Chân dung Wanda - 'trùm' FIFA World Cup 2018, hình ảnh quảng cáo xuất hiện nhiều hơn cả McDonald's, CocaCola hay Visa
Tai World Cup 2018, trong khi các tập đoàn lớn của Phương Tây khá thờ ơ do lệnh cấm vận với Nga thì những công ty Trung Quốc như tập đoàn Wanda lại tích cực quảng bá hình ảnh. Người du lịch tại Nga thời gian này có thể thấy hình ảnh thương hiệu Wanda nhan nhản khắp nơi.
Trớ trêu thay, hầu hết mọi người đều không rõ tập đoàn này kinh doanh cái gì và họ là ai. Phần lớn du khách chỉ ngừng lại các gian hàng quảng bá sản phẩm của Wanda để tránh nóng và điều họ biết duy nhất là công ty này đến từ Trung Quốc.
Trên thực tế, Wanda là một công ty Trung Quốc sáng lập bởi tỷ phú Vương Kiện Lâm, một trong những người giàu nhất nước này. Có trụ sở tại Bắc Kinh, Wanda được xem là một trong những công ty bất động sản lớn nhất thế giới cũng như sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất toàn cầu, bao gồm Wanda Cinemas, Hoyts Group và AMC Theatres.
Tập đoàn này không chỉ hoạt động trong nước mà còn đầu tư rộng rãi ra nước ngoài với rất nhiều mảng khác nhau, từ xây dựng, giải trí, truyền thông, công nghệ, chăm sóc sức khỏe cho đến thể thao. Năm 2017, tập đoàn này đứng thứ 380 trong danh sách Fortune Global 500 với tổng tài sản 700 tỷ Nhân dân tệ và doanh thu hàng năm đạt 227,4 tỷ Nhân dân tệ (35,29 tỷ USD).
Con đường thành công
Được thành lập tại Đại Liên- Liêu Ninh Trung Quốc vào năm 1988 và nhanh chóng trở thành một công ty bất động sản có tiếng tại địa phương. Ban đầu công ty của tỷ phú Vương chỉ được giao cho một khu đất cũ nát để phát triển và ông đã cải tạo nó thành khu chung cư mới với giá phải chăng, qua đó thu về gần 10 triệu Nhân dân tệ và kích thích một làn sóng đầu tư sửa nhà cũ xây nhà mới tại Trung Quốc.
Ngoài ra, tỷ phú Vương cũng từng phải trực tại các ngân hàng để xin vay vốn đầu tư bất động sản. Câu chuyện vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc từng phải đứng đợi ở cửa chờ các lãnh đạo ngân hàng đã được nhiều người biết đến.
Đến thời kỳ nền kinh tế Trung Quốc mở cửa mạnh, kéo theo đó là nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy cũng như hàng loạt dự án đầu tư công của nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện.
Do quen biết rộng, công ty của tỷ phú Vương nhanh chóng thu lời từ các dự án bất động sản. Trong khi nhiều công ty khác gặp khó khăn do tốn quá nhiều chi phí đầu tư bởi các dự án thường tốn vài năm để hoàn thiện, doanh nghiệp của Vương lại kiểm soát chi phí cực kỳ hiệu quả.
Thông thường, các nhà khai thác dự án tốn khoảng 15-20% chi phí vượt mức ngân sách ban đầu nhưng hầu hết các dự án của Wanda đều không vượt ngân sách và đem lại lợi nhuận lớn.
Ban đầu khi chuyển sang xây dựng các tòa nhà thương mại, tỷ phú Vương gặp khó khăn khi cho thuê các gian hàng tầng trệt để kinh doanh bởi doanh thu các cửa hàng không bù nổi giá thuê. Ngay lập tức Wanda đã chuyển hướng xây những khu phức hợp, bao gồm nhà ở, văn phòng, cộng động sinh hoạt để kiếm vốn tự kinh doanh những gian hàng tầng trệt này.
Bên cạnh đó, việc quan hệ ngoại giao tốt khiến Wanda nắm bắt được chính xác các thông tin về đầu tư, qua đó đưa ra những chiến lược đúng đắn khi mua những dự án bất động sản. Việc tập trung vào những khu trung tâm thương mại ở trung tâm các thành phố thứ cấp khiến Wanda tiêu thụ được hết các căn hộ bất chấp lượng cung ngày một lớn trên thị trường.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc giai đoạn đầu thập niên 2000 cũng góp phần khiến Wanda thu lời lớn khi rất nhiều người đổ xô đầu cơ mua nhà đất. Bên cạnh những trung tâm thương mại, Wanda còn đầu tư xây dựng khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng cũng nhiều công trình khác khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ đòi hỏi nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng.
Đến năm 2005, Wanda đã trở thành một tập đoàn bất động sản lớn ở Trung Quốc và với lượng vốn lớn, công ty này bắt đầu mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Công ty bắt đầu vung tiền mua hàng loạt các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Hãng cũng bắt tay với Tencent và Baidu để phát triển thương mại điện tử, mảng kinh doanh vốn đang rất "hot" ở Trung Quốc giai đoạn đó.
Năm 2012, Wanda thực hiện thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc tính đến thời điểm đó khi bỏ ra 2,6 tỷ USD mua lại chuỗi rạp chiếu phim AMC Theatres của Mỹ, qua đó biến Wanda trở thành một trong những hãng chiếu phim lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2016, Wanda đã sở hữu 6% tổng số rạp phim ở Trung Quốc và 13% tại Mỹ.
Năm 2014, mảng kinh doanh bất động sản của Wanda phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hong Kong và trở thành công ty bất động sản có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn. Bước đi này cũng đem về cho tỷ phú Vương Kiện Lâm hơn 25 tỷ USD và trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc.
Không làm giàu từ những lời khuyên trong sách
Trong mảng thể thao, Wanda cũng tích cực rót tiền tài trợ cho các đội bóng và dự án. Năm 2015, Wanda mua 20% cổ phần của đội Aletico Madris của Tây Ban Nha. Tập đoàn này cũng nắm bản quyền các chương trình thể thao lớn của FIFA trong khoảng 2015-2022, bao gồm World Cup 2018 và 2022.
Ngoài ra, Wanda còn đầu tư vào các khách sạn ở Châu Âu, xưởng đóng tàu, một số tờ báo cùng hàng loạt hoạt động đầu tư khác.
Mặc dù động thái vung tiền này của Wanda nhận được nhiều lời chỉ trích cũng như lo lắng khi cho rằng họ đầu tư quá dàn trải, tuy nhiên ông chủ Vương Kiện Lâm của hãng thì lại cho rằng điều đó là bình thường bởi bí quyết thành công của Wanda không phù hợp với những công ty khác.
Bản thân ông Vương cũng cho rằng không nên học làm giàu từ sách cũng như không muốn mọi người thuyết trình con đường làm giàu của ông trong những buổi thuyết giảng.
"Bạn không thể sao chép những mô hình kinh doanh mà các doanh nhân thành công từng thực hiện", tỷ phú Vương nói.
Bên cạnh đó, tỷ phú Vương cũng có tuyên bố gây sốc vào năm 2015 với hãng tin Bloomberg rằng tiền không quan trọng: "Tôi không cần quá nhiều tiền như hiện nay. Tài sản không quan trọng bằng quá trình làm giàu. Nếu việc kinh doanh khiến bạn phấn khích thì số tiền bạn kiếm được sẽ không còn quá quan trọng nữa."
AB