Bình Xuyên – Vĩnh Phúc: Trường Tiểu học Sơn Lôi thực hiện tốt Thông tư 22 đánh giá học sinh Tiểu học
Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Thông tư 22). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/11/2016.
Trường Tiểu học Sơn Lôi B, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Trao đổi với phóng viên (PV) cô giáo Lê Thị Mỹ Thủy – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học Sơn Lôi B, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) chia sẻ: Năm học 2016 – 2017, nhà trường đã triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả Thông tư 22 đánh giá học sinh tiểu học. Sau một năm triển khai, tôi thấy Thông tư 22 khắc phục được những bất cập trong quá trình giáo viên thực hiện đánh giá học sinh (HS), phát huy được những ưu điểm trong quá trình đổi mới đánh giá HS.
Thông tư 22 đổi mới cách đánh giá HS, giáo viên nhà trường đã giúp cho HS tự tin hơn, có động lực hơn qua những hướng dẫn, động viên khích lệ của giáo viên. Việc đánh giá đã không còn để xếp thứ, HS không còn áp lực thành tích nên có hứng thú hơn trong học tập. Giáo viên cũng không còn áp lực về văn bản giấy tờ. Việc ghi sổ (học bạ và bảng tổng hợp) cũng đã được hướng dẫn chi tiết…
Tiết học Lắp ghép mô hình tự chọn (môn Kĩ thuật lớp 4) của học sinh trường Tiểu học Sơn Lôi B, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: trường TH Sơn Lôi B)
Theo cô giáo Lê Thị Mỹ Thủy – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lôi B nhận định, Thông tư 22 có tính ưu việt cao trong việc đánh giá định kì, tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kì, căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên, giáo viên tổng hợp “lượng hóa” thành các mức: “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành”, “Chưa hoàn thành” đối với từng môn học và hoạt động GD; “Tốt”, “Đạt”, “Cần cố gắng” đối với đánh giá về năng lực, phẩm chất. Việc tổng hợp đánh giá như vậy nhằm giúp giáo viên, cán bộ Quản lý và cha mẹ HS xác định được mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của HS.
“Thông tư 22 hướng dẫn nhận xét về năng lực, phẩm chất HS cụ thể hơn sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó, cán bộ Quản lý và giáo viên có những giải pháp giúp HS khắc phục khó khăn trong học tập, phát huy các mặt tích cực giúp HS rèn luyện để vươn lên và ngày một tiến bộ hơn…Để đánh giá đúng trình độ, năng lực của học sinh thì giáo viên thực sự phải tâm huyết, sao sát với việc học tập, rèn luyện của các em…”, cô giáo Mỹ Thủy nhấn mạnh.
Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Sơn Lôi B, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: trường TH Sơn Lôi B)
Còn thầy giáo Nguyễn Bá Chực – Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lôi A, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) bày tỏ: Thông tư 22 đánh giá học sinh tiểu học rất sát về trình độ, năng lực của học sinh so với Thông tư 30. Trước đây khi thực hiện Thông tư 30, giáo viên giảng dạy các môn văn hóa, năng khiếu phải viết nhiều lời nhận xét cho học sinh bằng sổ sách, nay thực hiện Thông tư 22 đã có sự thay đổi.Thay vì nhận xét học sinh qua sổ sách, Thông tư 22 hướng dẫn giáo viên đánh giá học sinh vào bảng ghi kết quả học kỳ. Việc chấm điểm giữa kỳ chỉ thực hiện ở khối học sinh lớp 4 và lớp 5; điều này giảm bớt công việc phải nhận xét học sinh bằng sổ sách cho giáo viên…
“Thông tư 22 kế thừa những ưu điểm của Thông tư 30; đồng thời, Thông tư 22 quy định rõ ràng hơn về tiêu chí để khen thưởng HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Quy định về khen thưởng HS đã cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi trong việc thực hiện, trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho HS, cha mẹ HS và khắc phục được bệnh thành tích trong GD...” thầy giáo Nguyễn Bá Chực nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa chúc mừng cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Sơn Lôi A nhân dịp Kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 (Ảnh: trường TH Sơn Lôi A)
Năm học mới 2017 – 2018 chuẩn bị khai giảng, trường Tiểu học Sơn Lôi A và Tiểu học Sơn Lôi B tiếp tục hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 trên cơ sở qua một năm thực hiện đã đúc rút những bài học kinh nghiệm để phát huy ưu điểm và khắc phục những gì còn hạn chế. Việc đánh giá học sinh nhằm góp phần hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất chung của người học, đồng thời phải khuyến khích được tư duy sáng tạo của các em, giảm áp lực thành tích cho học sinh và gia đình, thì các địa phương phải tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên về kỹ thuật đánh giá thường xuyên học sinh theo Thông tư 22.
Được biết, năm học 2016 – 2017, trường Tiểu học Sơn Lôi A và Tiểu học Sơn Lôi B luôn nỗ lực nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, đảm bảo 100 số trẻ 6 tuổi đến trường vào lớp 1. Tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục giáo dục đào tạo; thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường…
Một góc khuôn viên trường Tiểu học Sơn Lôi A, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Minh Quang