Chỉ một câu hỏi xin việc ở quán trà sữa, cả mạng xã hội tranh cãi nảy lửa suốt hôm nay
Có lẽ, vài năm gần đây, người ta thấy giới trẻ có vẻ xuống cấp khá nhiều tính chuyên nghiệp và tác phong lễ độ khi đi xin việc nên những người lớn hơn, trong tâm thế của nhà tuyển dụng luôn tìm cách bắt bẻ người trẻ để chỉ ra cái sai, cái thiếu trong từng lá đơn ứng tuyển, từng bộ hồ sơ, từng email… để dạy cho chúng một bài học vỡ lòng tác phong chuẩn mực của một người khi đi xin việc.
Như mới đây nhất, một trường hợp hài hước nhưng khiến biết bao nhiêu người phải ngẫm nghĩ rằng liệu chúng ta, những người trưởng thành có đang quá cực đoan trước những đứa nhỏ, đang tập tành bước chân vào đời hay không? Hay những người trẻ quá thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp nên bắt buộc người lớn phải cực đoan?
Câu chuyện về cách xưng hô khi đi xin việc được đăng tải trên một trang mạng xã hội có rất đông thành viên. (Ảnh: Facebook)
Chuyện là có một bạn trẻ sinh năm 1998, nhắn tin tới fanpage của một cửa hàng trà sữa để hỏi rằng cửa hàng có đang tuyển nhân viên hay không. Nhưng thay vì trả lời "có" hoặc "không" thì admin của trang đó lại bảo rằng bạn trẻ kia phải xem lại cách xưng hô khi đi xin việc.
- Bạn ơi, bên mình có tuyển nhân viên không ạ?
- Bạn sinh năm bao nhiêu?
- Mình 98 ạ!
- Thứ nhất, bạn nên xem lại cách xưng hô khi đi xin việc.
- ???
Cận cảnh những dòng hội thoại khi tranh cãi. (Ảnh: Facebook)
Câu chuyện nhỏ kèm đoạn hội thoại được đăng tải trên một trang mạng xã hội có rất đông thành viên, đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề xin việc của người trẻ và thái độ của nhà tuyển dụng.
Một bên thì rất bức xúc khi cho rằng admin của fanpage trà sữa kia đã hơi quá quắt khi bắt một bạn trẻ chỉ mới nhắn tin hỏi có tuyển dụng hay không, phải biết cung cách xưng hô, trong khi bạn trẻ kia làm sao biết người nhận được tin nhắn của mình là ai và bao nhiêu tuổi.
Trích bình luận của người dùng mạng có tên D.D: "Chả biết bên kia là trai hay gái, già trẻ như nào thì xưng hô "mình" là quá lịch sự rồi còn gì. Sao tự dưng lại hằn học người ta thế".
Chỉ sau vài giờ đăng tải, cuộc tranh cãi đã thu hút hàng chục ngàn sự quan tâm từ cộng đồng mạng. (Ảnh: Facebook)
Một bạn khác thì nói với vẻ cay cú: "Chả lẽ vào phải chào ông chào bà, chào cha chào mẹ, xưng "con" rồi hỏi mới được sao? Mà vô lý cái là người ta chỉ mới hỏi có tuyển hay không chứ đã phải phỏng vấn hay email xin việc các kiểu đâu. Đúng là sống sao cho vừa lòng người không biết".
Một bên khác thì cho rằng bạn trẻ kia bị "dạy" thế là đúng rồi có gì mà oan ức, mà phải bực tức chụp hình đăng lên mạng xã hội.
"Sinh năm 1998 là 90% là nhỏ tuổi hơn người admin kia rồi, không gọi được một tiếng "anh/chị" hay sao mà phải xưng mình với bạn. Trong bất kỳ mối quan hệ nào mà mình không biết địa vị tuổi tác của người khác thì ít nhất phải dùng kính ngữ cho lịch sự" – Trích bình luận được rất nhiều người đồng tình của một bạn trẻ khác, có vẻ dày dặn kinh nghiệm khi đi xin việc.
Vậy đó, cuộc chiến cứ kéo dài mãi mà chưa có dấu hiệu dừng lại…
Những dòng bình luận tranh cãi qua lại của cư dân mạng. (Ảnh: Facebook)
Trong câu chuyện này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cả hai đều có cái sai của riêng mình. Cái sai mà ai cũng nghĩ là mình đúng.
