Chợ nổi - nét văn hóa đặc sắc vùng sông nước Việt Nam
Ở miền Tây, hầu như vùng sông nước nào cũng có chợ nổi. Chợ ở đây không chỉ là một vài chiếc thuyền trao đổi mua bán trên sông mà là cả một cái chợ lớn tụ tập đông đúc trên những chiếc ghe thuyền neo đậu ở các ngã ba con sông lớn. Mỗi chiếc ghe thuyền sẽ bán những món hàng khác nhau từ hoa quả ngọt lành của miền Tây, tới những chiếc ghe bán bún, hủ tiếu buổi sáng cho tới những ghe bán đồ gia dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Về thời gian ra đời của chợ nổi, một số thương hồ (người buôn bán hàng hóa trên ghe, xuồng) cho biết họ không rõ chợ chính xác có tự khi nào, chỉ biết rằng từ thuở ấu thơ đã theo cha mẹ lên ghe, xuồng rong ruổi trên sông, khi lớn lên tại tiếp tục mưu sinh bằng nghề bán buôn nông sản, hàng hóa ở chợ nổi.
Ngắm trọn nét đẹp độc đáo khi khám phá chợ nổi ở Miền Tây. Ảnh: Vntrip.vn. |
Du khách đến đây sẽ được tận mắt chứng kiến hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán các loại trái cây và nông sản của vùng quê sông nước. Dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất.
Chợ nổi ở miền Tây hầu như họp cả ngày nhưng náo nhiệt nhất vẫn là vào buổi sáng. Dù mặt trời chưa tỏ nhưng tiếng máy nổ, tiếng chèo khua trên những dòng kênh đã vang vọng hướng về phía chợ. Đến khoảng 4 – 5 giờ sáng, chợ bắt đầu đông đúc hơn, tấp nập kẻ mua người bán cho đến khách du lịch cũng tranh thủ dậy sớm để đến khám phá văn hóa chợ nổi.
Chợ nổi là văn hóa đặc trưng khi nói đến miền Tây sông nước. Ảnh: Vietravel. |
Đến đây, chúng ta có thể mua được bất kỳ thứ gì mình muốn tại chợ nổi, cũng như khám phá thêm được nhiều nét đẹp lao động của người dân miền sông nước nơi đây.
Một điểm nổi bật khi nói đến hoạt động giao thương ở chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long là sự xuất hiện của những cây bẹo - cách thức tiếp thị, quảng cáo độc đáo, là dấu hiệu giúp người mua nhận biết trên ghe, xuồng bán loại nông sản, hàng hóa nào để ghé lại mua hàng.
Cây bẹo - cách thức tiếp thị, quảng cáo độc đáo (Ảnh: sưu tầm) |
Cây bẹo được coi là linh hồn của chợ nổi, thường là cây sào làm bằng tre tầm vông, được sử dụng để treo lên đầu ngọn sào các loại trái cây, rau củ mà trên ghe có bày bán để từ xa người mua đã có thể nhận biết. Trước mũi ghe, người bán chỉ cần cắm hoặc gác một cây bẹo là sào dài, treo lủng lẳng trên đó những thứ nông sản hàng hóa mà họ bán. Đây là lối rao hàng độc đáo, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại có sức thu hút khách hàng. Đây là cách quảng bá hàng hóa tại chỗ rất sinh động. Cây bẹo vì thế trở thành một quy ước, nét sáng tạo trong quảng cáo và tiếp thị từ rất sớm.
Vẻ đẹp người lao động thể hiện rõ tại chợ nổi Cái Bè. Ảnh: Anpha Travel. |
Hình thành gắn với đặc thù vùng sông nước, chợ nổi có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ hàng nông sản ở vùng, đem lại việc làm đáng kể cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của cư dân thương hồ. Tại chợ, hình thức mua bán hàng hóa diễn ra trên cơ sở kết tinh giữa môi trường sông nước và tập quán mua bán trên sông của người dân trong suốt chiều dài lịch sử.
Xã hội ngày càng phát triển, nhưng văn hóa chợ nổi của miền Tây sông nước vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng. Người dân địa phương nơi đây luôn gìn giữ được nét văn hóa này để có thể mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.