ChildFund Pass It Back: Trong thể thao, mọi ranh giới đều xóa nhòa
Gặp gỡ báo chí trước ngày lên đường tham gia giải đấu, các nữ cầu thủ nhí thể hiện rõ sự hào hứng của mình về chuyến đi sắp tới. Đây là lần đầu tiên các em đến một đất nước xa xôi, nơi mà các em hy vọng sẽ được cọ sát cùng các cầu thủ quốc tế và học tập những điều bổ ích.
Các bạn trẻ tham dự chương trình “Childfund Pass It Back”
Bùi Thị Tăng – 17 tuổi, đến từ Kim Bôi (Hòa Bình) từng là một cô bé rất rụt rè, nhút nhát. Khi chương trình “ChildFund Pass It Back” đăng tuyển cầu thủ, em đã không dám đăng ký tham gia vì nghĩ mình không thể. Tuy nhiên được truyền cảm hứng từ mẹ rằng “Không có gì là không làm được”, em đã tham gia chương trình và được chọn làm huấn luyện viên của đội tuyển.
Mỗi tuần, Tăng dành một buổi để luyện tập bóng bầu dục bên cạnh học các kỹ năng sống cần thiết. Dần dần, em trở nên tự tin hơn, biết cách diễn đạt các ý tưởng của mình.
Bùi Thị Quỳnh – 16 tuổi, cũng từng là một cô bé rất nhút nhát trước khi luyện tập môn bóng bầu dục. Bây giờ, môn thể thao này đã trở thành niềm đam mê trong cuộc sống của em và em mong muốn sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai. Còn đối với cô bé Bùi Thị Hoa – 13 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất đội, bóng bầu dục là môn thể thao mang lại nhiều sức khỏe và cả sự tự tin cho bản thân.
Các nữ cầu thủ đến từ Việt Nam, Lào và Philippin sẽ tập hợp thành một đội với tên gọi South-East Asian Dragons, và sẽ thi đấu với các đội nữ đến từ Belfast trong khuôn khổ giải ChildFund Pass It Back Cup 2017 Belfast. Giải thi đấu bóng bầu dục này sẽ được tổ chức tại sân vận động Belfast Harlequins RFC vào ngày 21 tháng 8 năm 2017, một ngày trước khi diễn ra trận bán kết Giải Bóng bầu dục nữ Thế giới.
Tập luyện bóng bầu dục
Ông Chris Mastaglio, Giám đốc chương trình ChildFund Pass It Back phát biểu: “ChildFund Pass It Back được xây dựng nhằm giúp đỡ những trẻ em và thanh thiếu niên đang phải đối mặt với nghèo khó và có rất ít cơ hội được tham gia những môn thể thao có tổ chức. Riêng với trẻ em và thanh thiếu niên nữ, rào cản đối với sự tham gia của các em còn lớn hơn rất nhiều.
“Vì chương trình vô cùng chú trọng tới vấn đề công bằng giới và sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên nữ, chúng tôi đã quyết định tổ chức sự kiện hướng tới trận chung kết Giải Bóng bầu dục nữ Thế giới này nhằm nêu bật sự phát triển của bóng bầu dục cho nữ giới trên toàn cầu".
Hiện tại, chương trình đang tạo điều kiện cho hơn 3.000 trẻ em và thanh thiếu niên tại Việt Nam, Lào và Philippin được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động, trong đó hơn một nửa số cầu thủ và huấn luyện viên tham gia chương trình là nữ.
Ông Mastaglio chia sẻ thêm: “Phần lớn các nữ cầu thủ chưa từng đi khỏi địa bàn tỉnh các em sinh sống, chứ chưa nói tới việc đi máy bay tới một nước khác. Đối với các em, đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để có thể trực tiếp gặp gỡ những tấm gương sáng trong thể thao.
Ngày 16/8, các nữ cầu thủ bóng bầu dục Việt Nam sẽ tới Belfast, Bắc Ireland để tham gia giải ‘’Childfund Pass It Back Cup”
Bà Deborah Leaver – Giám đốc ChildFund Việt Nam cho biết, sứ mệnh của chương trình ChildFund Pass It Back đó là tạo ra một thế hệ trẻ đầy tự tin, giàu kỹ năng sống – những kỹ năng mà các em không chỉ áp dụng vào môn bóng bầu dục mà còn áp dụng trong trường học, trong công việc tương lai. Thể thao là một công cụ rất tốt để gắn kết mọi người. Vậy nên qua chương trình, các em vừa được rèn luyện thể thao, vừa được áp dụng ngay các bài học về kỹ năng sống.
Các kết quả sau hai năm triển khai dự án cho thấy ChildFund Pass It Back đang thành công trong việc giúp đỡ người tham gia phát triển bản thân và tạo ra những thay đổi trong cộng đồng của mình. Chương trình đang phát triển bộ môn bóng bầu dục một cách bình đẳng cho trẻ em, thiếu niên nam nữ tại những cộng đồng còn khó khăn tại châu Á, nơi nhận thức về bóng bầu dục vô cùng hạn chế.
Trần Ngọc