Chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer
Đồng bào Khmer ở nước ta sinh sống chủ yếu ở vùng đất Tây Nam Bộ. Chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách như: Chỉ thị 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer…
Hay những chính sách cho cả một giai đoạn phát triển như Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an nình vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010”; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2021 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020” nhằm xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long, trọng tâm là đối với đồng bào Khmer giai đoạn 2014 - 2020 và có Chiến lược phát triển toàn diện đối với đồng bào dân tộc Khmer đến năm 2030, định hướng đến năm 2050…
Việc thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các địa phương có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống thực hiện nghiêm túc, cụ thể, phù hợp với sự phát triển chung của cả vùng và từng địa phương.
Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer. Ảnh: Đại đoàn kết |
Nhà nước ta đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để triển khai các hạng mục, công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ và cộng đồng; xây dựng 90.000 nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 30.025 hộ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho 18.609 lao động và 5.139 hộ, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn khoảng 25%, mỗi năm giảm 3%.
Hệ thống trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho con em đồng bào Khmer đã phát triển đến 100% các huyện có đông đồng bào Khmer; tỉ lệ huy động trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%, toàn vùng đã có 30 trường phổ thông nội trú ở cấp huyện và tỉnh. Bình quân hàng năm có trên 500 em người dân tộc Khmer được tuyển sinh theo hình thức cử tuyển; có hàng trăm trường dạy song ngữ, riêng tỉnh Sóc Trăng có 158 trường, với 1.672 lớp và 42.988 học sinh); thực hiện tốt chế độ chính sách cho giáo viên và các vị sư tham gia giảng dạy chữ Khmer tại các điểm chùa, trường học trong dịp hè. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở hầu hết các trường có đông đồng bào Khmer sinh sống được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu; đội ngũ giáo viên là người Khmer được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; số giáo viên đạt chuẩn tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều cán bộ quản lý và giảng dạy người dân tộc Khmer đạt được những thành tích xuất sắc, được phong tặng danh hiệu cao quí trong những năm đổi mới.
Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được đầu tư, củng cố. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 30%; trung bình mỗi năm có khoảng trên 70.000 lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí.
Mạng lưới truyền thanh đến nay đã tới 100% thôn, ấp với việc tăng thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh bằng tiếng Khmer; phát hành báo chữ Khmer, báo ảnh Thông tấn xã Việt Nam đã phát hành song ngữ Việt - Khmer; mở trang web phục vụ nhu cầu và nâng cao nhận thức của người dân. Internet đã được phát triển ở nhiều nơi, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận với nhiều thông tin của cả nước và thế giới. Tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có phương tiện nghe, nhìn tăng cao, đạt bình quân 98%, như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, nhiều địa phương đạt 100%, như Kiên Giang, Cần Thơ.
Về tín ngưỡng, tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc Khmer có 453 chùa, trong đó các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, đầu tư, trùng tu được trên 200 ngôi chùa để đảm bảo yêu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào. Hội đoàn kết sư sãi yêu nước được xây dựng ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở, mở nhiều trường học về phật giáo như: Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, trường Bổ túc văn hóa Pali Nam Bộ và các trường trung cấp phật giáo đã trực tiếp đào tạo hàng nghìn chức sắc, tăng sinh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Khmer. Vào năm 2010, Nhà nước cũng đã xây dựng quần thể chùa Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ với quy mô lớn tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội, là cơ hội để nhân dân cả nước và người nước ngoài hiểu rõ hơn về đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”. |