Chiêm ngưỡng 7 hiện tượng thiên nhiên kỳ thú nhưng hoàn toàn có thật trên đời
Với sức mạnh và trí tuệ, con người luôn mong ước có thể hiểu biết và chế ngự được thiên nhiên theo ý mình. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều hiện tượng kì bí của mẹ thiên nhiên mà con người còn lâu mới nắm bắt hết được. Hãy cùng chiêm ngưỡng 7 hiện tượng tự nhiên kì lạ sau đây nhé
1. Cơn bão tố vô tận ở Venezuela
Cơn bão tố kéo dài có tên Catatumbo ở Venezuela.
Hiện tượng kì lạ này được đặt tên là Relámpago del Catatumbo (tạm dịch: Sét Catatumbo) và xảy ra trên đỉnh núi nằm tại cửa con sông Catatumbo, Venezuela. Đây là một hiện tượng khí quyển với những tia sét mạnh xảy ra thường xuyên ở độ cao trên 5 kilomet. Nó bắt nguồn từ những đám mây bão lớn kéo dài từ 140 đến 160 đêm mỗi năm, 10 giờ một ngày và tần suất các tia sét là 280 lần mỗi giờ.
Chính sự xuất hiện thường xuyên của các tia sét, nơi đây cũng là nơi tạo ra lượng ozone nhiều nhất thế giới. Khi tìm hiểu về nguyên nhân, các nhà khoa học cho rằng lượng khí methan tạo ra từ các đầm lầy xung quanh đã tiếp thêm năng lượng để duy trì các tia sét. Họ cũng đề nghị công nhận hiện tượng này là di sản UNESCO để có thể bảo vệ nó tốt hơn.
2. Cơn mưa cá ở Honduras
Cơn mưa cá ở Honduras.
Mỗi năm một lần, người dân tại tỉnh Yoro, Honduras lại có cơ hội được tắm mình trong một cơn mưa kì thú. Cơn mưa này sẽ bắt đầu bằng sấm chớp, gió lốc và kéo theo một lượng mưa nặng hạt kéo dài 2-3 giờ liền. Điểm đặc biệt là sau khi mưa tạnh, trên mặt đất sẽ ngập tràn các loại cá không biết từ đâu đến. Chính vì thế, hiện tượng này được đặt tên là Cơn Mưa Cá.
Nguyên nhân được cho là do cá nước ngọt di chuyển tới vùng nước ngầm nhưng lại gặp cơn mưa lớn nên chúng bị cuốn lên bờ, bị sóng đánh lên không trung và mắc cạn ở đấy khi nước rút. Từ năm 1998, người dân ở đây đã tổ chức lễ hội Mưa Cá để ăn mừng hiện tượng này.
3. Dê leo cây nhoay nhoáy như diễn xiếc
Dê leo cây để tìm thức ăn ở Morocco.
Đến Morocco, bạn sẽ có cơ hội được nhìn thấy những đàn dê đông đúc thay vì kiếm ăn trên đồng cỏ thì lại ngồi vắt vẻo trên cây. Được biết, do điều kiện khô hạn và khan hiếm thức ăn, loài dê ở đây buộc phải trèo lên các cây argan để hái quả làm thức ăn. Cấu tạo bàn chân của loài dê leo cây ở Morocco cũng khá thú vị với bàn chân chẻ làm đôi giúp chúng leo trèo dễ dàng hơn.
Tuy vậy, do không thể tiêu hóa được hạt argan nên chúng sẽ nhả hạt xuống đất. Vì thế, người dân ở đây sẽ thu lại những hạt này để ép dầu argan - một loại dầu có giá trị cao trong thực phẩm và mỹ phẩm.
4. Cơn mưa đỏ rực như màu máu
Mưa màu đỏ như máu tại Ấn Độ vào năm 2001.
Năm 2001, người dân tại bang Kerala, Ấn Độ đã vô cùng hoảng hốt khi đón nhận một cơn mưa lớn có màu đỏ như máu diễn ra trong vài tháng liền. Cơ quan khí tượng ở đây cho rằng nguyên nhân của hiện tượng lạ này là do các chất thải trong không khí hòa tan vào nước mưa và tạo ra màu sắc đó.
Tuy vậy, năm 2006, hai nhà khoa học tại trường đại học Mahatma Gandhi đã công bố kết quả phân tích nước mưa này và cho rằng bên trong chúng có chứa các tế bào đơn giản không chứa ADN ở ngoài hành tinh. Hiện nay, kết luận này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
5. Con sóng kéo dài nhất thế giới ở Brazil
Hiện tượng Pororoca ở Brazil.
Từ tháng 2 đến tháng 3 hằng năm, dòng nước từ Đại Tây Dương sẽ đổ dồn về sông Amazon ở Brazil và tạo nên những ngọn sóng cao và tồn tại lâu nhất thế giới. Mỗi con sóng thường cao đến 3,7 mét và kéo dài trong khoảng 30 phút. Hiện tượng này được đặt tên là Pororoca.
Không những thế, người ta còn có thể nghe thấy tiếng động của nó từ 30 phút trước khi nó đập vào bờ. Khi tiến đến đất liền, nó gần như phá hủy mọi thứ từ nhà cửa đến cây cối ven đường. Tuy vậy, vẫn có nhiều người thích trải nghiệm cảm giác nguy hiểm bằng việc lướt ván trên những con sóng này.
6. Mặt trời đen ở Đan Mạch
Đàn chim sáo đá tạo nên vũ điệu lạ mắt lúc hoàng hôn.
Hiện tượng này thực ra là do những bầy chim sáo đá xanh tạo nên trước khi mặt trời lặn trên bầu trời Đan Mạch. Vào mùa xuân, hàng triệu con chim sáo đá xanh sẽ di cư từ phía nam về đây để kiếm ăn trên các đồng cỏ. Khi chiều tà, chúng lại bay vút lên trời và kết thành bầy để tìm nơi trú ngụ.
Trong khi kết bầy, các con chim sẽ cùng nhau bay lượn trên không trung tạo nên một vũ điệu vô cùng lạ mắt và quầng đen mà chúng tạo nên nhìn từ xa như một ánh mặt trời. Vì thế, người ta đặt tên hiện tượng này là Black Sun (tạm dịch: Mặt trời đen).
7. Cầu vồng lửa ở Mỹ
Cầu vồng lửa trên bầu trời thành phố Idaho, Mỹ.
Cầu vồng lửa ở Idaho, Mỹ là một trong những hiện tượng hiếm thấy nhất thế giới. Cầu vồng ở đây không giống với cầu vồng thông thường mà được sinh ra khi ánh sáng đi xuyên qua các đám mây xoắn ở trên cao và chỉ khi mặt trời ở độ cao tạo một góc 58 độ so với đường chân trời.
Ngoài ra, các tinh thể băng 6 cạnh trong đám mây xoắn phải có hình như chiếc đĩa dày, có các mặt song song với mặt đất mới tạo ra một cầu vồng lửa hoàn hảo. Khi ánh sáng xuyên thẳng đứng qua mặt phía trên và đi ra ở mặt phía dưới sẽ bị khúc xạ, giống như thể ánh sáng đi qua một lăng kính. Nếu các tinh thể băng xoắn xếp thành hàng hợp lý, toàn bộ đám mây sẽ toả ra một quang phổ màu trông giống như một đám lửa tuyệt đẹp.
(Nguồn: Oddee)
Hiền Phan