Một bạn trẻ, mới chỉ sinh năm 1998, còn hồn nhiên vui vẻ. Chắc bạn nghĩ ai cũng sẽ thích cách xưng hô "mình" thân mật dễ thương, đằng nào cũng không rõ ai sẽ là người nhận được câu hỏi "có tuyển hay không?". Nhưng tiếc là bạn không lường trước được mọi thứ, bạn chỉ "nghĩ" nhưng lại nghĩ không sâu. Bởi biết đâu bên kia, người nhận câu hỏi đáng tuổi cha mẹ mình, thật tình họ có thích cách xưng hô thân mật kiểu suồng sã hay không? Tất nhiên là không.
Mà vỏ quýt dày gặp ngón tay nhọn thôi. Nhà tuyển dụng cũng không phải dạng vừa khi chưa chi lại tạt một gáo nước lạnh vào mặt một đứa trẻ con, non nớt tập tành bước chân ra đời bằng cái giáo điều "thứ nhất bạn phải…". Có đứa trẻ nào mà thích một người không phải người thân của mình dạy dỗ mình bằng "thứ nhất phải như này, thứ hai phải như này", hay không? Tất nhiên là không. Mặt khác, quán trà sữa không phải là môi trường công sở hay công ty gì "ghê gớm" đòi hỏi người xin việc phải chuyên nghiệp đến mức cần có bằng cấp, kỹ năng đỉnh cao, nên admin fanpage quán trà có lẽ cũng hơi làm quá.
Dường như cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. (Ảnh: Facebook)
Vậy đó, cuộc đời không bao giờ như mình nghĩ. Cái mình tin là đúng chắc gì xã hội lại răm rắp hưởng ứng theo. Ai cũng có cái đúng sai chỉ riêng mình biết. Nhưng phải chi đúng sai của người ta, mình cũng thử nghĩ cho sâu. Được thế thì biết đâu hôm nay đã không có cuộc tranh cãi nào.
Câu chuyện nhỏ vô tình mang đến thêm cho chúng ta một bài học lớn, đâu đó trong cái cuộc tranh cãi nảy lửa đang diễn ra. Những người trẻ, hy vọng sẽ nhìn nhận rằng cần điều chỉnh cách xưng hô cho đúng, cho chuẩn, từng hoàn cảnh khác nhau thì phải dùng cách xưng hô khác nhau. Dù chỉ hỏi việc mà chưa thực sự xin việc thì vẫn cần lịch sự trong cách xưng hô nhé! Hãy nhớ, có những công ty quy định nhân viên cấp dưới gọi cấp trên là anh/chị và xưng tôi, bất kể chênh lệch tuổi tác ra sao. Ở đó, quan hệ trong công việc được tôn trọng hơn quan hệ xã hội và tuổi tác.
Xin việc không hề là một chuyện đơn giản và dễ dàng. (Ảnh minh họa)
Còn những người lớn thì xin đừng cứ mải mê với cái trò "làm thầy" người nhỏ mà bỏ quên mục đích cuối cùng và duy nhất của việc dạy người khác là gì. Đó là làm cho người khác tốt hơn, đơn giản chỉ là thế, chứ không phải ra rả chỉ trích một đứa con nít để cảm thấy bản thân mình cao hơn. Hãy dạy bằng tâm thế góp ý, nhẹ nhàng dễ thương chứ đừng cực đoan, dạy đời kiểu "thứ nhất abc", "thứ hai xyz"... vì suy cho cùng, ai chẳng có một thời tuổi trẻ, chẳng có những giây phút nông nổi chưa nghĩ sâu mà vấp váp. Hơn thế, quản lý hay nhân viên thì suy cho cùng cũng chỉ là những vị trí khác nhau phù hợp với năng lực khác nhau, kinh nghiệm khác nhau ở một thời điểm nhất định, không hoàn toàn đánh giá con người hay năng lực tiềm ẩn. Người làm quản lý và tuyển dụng nhân sự có lẽ cũng nên cởi mở hơn một chút, cởi bỏ tâm lý xin - cho khi tiếp cận với những nhân sự tiềm năng.
Min