hải quân Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thành Trí, hạm phó hộ tống hạm Nhựt Tảo, tử trận tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974) tay run run, không kìm được xúc động khi mang bình cát trắng đổ vào nơi đặt viên đá xây tượng đài.
Bà Thanh tâm sự: “Từ TP.HCM ra đây, leo lên con dốc Thới Lới này tôi mệt lắm, nhưng trong lòng thấy được an ủi nhiều. Chồng tôi và 74 đồng đội chắc sẽ ấm lòng nơi đây. Tôi mong khỏe để ngày khánh thành tượng đài lại được đến nơi đây thắp nén nhang”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo - con gái đầu của cố sĩ quan Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thành Trí - chia sẻ: “Buổi lễ này không chỉ riêng gia đình tôi hạnh phúc mà 74 gia đình của tử sĩ Hoàng Sa hi sinh năm đó đều hạnh phúc”.
Bà Ngô Thị Kim Thanh mang bình cát trắng đổ vào nơi đặt viên đá xây tượng đài
Chạm đến tình cảm thiêng liêng
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - chia sẻ rằng lịch sử đất nước sẽ tạc mãi trong tâm khảm những người dân Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo, khi ngày 19/1/1974 Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
14 năm sau, lịch sử lặp lại trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa, năm 1988. Ba tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505 và 64 người lính đã ngã xuống trong trận chiến này.
“Dù khác nhau chiến tuyến, ý thức hệ, nhưng cuộc chiến đẫm máu không cân sức ở Hoàng Sa - Trường Sa là minh chứng thiêng liêng của lòng yêu nước Việt của con dân Việt. Vị mặn của Biển Đông hơn 40 năm nay là vị mặn của muối, máu và nước mắt. Hoàng Sa - Trường Sa đã chạm đến tình cảm thiêng liêng nhất của người Việt Nam” - ông Tùng nói.
Dù đã hơn 40 năm nhưng ký ức về Hoàng Sa trong tâm tưởng những người ở lại vẫn in hằng bao kỷ niệm đẹp. Ông Trần Hòa (Quảng Nam) - nguyên là binh sĩ quân y Việt Nam Cộng hòa từng công tác tại Hoàng Sa - nhớ lại:
“Tôi đến Hoàng Sa lúc trời đã chiều. Tiếng chim quốc kêu nhớ quê nhà đến cháy bỏng. Có những lúc anh em tôi bắt cả tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nhưng cũng có lúc cứu họ khi bão tố. Ngày tôi mang balô trở về, tiếng chim quốc trong rừng bàng ở Hoàng Sa lại lanh lảnh kêu lên. Đó là điều rất lạ lùng với đời tôi ở Hoàng Sa”.
GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ, cho biết ông đã chờ đợi ngày được tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa này.
“Chứng kiến buổi lễ, nghe tiếng chuông, nước mắt tôi không cầm được. Tất cả những người đã nằm xuống vì Tổ quốc đều là người Việt Nam. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” - GS Hưng tâm sự.
Theo Tuổi Trẻ