e magazine
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Không có sự đổi mới nào dễ dàng

08:39 | 11/01/2023

Tháng 4/2021, ông Nguyễn Kim Sơn tiếp quản chiếc ghế Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trong một hoàn cảnh chắc không gì có thể khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, gây nhiều hậu quả sâu rộng trên mọi bình diện, đặc biệt là với ngành giáo dục. Vậy năm 2022, ngành giáo dục đã làm được những gì khi mà ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tiếp tục thẩm thấu, gây trở ngại cùng những khó khăn khác. Thời Đại đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Kim Sơn về nội dung này cũng như những mong mỏi của ông cho một năm 2023 ngập đầy hy vọng về cải cách và đổi mới.
Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng
Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

Thời Đại đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Kim Sơn về nội dung này cũng như những mong mỏi của ông cho một năm 2023 ngập đầy hy vọng về cải cách và đổi mới.

Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

- Thưa Bộ trưởng, câu đầu tiên xin được hỏi ông là năm 2022 này, điều ông thấy đáng nói nhất về việc đã làm được trong rất nhiều việc của ngành giáo dục là gì?

- Có thể nói, năm 2022 là năm nhiều thách thức với toàn ngành. Bên cạnh rất nhiều các nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện, một trong những nhiệm vụ lớn ngành đã và đang tập trung thực hiện theo đúng kế hoạch là triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ đã đề ra.

Trong năm học vừa qua chúng tôi triển khai chương trình mới, vừa thay sách giáo khoa cho các lớp 3, 7, 10; vừa tổ chức biên soạn thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, cùng rất nhiều các công việc khác cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng tôi vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành.

Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường. Cho tới giờ phút này, nhìn lại những việc đã qua chúng ta thấy bình thường, nhưng trong thời khắc đó, đối với ngành giáo dục là một thử thách rất lớn, bởi khi đó, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em hầu như chưa có, những hiểu biết về dịch bệnh cũng còn rất hạn chế và nhiều khó khăn khác của công tác phòng, chống dịch. Nhưng với một quyết tâm rất cao, ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế tổ chức mở cửa trở lại trường học.

Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

- Ông vừa nói đến chống dịch, thực tế thì đây là một trải nghiệm chưa có tiền lệ với toàn xã hội, vậy khó khăn nổi bật với riêng giáo dục trong giai đoạn này là gì, thưa ông?

- Năm qua, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, những khó khăn về kinh tế - xã hội đã tác động và tạo ra nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có cho ngành giáo dục.

Một trong những thách thức lớn là giáo viên từ bậc mầm non cho đến phổ thông nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc càng làm cho vấn đề thiếu hụt giảng viên thêm trầm trọng. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, nhiều giáo viên mầm non phải nghỉ việc, đặc biệt là tại các tỉnh có tập trung nhiều khu công nghiệp và đông dân cư.

Đây là thách thức rất lớn, trong khi tổng số học sinh gia tăng, chuẩn trường học và lớp học có những đòi hỏi cao hơn, nhiệm vụ nhiều hơn. Đó là những vấn đề mà chúng tôi phải có những giải pháp để ứng phó, đồng thời cũng phải có những kiến nghị với Bộ chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành để có cách tháo gỡ.

Như vậy nhìn lại một năm qua, ngành vừa phải chống dịch vừa phải hoàn thành các kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông. Khó khăn rất nhiều nhưng nhìn lại đến giờ phút này những kế hoạch lớn chúng tôi đều đã hoàn thành được, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh cũng được hạn chế một cách thấp nhất. Rất nhiều việc nhằm củng cố những thiệt thòi, hạn chế của chất lượng giáo dục do dịch bệnh gây ra cũng được tập trung giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Không có sự đổi mới nào dễ dàng

- Ngành giáo dục có lẽ là một ngành có nhiều vướng mắc nhất, ngay tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội họp tại Bắc Ninh vào tháng 10/2022, về việc sách giáo khoa chính ông đã phải nói những lời rất gan ruột khi chia sẻ rằng “chúng tôi chỉ có thể khẩn khoản, nài nỉ, chủ tịch UBND tỉnh hãy điều phối ngay để sách tới được học sinh”. Từ một ví dụ như vậy để hình dung về cơ chế còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, thưa ông, giải bài toán cơ chế trên diện rộng như vậy, ông xác định sẽ bắt đầu từ nút thắt nào trong quỹ thời gian hữu hạn của nhiệm kỳ?

- Có rất nhiều thách thức đặt ra, và một trong đó là thách thức thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mà cụ thể là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.

Để thực hiện công cuộc đổi mới thành công cần rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực về mặt tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn lực này giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cơ sở vật chất là trường học, lớp học, trang thiết bị phòng học, thực hành, dụng cụ học tập...

