Các nhà khoa học chuẩn bị gửi "tin nhắn làm quen" lên Proxima b, hành tinh có thể có sự sống chỉ cách ta 4,2 năm ánh sáng
Chắc hẳn bạn còn nhớ Proxima b, hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời giống Trái Đất nhất và cũng gần Trái Đất nhất, với khoảng cách chỉ 4,2 năm ánh sáng? Các bạn cũng mong chờ các nhà khoa học làm gì đó để vén bức màn bí mật bao phủ hành tinh xa xôi nhưng gần gũi này, thời điểm đó đến rồi đây.
Đội ngũ các nhà khoa học đang lập kế hoạch xây dựng (hoặc thuận tiện hơn là mua về) một bộ phát sóng mạnh mẽ để truyền tin và kế hoạch này còn một vấn đề cực kì quan trọng nữa cần được giải quyết, ta gửi tin nhắn gì đi bây giờ? SEDUDDNES?
“Nếu chúng ta muốn bắt đầu một cuộc trò chuyện mà tính chất của nó có thể thay đổi theo từng thế hệ người gửi tin, chúng ta sẽ muốn học hỏi và chia sẻ thông tin với họ”, chủ tịch của tổ chức Gửi tin nhắn Cho Trí thông minh Ngoài Trái Đất METI, ông Douglas Vakoch nói.
Kế hoạch của METI cũng giống với Dự án Cyclops của NASA, đã được hãng hàng không vũ trụ này hỗ trợ nhưng do thiếu vốn, Dự án Cyclops đã phải hoãn lại hồi năm 1970.
Dự án Cyclops đã đưa ra ý tưởng về việc móc nối một mạng lưới những kính viễn vọng vô tuyến trên Trái Đất, với ra vũ trụ càng xa càng tốt để nghiên cứu những hành tinh tiềm năng ngoài Hệ Mặt Trời. Họ đặt ra con số khoảng cách cần đạt được là 1.000 năm ánh sáng và hiện tại, tổ chức phi lợi nhuận METI cũng đang có kế hoạch tương tự.
Họ đưa ra kế hoạch về một loạt những cơ sở nghiên cứu được kết nối với nhau, hỗ trợ tài chính sẽ thông qua hình thức quây quỹ từ đám đông (crowdfunding). Dự tính, METI sẽ phải gây dựng được số tiền khoảng 1 triệu USD/năm để có thể duy trì hoạt động bộ phát sóng này.
Nếu như mọi việc diễn ra suôn sẻ thì tới năm 2018, đội ngũ nghiên cứu này sẽ đưa những tín hiệu vô tuyến đầu tiên lên Proxima b, hành tinh quay quanh Proxima Centaui – ngôi sao gần Hệ Mặt Trời nhất với khoảng cách 4,2 năm ánh sáng. Từ bây giờ cho tới lúc đó, các nhà khoa học sẽ cố gắng nghĩ ra một thông điệp để gửi đi và họ cũng xem xét rất kĩ về khả năng giống loài đang ngự trị nơi đó cũng có những quy luật toán học và vật lý cũng như các ý niệm khoa học giống với người Trái Đất.
Nhưng không phải ai cũng tán thành với những nỗ lực này. Không phải ta không muốn trở thành một người hàng xóm dễ gần đáng mến, ta vẫn phải dè chừng xem ông hàng xóm mới dọn tới sát vách kia có phải là một gã say xỉn chuyên phá làng phá xóm không.
Nhà vật lý học Mark Buchanan nói rằng việc gửi thông điệp vào vũ trụ chẳng khác gì ta đang “đi chuốc rắc rối” vào mình. Stephen Hawking đồng ý với nhận định đó bằng một câu nói rõ ràng hơn, ta đang liều mạng sống của nhân loại khi gửi đi những thông điệp vào vũ trụ.
Rất có thể nền văn minh xa xôi kia tiên tiến hơn con người nhiều lần và họ sẽ nhìn người Trái Đất không khác gì chúng ta đang nhìn một con vi trùng.
Các chuyên gia vũ trụ tại METI bỏ ngoài tai những lời cảnh báo ấy, họ vẫn nhìn về một tương lai sáng lạn hơn khi mà ta vẫn có những lợi ích từ việc kết nối liên lạc với một giống loài khác. Trước hết là ta sẽ chứng minh được rằng con người không đơn độc trong vũ trụ này, sau là ta sẽ có được thêm những hiểu biết khác nữa về vũ trụ muôn phần bí ẩn.
“Có lẽ với một vài nền văn minh nhất định, ta sẽ phải tiên phong liên lạc trước”, nhà nghiên cứu Vakoch nói. “Vai trò của một nhà khoa học là thử nghiệm những giả thiết. Thông qua METI, chúng ta có thể thử nghiệm việc gửi đi một tin nhắn mang tính chất quốc tế để khơi gợi một câu trả lời”.
Đây cũng không phải lần đầu tiên ta có ý định và thực hiện việc gửi đi một thông điệp ra khoảng không vũ trụ. Năm 2008, sự kiện năm 2008, NASA đã phát đi bản nhạc Across the Universe của The Beatles ra vũ trụ.
Bắt chuyện với nhau để làm cho vũ trụ này bớt yên ắng hơn. Như nhà thiên văn Andrew Fraknoi từ Đại học Foothill tại California nói, “Nếu như mọi người đều có thể gửi tin cho nhau nhưng lại quyết định chỉ nhận tin chứ không chịu gửi, ngân hà này sẽ rất im ắng ảm đạm”.
Dink