Chỉ 1 phiên họp, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đưa ra 3 thông điệp quan trọng cho nền kinh tế
10 triệu tỷ đồng tái cơ cấu nền kinh tế
Theo Phó thủ tướng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, nguồn lực đầu tư từ xã hội ít nhất phải gấp 5 lần của đầu tư công khoảng 10 triệu tỷ đồng. Vì vậy chúng ta phải huy động nguồn lực càng nhiều càng tốt. Phải huy động nguồn lực trong dân, các thành phần kinh tế. Nguồn vốn đầu tư công cho giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng đã được Chính phủ công bố, trong đó từ ngân sách Trung ương là 1,2 triệu tỷ đồng còn lại ngân sách địa phương phải chi 880.000 tỷ đồng. Quốc hội sẽ thảo luận việc này.
Phó thủ tướng cũng cho biết thêm, trong đề án tái cơ cấu lần trước, Chính phủ không đưa ra con số cụ thể như lần này. Lần này xác định được cũng là nhờ dự báo định hướng, có kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Từ đó có điều kiện để cân đối được tổng thể hơn so với trước đây chỉ làm theo từng năm.
Thông điệp: Dù tốn kém và không mang lại hiệu quả ngay, tái cơ cấu nền kinh tế vẫn sẽ là việc được ưu tiên hàng đầu.
Tái cơ cấu nền kinh tế là một công việc không chỉ tốn tiền mà là tốn rất, rất nhiều tiền. Đã có nhiều câu hỏi ngay lập tức về khả năng huy động một lượng tiền lớn như vậy, nhưng quan trọng hơn, điều mà Phó thủ tướng đề cao đó là tái cơ cấu là hành động bắt buộc, chắc chắn sẽ phải làm.
Thí điểm cho phá sản ngân hàng
Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ cũng đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino, sẽ cho phá sản ngân hàng yếu kém”.
“Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”.
Thông điệp: Nền kinh tế sắp vận hành theo cơ chế thị trường đúng nghĩa. Đây là điều trước kia Chính phủ chưa thể thực hiện. Để ổn định tâm lý người dân, các nhà quản lý trước đã từng khẳng định sẽ không có ngân hàng phá sản. Một số ngân hàng trong giai đoạn trước đây có hoạt động kinh doanh yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại và tiếp tục vận hành, để lại khoản nợ xấu khổng lồ cho Chính phủ. Tuy nhiên, với lời tuyên bố mới này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho thấy ông có cách nhìn khác. Và chắc chắn, vận hành theo cơ thế thị trường sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho toàn nền kinh tế.
Không để nợ lại cho đời sau gánh
Trao đổi của Phó thủ tướng cũng cho biết năm 2015 tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của NSNN trên thu NSNN là 27,5% kể cả phần trực tiếp chi trả nợ, phần vay để đảo nợ trong khi giai đoạn hiện nay và đặc biệt năm 2017 là cực đỉnh của nợ công. Do đó để bảo đảm bền vững an toàn nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là không quá 55% GDP cho đến tận năm 2020.
Theo phó thủ tướng thì từng năm thì phải siết chặt kỷ luật tài khóa; coi tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương, cố gắng tăng thu để tăng chi, chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế, vay nợ tương ứng với khả năng trả nợ, dứt khoát không nâng trần nợ công, không để nợ lại cho đời sau gánh.
Thông điệp: Chính phủ sẽ không nâng trần nợ công. Thay vào đó, một số chính sách thắt lưng buộc bụng có thể được áp dụng.
Phó thủ tướng xác định NSNN chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất mồi và phấn đấu làm sao tỉ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống. Ngoài ra cần nâng cao hiệu quả đầu tư, hệ số sử dụng vốn (ICOR) phải giảm.
Ngoài ra, để đảm bảo được đất nước phát triển thì phải có cơ chế huy động được cao độ nguồn lực. Theo chia sẻ của Phó thủ tướng, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp thành lập nhiều lên thì đầu tư vào nhiều hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn, người dân sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh và Nhà nước phải thực hiện công việc này.