Nếu như các địa phương không tập trung nguồn lực cho công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc thực thi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi coi đó là những thách thức và đã có những kiến nghị đối với các bộ, ngành, đồng thời đề nghị các địa phương cố gắng phối hợp xử lý tốt những việc này.

Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

- Cái khó của ông là với ngành giáo dục thì việc nào cũng lớn và cấp bách, nhưng thẩm quyền và đầu mối trách nhiệm thì san sẻ rất nhiều, để việc phối hợp được hiệu quả, ít nhất là về mặt thời gian, theo ông, các bộ ngành có liên quan nên ưu tiên trước hết những đầu việc gì trong hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo?

- Năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình thực thi. Hiện đã có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay sách giáo khoa, các lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm nay và những năm kế tiếp, theo lộ trình đã đề ra.

Đây cũng là năm tập trung rất nhiều việc, tiêu biểu như: tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9, 12. Vì vậy nên lượng công việc trong năm 2023 rất lớn. Chúng tôi phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã và có thể sẽ xảy ra như: triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đây cũng là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn đối với ngành giáo dục.

Năm 2023 này, chúng tôi sẽ phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 về triển khai biên soạn và sử dụng, giảng dạy và học tập theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới. Đây cũng là dịp mà ngành sẽ nhìn lại những công việc đã, đang và sẽ làm xem còn gì cần điều chỉnh trong những năm tiếp theo để tiếp nối tinh thần đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành.

2023 cũng là thời điểm mà chúng tôi phải hoàn thành việc biên soạn chương trình giáo dục mầm non mới. Quá trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt và triển khai chương trình này cũng sẽ diễn ra vào năm 2023 này.

Đối với giáo dục đại học, thì đây cũng là năm phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch cần phải hoàn tất sớm và đây là nhiệm vụ lớn của ngành.

Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

- Thưa ông, vậy nội dung muôn thủa với ngành và xã hội là “giáo viên” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp cận thế nào trong năm nay?

- Việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học và đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa thiếu giáo viên đang đặt ra.

Chúng tôi dự kiến trong năm 2023 sẽ trình dự thảo Luật Nhà giáo. Đây là văn bản luật mà chúng tôi đang tập trung để xây dựng. Luật Nhà giáo là một bộ luật rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn rằng bộ luật này là cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững trong tương lai.

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Chúng tôi hiện đã được cấp một lượng chỉ tiêu giáo viên rất lớn - hơn 65.000 giáo viên. Trong bối cảnh cả nước đang phải giảm số lượng biên chế thì điều này thể hiện sự quan tâm, ưu ái đối với ngành giáo dục.

Việc của chúng tôi là phối hợp với Bộ Nội vụ, trong thời gian từ nay đến một vài năm tới sẽ tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên, giảng viên một cách tối ưu, cụ thể là: Tuyển đúng người, công bằng, công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất, đảm bảo bù đắp cho số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên chuyển việc cũng như đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học mới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Giáo viên thấy hào hứng với công việc là điều rất tốt cho người học.

Trong các chế độ chính sách với nhà giáo, chúng tôi đặc biệt quan tâm, bằng mọi cách cố gắng để có thể cải thiện về phương diện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan.

Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm.

Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

- Có phát sinh khó khăn nào không, thưa ông?

- Việc triển khai Nghị định 116 đặt hàng đào tạo giáo viên, sau 2 năm triển khai đang gặp một vài khó khăn trong áp dụng thực tế, đặc biệt việc đặt hàng đào tạo từ các địa phương. Vì vậy chúng tôi cũng đang đề xuất điều chỉnh Nghị định 116.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xem xét những phương diện liên quan đến công tác tư tưởng trong việc xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị của các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất.

Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

- Xuân Quý Mão sắp đến, ông muốn chia sẻ điều gì với xã hội về một năm mới đầy kỳ vọng?

- Có thể nói thời điểm này ngành giáo dục đào tạo đang trong lộ trình đổi mới hay nói cách khác là đang trong lộ trình chuyển đổi. Có rất nhiều cái mới đang được hình thành, triển khai, ra đời. Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng tạo ra những xáo trộn, cái mới bao giờ cũng có những người, những bộ phận có thể đón nhận ngay. Nhưng cũng có những người, những nơi, những vùng cần có thời gian để làm quen và cũng có những người có những phản ứng đối với quá trình đổi mới này.

Đây là một nhiệm vụ lớn mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Giáo dục nên tôi mong rằng, toàn xã hội cũng như các phụ huynh sẽ cùng chia sẻ, đồng hành với với các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, với ngành, để cùng nhau hoàn thành được các nhiệm vụ đổi mới. Nếu như thiếu sự ủng hộ, vào cuộc, đồng hành của phụ huynh thì chắc chắn sự đổi mới này rất khó có thể thành công.

