Chậm cổ phần hóa DNNN, vì đâu ra nông nỗi?
9 tháng chỉ đạt 45% kế hoạch cả năm
Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong giai đoạn 2017 – 2020, sẽ CPH 127 DNNN, và trong năm 2017 này, sẽ CPH 44 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến hết quý III/2017, cả nước mới chỉ CPH được 20 doanh nghiệp, tổng số tiền thu về là 683,823 tỷ đồng. Trong đó có 4 tổng công ty: Sông Đà, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương.
Ban Chỉ đạo đang công bố giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 28 doanh nghiệp. Trong đó có doanh nghiệp quy mô vốn chủ sở hữu lớn như 1 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam với khoảng 24.000 tỷ đồng. Đang tiến hành xác định giá trị 40 doanh nghiệp.
Với tiến độ trên, năm 2017 có thể sẽ hoàn thành cổ phần hóa 38/44 doanh nghiệp, tương đương 86% kế hoạch.
Trong 3 quý đầu năm, chỉ có 20/44 DNNN được cổ phần hóa (ảnh minh họa)
Về kết quả thoái vốn DNNN, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về gần 16.000 tỷ đồng. Nguồn tiền này bao gồm, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm thu về 105 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp khác, ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm được 2.210 tỷ đồng, thu về 3.463 tỷ đồng; thoái vốn ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thu về hơn 12.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán chiếm số lượng rất lớn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã công bố danh tính 747 doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Bộ.
Đây là lần thứ hai tên của các doanh nghiệp chậm lên sàn sẽ bị đưa công khai được coi là một trong những biện pháp đối với các doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu lên sàn công khai hoạt động kinh doanh của mình.
Làm thế nào để hoàn thành mục tiêu?
Lý giải về nguyên nhân chậm trễ này, ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực nên cũng cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt. “Những doanh nghiệp tới đây cổ phần hóa đều rất lớn khi sắp xếp lại chắc chắn có vấn đề trách nhiệm, do đó, nhiều lãnh đạo có tư tưởng né cổ phần hóa", ông Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết.
Cần có giải pháp khắc phục để hoàn thành mục tiêu (ảnh minh họa)
Để giải quyết tình trạng chậm trễ này, Bộ Tài chính cho rằng trong các giải pháp thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và đăng ký giao dịch, niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, quan trọng nhất vẫn là sự quyết liệt chỉ đạo, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN, trong đó sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Đồng thời, phê bình đích danh các bộ, ngành và DNNN không thực hiện báo cáo theo quy định; có cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp... trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Chỉ có như vậy, mới có điều kiện tốt nhất hoàn thành nhiệm vụ cân đối nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư trung hạn, cũng như hoàn thành mục tiêu mà tiến trình cổ phần hóa DNNN đã đề ra.
Minh Anh