Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tự nguyện
Theo đó, trước các thông tin gây tranh cãi gay gắt về việc hiến máu bắt buộc hay tự nguyện, chiều ngày 9/1, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định Bộ ủng hộ phương án hiến máu tự nguyện và tăng chi cho vận động hiến máu.
Bộ Y tế khẳng định ủng hộ phương án hiến máu tự nguyện và tăng chi cho vận động hiến máu
Trước đó, trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp về nghĩa vụ của công dân liên quan đến hiến máu:
Giải pháp 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần (trừ một số trường hợp không thể hiến máu). Với dân số hiện nay là gần 90,5 triệu người, trong một năm nước ta sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu).
Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Giả định số người hiến máu đạt mức lý tưởng là 2% dân số thì một năm nước ta sẽ có 18,2 triệu người tham gia hiến máu.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của cơ quan đề xuất dự án luật, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân. Đồng thời, nếu thực hiện theo giải pháp 1 thì nước ta sẽ thừa gần 28 triệu đơn vị máu và tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với việc sử dụng giải pháp 2. Do đó, Bộ Y tế cho rằng nên lựa chọn giải pháp 2 để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.
Theo TS Quang, việc Bộ ủng hộ phương án hiến máu tự nguyện nhưng vẫn đưa ra 2 đề xuất là để “lấy ý kiến trong xã hội, để mọi người cùng bàn luận và rộng đường dư luận”. Bởi dựa trên các bằng chứng về mặt khoa học, chúng ta lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng phải có phương án giả định để chứng minh lập luận của ban soạn thảo về hiến máu tình nguyện là đúng đắn, thuyết phục.
Ông Quang cho biết thêm, phương án 2 là hiến máu tình nguyện đã được chọn và đưa vào dự thảo, còn phương án hiến máu bắt buộc chỉ nằm trong tờ trình của dự thảo. Tuy nhiên, thông thường những phương án được ủng hộ sẽ được đưa lên đầu. Trong khi dự thảo luật này, ban soạn thảo lại để phương án ưu tiên là phương án 2 và đặt phương án giả định gây tranh cãi là phương án 1. Tuy Bộ vẫn chọn phương án 2 nhưng khi đọc dự thảo sẽ khiến mọi người hiểu nhầm.
Hoài Anh