Chăm sóc sức khỏe để con vào lớp 1
Theo Ths.BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1, khi còn học mẫu giáo, thời gian chủ yếu của trẻ vẫn là ăn, chơi và ngủ. Nhưng khi bước vào lớp 1, việc học tập sẽ chiếm nhiều thời gian hơn, trẻ phải dành nhiều thời gian cũng như trí tuệ cho việc học tập tại môi trường tiểu học. Sức khỏe chính là yếu tố quan trọng giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ mới còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn này, phụ huynh cần giúp trẻ có một sức khỏe thật tốt bằng những phương pháp khoa học và dễ áp dụng.
Tháp dinh dưỡng và vận động dành cho trẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, tùy theo lứa tuổi, nhu cầu của trẻ khác nhau. Trẻ 6 tuổi nhu cầu năng lượng là 1.470 Kcal/ngày. Từ 7 - 9 tuổi: 1.825Kcal/ngày. Trẻ 10 - 12 tuổi, nam: 2.110 Kcal, nữ: 2.010 kcal. Ở lứa tuổi này, trẻ vẫn đang trong gia đoạn phát triển nhanh nên nhu cầu chất đạm cũng rất quan trọng. Cụ thể trẻ 6 tuổi cần 45 - 55g/ngày. Trẻ 7 - 9 tuổi: 55 - 64g/ngày. Trẻ 10 - 12 tuổi: 63 - 74g/ngày.
Để có đủ lượng chất đạm trong bữa ăn, các bà mẹ có thể tính toán và qui đổi như sau: cứ 100g thịt lợn nạc có 19g đạm và 100g thịt lợn nạc tương đương với 150g cá hoặc tôm hay 200 g đậu phụ, hoặc 2 quả trứng vịt hay 3 quả trứng gà.
Đối với những bé học bán trú, ăn ở trường, các bà mẹ cần xem thực đơn hàng ngày để tính cho các bữa ăn khác.
Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
“Luôn luôn đảm bảo cung cấp cho trẻ đầy đủ 4 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng. Nên dự trữ sẵn trong nhà các món ăn nhanh, giàu dinh dưỡng để trẻ tiện dùng trong các bữa phụ như: sữa, các chế phẩm từ sữa (sữa chua, váng sữa, phô mai...), bánh bông lan, bánh mì ngọt, trái cây tươi. Nên hạn chế dự trữ các món ăn quá ngọt như sữa có đường, bánh ngọt, nước ngọt các loại… sẽ khiến trẻ bị no ngang và không ăn đủ bữa chính gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ”, bác sĩ Thạc khuyến cáo.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trong giai đoạn phát triển này của trẻ, phụ huynh nên tăng cường các nguồn chất đạm động vật có nhiều canxi, sắt, kẽm (thịt, tôm, cua, cá, trứng, sữa), cũng như các thực phẩm có nhiều vitamin, khoáng chất có trong rau xanh, các loại rau lá xanh thẫm có nhiều vitamin C (rau ngót, mùng tơi, rau dền..), hoa quả chín (các quả có màu vàng như đu đủ, xoài, hồng xiêm có nhiều bêta caroten - tiền vitamin A). Mỗi ngày cần cho bé ăn từ 200g - 300g rau xanh, 100g quả chín, uống 1 - 2 ly sữa và ăn thêm sữa chua, phomai.
Bữa ăn cần đảm bảo cân đối các chất về dinh dưỡng, phối hợp cả chất đạm động vật (thịt, cá, trứng...) và đạm nguồn thực vật (đậu đỗ), chất béo nguồn động vật (mỡ, bơ) chất béo nguồn thực vật (vừng, lạc...). Tỷ lệ các thành phần sinh nhiệt nên là: Đạm: Béo: Đường bột = 15 : 20 : 65.
Lớp 1 là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của trẻ.
Ngoài ra, để trẻ phát triển thể chất và hình thành thói quen tốt trong ăn uống, phụ huynh và giáo viên nên tập trẻ thói quen vệ sinh ăn uống (rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh)... cũng như tạo không khí vui vẻ, ấm cúng cho trẻ trong bữa ăn sẽ giúp tiêu hóa hấp thu tốt hơn. Cần giúp trẻ tuân thủ việc đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc trong ngày, hạn chế tối đa việc xem ti vi và chơi điện tử.
Chú trọng việc rèn luyện thể lực ngoài trời “vừa sức” với trẻ như cho trẻ chơi bóng, đá bóng, bơi lội dịp cuối tuần, chạy bộ nhẹ nhàng cùng với cha, mẹ… giúp trẻ dẻo dai và có một sức đề kháng tốt.
Hà Linh
Tổng hợp