Bên cạnh đó, chính quyền và các địa phương đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa đến việc triển khai nhiệm vụ của địa phương mình theo trách nhiệm, quyền hạn, cũng như vào cuộc cùng với ngành giáo dục để chuẩn bị mọi điều kiện triển khai.

Tôi mong rằng toàn thể nhà giáo ý thức được vinh dự, trách nhiệm, thách thức của sự nghiệp đổi mới để cùng nhau nỗ lực. Không có một sản phẩm của sự đổi mới nào có thể ra đời dễ dàng. Để đạt được thành công lớn phải vượt qua nhiều thách thức lớn. Nhưng nếu hoàn thành được nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho, ngành giáo dục sẽ đạt được những kết quả lâu dài cho đất nước. Tôi mong rằng, tất cả đội ngũ giáo viên với sự sáng tạo, với trách nhiệm nghề nghiệp rất cao sẽ cùng nhau cố gắng để hoàn thành thật tốt những nhiệm vụ của mình.

Không có sản phẩm của sự đổi mới nào ra đời dễ dàng

Còn đối với toàn thể các học sinh, sinh viên, tôi mong rằng tất cả các em cũng sẽ đón nhận tinh thần đổi mới của cả ngành. Đổi mới bao giờ cũng ở cả hai phía: từ phía người dạy đến phía người học. Chúng ta cùng nhau cố gắng để đón nhận những gì tốt đẹp nhất của đổi mới giáo dục đem lại. Thầy cô cần hoàn thành thật tốt công việc của các thầy cô và học sinh cần làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó, chúng ta sẽ có được chất lượng giáo dục tốt nhất mà người hưởng thụ không ai khác chính là các bạn học sinh, sinh viên.

Trước thềm năm mới, tôi mong rằng từ phía xã hội hãy cùng chia sẻ, đồng hành với ngành giáo dục, để trong năm mới ngành có thể vượt qua được những thách thức rất lớn và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bài: Lê Sơn

Đồ họa: Đông Phong

Lê Sơn - Tào Đạt

Tin bài liên quan

200 suất học bổng cho công dân Việt Nam du học tại Hungary

200 suất học bổng cho công dân Việt Nam du học tại Hungary

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo tuyển sinh đi học tại Hungary diện Hiệp định năm 2024. Theo đó, Chính phủ Hungary cấp tối đa 200 học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo tại quốc gia này theo trình độ đại học, thạc sĩ liên thông từ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
45 học bổng đi học tại Vương quốc Campuchia

45 học bổng đi học tại Vương quốc Campuchia

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh đi học tại Vương quốc Campuchia theo diện học bổng Hiệp định năm 2023. Theo đó, có 20 suất học bổng đại học và sau đại học, 15 suất học bổng học tiếng Khmer.
60 học bổng du học tại Lào năm 2023

60 học bổng du học tại Lào năm 2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo tuyển sinh đi học tại nước CHDCND Lào theo diện học bổng Hiệp định năm 2023. Theo đó có 60 học bổng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và bồi dưỡng ngắn hạn tiếng Lào.

Tin mới

Việt Nam, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác về pháp luật và tư pháp

Việt Nam, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác về pháp luật và tư pháp

Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long đã hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh đang thăm và làm việc tại Việt Nam (từ ngày 18 - 21/4/2024).
Venezuela trân trọng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Venezuela trân trọng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 17/4 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tượng đài Hồ Chí Minh trên Đại lộ Simón Bolívar ở Thủ đô Caracas.

Tin khác

Sôi động Tuần lễ ASEAN tại Mexico - Việt Nam khẳng định vai trò Chủ tịch ACMC

Sôi động Tuần lễ ASEAN tại Mexico - Việt Nam khẳng định vai trò Chủ tịch ACMC

Những sắc màu văn hóa đa dạng và đặc trưng của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã liên tục tỏa sáng trong chuỗi sự kiện Tuần lễ ASEAN đang diễn ra tại trụ sở Hạ viện Mexico ở thủ đô Mexico City, Mexico.
Hợp tác với Việt Nam là một ưu tiên của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Hợp tác với Việt Nam là một ưu tiên của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Phái đoàn COASI sẽ góp phần xây dựng hiểu biết chung giữa hai bên, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-EU.
Đưa quan hệ Việt Nam-Ghana đi vào chiều sâu, thực chất

Đưa quan hệ Việt Nam-Ghana đi vào chiều sâu, thực chất

Ghana hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Tây Phi với kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2023 đạt 733 triệu USD. Tuy nhiên, những kết quả này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn và mong muốn của hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn-ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Phiên bản di động