Chặng đường dài của hiệp định CPTPP
Trong vài ngày qua, giới truyền thông bị quay như chong chóng khi liên tiếp những thông tin trái chiều về Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được tiết lộ.
Ngày 9/11, những nhà đàm phán và các quan chức cùng giới báo chí đã ăn mừng khi cuối cùng Hiệp định TPP không có Mỹ cũng đã có những tiến triển mới. Tuy nhiên trong cuộc gặp cấp cao về TPP vào ngày 10/11 sau đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại không xuất hiện và Bộ trưởng thương mại cho biết nguyên nhân là nhầm lịch hẹn.
Việc Thủ tướng Trudeau không xuất hiện cũng dễ hiểu khi trước đó ông đã bày tỏ quan điểm sẽ không vội ký kết một hiệp định cho đến khi chắc chắn chúng đem lại lợi ích cho người dân Canada. Động thái này của Canada đã dội một chậu nước lạnh vào tin mừng trước đó khi nhiều người hy vọng hiệp định TPP mới sẽ thúc đẩy thương mại, kinh tế trong khu vực.
Mặc dù vậy, các quan chức lại khiến báo giới điên đầu một lần nữa khi mới đây các bộ trưởng thương mại khẳng định rằng họ đã đi đến những thống nhất cơ bản cho hiệp định TPP mới mang tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khoảng 20 vấn đề liên quan đến bản quyền trí tuệ và những tiêu chuẩn gây tranh cãi của CPTPP đã bị tạm dừng thảo luận để các nước đi đến một thống nhất chung.
Tuy đạt được những thành công nhất định nhưng CPTPP còn chặng đường rất dài phải đi. Các nước thành viên cần đàm phán để đi đến một văn bản thỏa thuận thống nhất, sau đó từng thành viên phải đệ trình lên quốc hội, nghị viện để thông qua.
Trước khi có hiệu lực, CPTPP phải có ít nhất 6 thành viên chấp thuận mới có thể đưa vào thực hiện. Sau đó, các quốc gia sẽ có 60 ngày để thực hiện những quy định trong bản hiệp định này.
Bản hiệp định TPP cũ vốn thu hút sự chú ý của rất nhiều chuyên gia và người dân trên thế giới khi được đánh giá là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% tổng GDP toàn cầu. Trong khi đó, hiệp định CPTPP mới này chỉ chiếm 13,5% GDP toàn cầu nhưng lại bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 5 nghìn tỷ USD.
Dù không có quy mô bằng Hiệp định TPP cũ nhưng chúng cũng giúp nhiều nước tiếp cận được với các thị trường thương mại tự do mới. Ví dụ Australia sẽ có hiệp định thương mại tự do với Canada, Mexico, Nhật Bản, Chile và Việt Nam nhờ CPTPP.
AB