Cách dạy con độc đáo của họa sĩ Mai Hoa
Chia sẻ cách dạy con, chị Mai Hoa nhận mình là "một người cực kỳ quân phiệt trong việc rèn con". Ngược lại chị cũng lên án cách dạy con gọi là “chiều con vô lối nhưng lại chẳng quan tâm thực sự”.
"Tôi nghiêm với con mọi thứ thuộc về nề nếp, nhưng lại khuyến khích và cùng con trong mọi trải nghiệm, cũng như luôn bên con để hiểu con đang ở đoạn nào. con có băn khoăn lo lắng gì không?"
Tôi dạy con trai nấu ăn, con gái đá bóng trèo cây
Chị vừa tự nhận quân phiệt với con, lại vừa phóng tay cho con đi châu Âu chơi cả tháng trời. Có gì mâu thuẫn ở đây không?
Mọi người không cho con ăn diện, không cho con được hưởng sung sướng, vì quan niệm muốn con biết tiết kiệm, muốn con không rơi vào cảnh sướng quá đến lúc khổ không chịu được.
Quan niệm của tôi khác. Tôi cho các con trải nghiệm đủ mọi điều cả sướng lẫn khổ, cả khi đầy đủ cả khi thiếu thốn để các con biết trân trọng những gì nó có, biết yêu cuộc sống chỉ được sống một lần của nó và để biết rèn luyện phấn đấu vì điều gì.
Nhưng song song với việc đấy thì sao?
Có những bà mẹ quan niệm con trẻ mặc sao chẳng được, thế là đứa trẻ lớn lên lôi thôi luộm thuộm quen nếp, rồi quan niệm ăn uống cho xong, ăn sao cũng được. Nhiều gia đình nói là tiết kiệm lắm không cho con mặc đẹp ăn ngon, nhưng có khi áo hơi sờn vai đã vứt đi, nấu thức ăn dư cả đống đổ đi.
Tôi thì ngược lại, cho con ăn diện hưởng thụ đầy đủ, nhưng tôi “như công an” khi rèn con nề nếp sinh hoạt. Ăn uống thì mẹ tự nấu và cân đối giữa đắt và rẻ, để sao mỗi bữa ăn luôn phong phú đủ chất nhưng không tốn kém.
Nói về chuyến đi thì tất nhiên không thể so sánh với những người thu nhập thấp hơn tôi. Mà so sánh với những người thu nhập ngang tôi, thì riêng việc mọi người dùng đồ hiệu, chi tiêu vào mua sắm đi spa và cái gì cũng thuê người làm thì tôi cũng đủ tiền đi một chuyến rồi. Gia đình tôi không thuê người, mọi việc do mẹ quán xuyến điều hành.
Những va quệt giữa việc đưa các con vào khuôn khổ, nhưng lại không để con bị “hộp” quá, chị xử lý ra sao?
Nhìn mà xem, tôi nề nếp nhưng có “hộp” đâu. Một mặt, tôi muốn các con thưa gửi lễ phép, sống theo truyền thống, nhưng đồng thời trải nghiệm cả những cái phóng khoáng của cuộc sống.
Nhà tôi hở ra lại đi chơi. Ngày nghỉ tôi để con thức thoải mái, đến 2 giờ đêm cũng dược. Cho đi đêm đi hôm, nhảy ra vườn ăn trộm táo, thử một phen trốn vé tàu... du di cho các con đủ trò điên rồ. Sống hưởng thụ thực sự. Tôi không thích con học giỏi mà đầu to mắt cận, vì vậy mà dạy ngay cả con trai cũng biết ăn mặc đẹp, chơi piano, chơi thể thao, chụp ảnh...
Tôi dậy con trai nấu ăn, dậy con gái đá bóng, trèo cây. Chúng tôi bên nhau như những người bạn, cùng xem phim, kể cho nhau nghe những thú vị từ một cuốn sách mới.
Dạy con từ "nỗi khổ" của mình
Từ khi nào chị nhận ra việc phải rèn con vào nề nếp? Từ khi sinh con ra, hay khi đã mệt mỏi vì chăm con?
