Nếu nói về sự công phu cũng như những trở ngại trong quá trình xây dựng dự luật thì có lẽ không dự án nào vượt qua được Luật Quy hoạch. Tuy nhiên “trái ngọt” mà cộng đồng được hưởng từ những lợi ích do luật này đưa lại cũng rất đặc biệt, có phần còn vượt trên kỳ vọng của nhiều người. |
Nhân việc kỳ họp mới đây của Quốc hội khóa 15 có thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xoay quanh nội dung này. |
Thưa ông, mới đây khi nói về quy hoạch ông có biểu đạt 1 ý rất hình tượng là làm công tác quy hoạch như “công binh mở đường”, nếu tốt thì thắng lợi còn không thì thất bại. Sự thất bại này, thưa ông, có nên hiểu theo nghĩa sẽ có những rủi ro không lường được không? - Công tác quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạch định phát triển, là cầu nối giữa chiến lược và kế hoạch, định hình đường hướng phát triển, không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia, vùng, lãnh thổ và địa phương. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như “công binh mở đường”. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng. Ở cấp quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các cực tăng trưởng, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả tài nguyên để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Ở cấp vùng, cấp tỉnh có quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu, phương hướng phát triển của quy hoạch cấp quốc gia trên phạm vi lãnh thổ của vùng lãnh thổ và địa phương. Những bản quy hoạch này được lập theo cách tiếp cận kết hợp quy hoạch phát triển và quy hoạch không gian; tích hợp đa ngành, xem xét, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để lựa chọn cho vùng, địa phương đó phương án phát triển tốt nhất, bền vững nhất trên cả 4 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và quốc phòng - an ninh. Hình tượng làm công tác quy hoạch như “công binh mở đường” cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Công tác quy hoạch tốt là khi thực sự dẫn dắt được cuộc chơi trong nền kinh tế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, và nếu thất bại là chưa thực hiện được đầy đủ vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước. |
Cách đây hơn 5 năm, trước khi Luật Quy hoạch được thông qua, trong thời điểm đó cũng còn không ít những ý kiến khác nhau, ông có nghĩ những ý kiến khác này một loại rủi ro hay không? - Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017 là cải cách rất lớn và rất quan trọng trong thể chế về công tác quy hoạch. Quan điểm cải cách của Luật Quy hoạch là dựa trên Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đó là: “xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; hoàn thiện thể chế về công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch theo hướng tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm”. Luật Quy hoạch đã thiết lập Hệ thống quy hoạch quốc gia, gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên, thay thế cho 3.654 quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh trước đây, tương ứng với việc cắt giảm 97% số quy hoạch cần lập từ cấp tỉnh trở lên. Không chỉ cắt giảm rất lớn về số lượng quy hoạch, mà Luật quy hoạch còn thay đổi cơ bản về tư duy, cách tiếp cận, phương pháp lập, nội dung quy hoạch, quy trình quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch trên toàn quốc. Một chính sách mới, với cải cách sâu rộng, thường sẽ đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau. Qua 3 năm tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn có thái độ đầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý, phản hồi… Các ý kiến đa chiều về công tác quy hoạch không phải là rủi ro, mà là khởi đầu cho việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp, chính sách mới để tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn thường xuyên và liên tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và các địa phương để tổng kết, rút kinh nghiệm từ các quy hoạch đã hoàn thành để sơ kết, rút kinh nhiệm và bổ sung, hoàn thiện hơn đối với các quy hoạch đang trong quá trình lập, thẩm định. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý, phản biện, nhất là từ các góc nhìn khách quan của các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Dù thời gian chưa dài, thưa ông, nhưng 3 năm cũng là 1 quá trình đủ để cho thấy hiệu quả tích cực của Luật Quy hoạch. Nếu nói về ảnh hưởng lớn nhất đến tư duy quản trị quốc gia của đội ngũ làm chính sách từ sau khi có luật này, theo ông đó là gì? - Luật Quy hoạch đánh dấu sự thay đổi lớn về tư duy quản trị quốc gia ở 3 nội dung chính. Thứ nhất là đặt tính thống nhất trong quản lý Nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia lên hàng đầu. Khắc phục quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương trong công tác quy hoạch. Theo đó, ở mỗi phạm vi lãnh thổ xác định ở cấp quốc gia, vùng, tỉnh chỉ có một bản quy hoạch chung thống nhất, thay thế cho hàng trăm bản quy hoạch được lập trước đây. Quan trọng hơn, do quy hoạch là nền tảng của hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý đầu tư, sự thay đổi cơ bản của hoạt động quy hoạch tất yếu dẫn đến sự thay đổi tiếp theo của hoạt động quản lý nhà nước và quản lý đầu tư theo hướng phối hợp đồng bộ, giảm thiểu chia cắt, cục bộ, tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực khan hiếm, đặc biệt là nguồn lực về vốn, đất đai và nhân lực, phục vụ cho phát triển. Thứ hai là sự thay đổi tư duy quản lý từ tập trung bao cấp sang phù hợp với kinh tế thị trường; xóa bỏ các quy hoạch sản phẩm là các giấy phép con; xóa bỏ cơ chế xin - cho; đẩy mạnh phân cấp - phân quyền và đề cao vai trò của người đứng đầu trong công tác quy hoạch. Và điểm cuối cùng là tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch. Xây dựng hệ thống thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương trên nền bản đồ số là kênh cung cấp thông tin quy hoạch thống nhất, chính thống và tin cậy cho phép cập nhật, khai thác, cung cấp và quản lý thông tin về quy hoạch một cách rõ ràng, minh bạch, công khai. Dư luận đánh giá việc xây dựng quy hoạch và đặt ra các mục tiêu phát triển đã bài bản hơn, có tầm nhìn hơn…kể từ sau khi Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống. Nhưng chừng ấy thời gian có lẽ cũng đủ để thấy những điểm còn hạn chế qua thực tiễn, điều này có không, thưa ông? - Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các Bộ, ngành, địa phương, đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Kết quả giám sát đã đánh giá toàn diện các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, trong đó nổi bật lên những vấn đề chính như việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành dẫn đến còn nhiều lúng túng trong tổ chức triển khai. Tiếp đến là một số quy định pháp luật còn chưa rõ ràng, chưa đảm bảo việc thực hiện hiệu quả và thống nhất. Cùng với đó là việc ban hành các chính sách thay thế quy hoạch sản phẩm chậm, hoặc chưa đầy đủ, gây bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương, nhất là một số sản phẩm chủ lực. Một hạn chế nữa là việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch trong bối cảnh lập đồng thời hơn 100 bản quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia gặp nhiều khó khăn; số lượng và chất lượng các tổ chức tư vấn còn hạn chế… Cuối cùng là công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình lập quy hoạch chưa hiệu quả; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ để hỗ trợ kịp thời cho công tác lập, thẩm định, công bố, theo dõi, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 trong đó xác định rõ quan điểm, những định hướng chỉ đạo tổng thể về công tác quy hoạch và ban hành một số giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 61 của Quốc hội. Thưa Bộ trưởng, điều ông lo nhất ở thời điểm thông qua Luật Quy hoạch và bây giờ khi nhìn lại sau 1 thời gian triển khai có giống nhau không, và nếu có khác thì khác ở điểm nào? - Điều tôi quan tâm nhất từ khi Luật Quy hoạch được ban hành và đến thời điểm hiện nay là làm sao có được bản quy hoạch tốt nhất và tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả nhất. Để đưa đất nước phát triển vươn lên trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đề ra, cần có những bản quy hoạch với tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới và những cơ hội mới. Để nâng cao chất lượng quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức rất nhiều hoạt động tham vấn với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh; huy động mọi nguồn lực để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác quy hoạch. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan trung ương cũng như các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin rằng việc lập và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 lần đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch sẽ là một điểm sáng về chính sách trong nhiệm kỳ 2021-2025. |
Ông hy vọng báo chí sẽ nhấn mạnh hơn, hay bám sát hơn về khía cạnh nào trong việc phản ánh, tuyên truyền về công tác quy hoạch lúc này? - Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong công tác báo chí sẽ quan tâm, đồng hành và hỗ trợ hiệu quả cho công tác quy hoạch trên 3 phương diện chính như sau: Thứ nhất là đồng hành cùng Quốc hội, Chính phủ, các Bộ và địa phương trong suốt quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch. Tinh thần của Luật Quy hoạch là công khai tối đa trong toàn bộ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; Cơ quan báo chí công bố, truyền thông rộng rãi và đầy đủ về các dự thảo quy hoạch, các vấn đề lớn cần xin ý kiến, các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung truyển tải được những quan điểm, triết lý phát triển cốt lõi của các bản quy hoạch để qua đó tạo nên sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, người dân… Toàn bộ hồ sơ dự thảo quy hoạch và quy hoạch được phê duyệt đều đã được công bố trên Cổng thông tin cơ sở dữ liệu và thông tin quốc gia về quy hoạch, địa chỉ: https://quyhoachquocgia.mpi.gov.vn. Thứ hai là phổ biến, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, cách làm hay về quy hoạch theo cách tiếp cận của quy hoạch không gian đã được áp dụng thành công ở các cấp, các ngành, trong nước và quốc tế để từng bước nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, người dân về công tác quy hoạch. Thứ ba là chia sẻ các góc nhìn phản biện khoa học, khách quan về các mặt được, tồn tại, hạn chế của công tác quy hoạch trong thực tiễn triển khai để làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời xem xét khắc phục. Ví dụ như những mặt ưu, nhược điểm của việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm; việc công khai thông tin về quy hoạch đặc biệt là bản đồ quy hoạch. |
Trân trọng cảm ơn ông! |
Bài: Lê Sơn Ảnh: Đức Trung Đồ họa: Tào Đạt |