Thông qua việc bố mẹ dạy mình, tôi đã nhận ra giá trị tự thân của con người mới là quan trọng. Nền nếp, cốt cách của bạn nói lên bạn là ai.
Các ông bố Việt hay quan niệm đàn ông chỉ lo kiếm tiền là đủ, nên phụ nữ mình rất vất vả. Mình nghĩ nếu mình không dạy con trai, sau này nó sẽ bị vợ nó ghét, bởi chẳng có thứ tình yêu nào tồn tại được nếu không có yêu thương và sẻ chia.
Mình muốn con trai mình phải được yêu, là người đàn ông tài hoa, đẹp trai, giỏi giang, nhưng vô cùng nhân văn…
Lúc đầu, tôi dạy con các kỹ năng như tự ăn ngoan, tự rửa chân, đánh răng… cho mình nhàn. Nhưng khi nhận ra một điều lớn hơn, là yêu con phải dạy nó khi không có mình vẫn tự sống được, thì cách dạy hoàn toàn thay đổi, mãnh liệt hơn nhiều.
Tôi cũng nghĩ làm mẹ như một bản năng và mình thích chăm con uốn nắn con như cái cây mình trồng, nhưng tôi không ngờ lâu dần nó thành cái "cách", thành lối sống mà các con tiếp thu.
Và khi lũ trẻ lớn, khi mọi người phải buồn và kêu ca vì nỗi do chiều con mà giờ chúng không những ỷ lại mà còn hỗn hào khi không được chăm sóc, thì ở nhà tôi ngược lại, các con đã sống thành nếp.
Trong khi, không ít bà mẹ đổ cho việc không chịu rèn con là vì đi làm đã quá mệt mỏi, và cả do thiếu tiền, thì chị có nhiều năng lượng để dạy con nhỉ?
Ai mà không mệt, nhưng yêu con và muốn con có nhân cách thì phải cố gắng thôi.
Tất cả những gì tôi mong muốn nhận được từ một người đàn ông thì tôi sẽ dạy con trai tôi. Tất cả những gì khi tôi thấy không chịu nổi ở một cô gái xinh đẹp mà vô duyên khi đứng ngồi, nói năng thì tôi sẽ uốn con gái nhỏ từng ngày.
Đấy là mục đích sống của một người mẹ, và điều ấy cho tôi năng lượng.
Những việc này đừng nói phải có tiền mới làm được. Kể cả chuyện hưởng thụ, lúc mình không có tiền thì sung sướng theo kiểu không có tiền. Ngày nghỉ chỉ cần nằm dài ngủ muộn, làm mấy xiên thịt nướng, ra bãi sông Hồng chơi, cùng lắm ra công viên nhặt lá, cũng vui mà.
Dạy con là quá trình rất mất công, nhưng bây giờ, tôi thấy vui lắm.
Chị vui, nhưng con chị có… sợ?
Tôi từng lo mình ghê gớm thế không chiều con như các bà mẹ khác hẳn các con ghét tôi lắm, và sợ tôi, mà sống trong e dè khép nép. Nhưng năm tháng qua đi, chúng nó đã thành các chàng trai, vẫn luôn yêu mẹ, đỡ đần mẹ mọi việc lớn nhỏ không nề hà, mà vẫn luôn chia sẻ với mẹ mọi thứ.
Nhiều khi tôi đùa, hỏi các con có thấy mẹ khắt khe quá không? Có thấy nhà mình sống hơi nề nếp quá, khác các gia đình khác, các con có mệt không? Chúng bảo “con thấy bình thường, không có gì mà mệt”.
Tôi lại đùa, bây giờ mẹ chiều các con giống các bà mẹ Việt chiều con trai nhé? Con trai chả phải làm gì, về sau lấy vợ có vợ nấu nướng, bê đồ ra mà ăn, chỉ ngồi rung đùi trên ghế sướng hơn đấy. Nó quay ra nhìn bảo “Mẹ làm sao đấy, mẹ... hâm à? Ai mà không là người, sao đàn bà phải làm đàn ông lại không?".
Thú thực, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi không muốn câc con làm vì sợ “bà mẹ cảnh sát”, mà vì các con hiểu mỗi người trong gia đình đều có trách nhiệm yêu thương và đỡ đần nhau.