Bình Dương: Ai “bật đèn xanh” cho sai phạm của KSB?
KSB công khai việc nổ mìn trái phép
Theo xác minh được biết, ngày 31/12/2017 giấy phép gia hạn khai thác khoáng sản của KSB tại mỏ đá Tân Đông Hiệp hết hạn. Trước khi giấy phép khai thác đá của KSB hết hạn thì ngày 14/12/2017, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản 5696/UBND- KTN cho phép KSB được phép thăm dò xuống cote – 150m tại mỏ đá này và trình UBND tỉnh xem xét. Như vậy, KSB chỉ được phép “hoạt động thăm dò” nhưng thực tế từ ngày 01/01/2018, KSB ngang nhiên khai thác khoáng sản rầm rộ với cả trăm xe vận tải ra vào mỏ. Thậm chí, KSB còn công khai việc nổ mìn, khai thác khoáng sản bằng việc treo biển “nội quy nổ mìn” ngay tại cửa mỏ.
KSB công khai biển "nội quy nổ mìn" khai thác đá khi chưa được cấp phép.
Bảng nội quy nêu rõ: “Nội quy nổ mìn khai thác đá trong khu vực mỏ (mỏ đá Tân Đông Hiệp). Thời gian nổ mìn từ 11h30 đến 13h vào các ngày 2 – 3 – 4 – 5 – 6 trong tuần. Và cuối bảng nội quy này, KSB không quên ghi rõ: “Dĩ An ngày 1 tháng 1năm 2018 (Giám đốc đã ký)”.
Đáng chú ý, tất cả mọi hoạt động của mỏ Tân Đông Hiệp và hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản “chui” diễn ra hàng ngày tại mỏ này đã không được các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương kiểm tra và xử lý kịp thời dẫn tới việc “chảy máu khoáng sản” một thời gian dài tại mỏ đá này.
Ngày 11/6/2018, làm việc với phóng viên, ông Phan Hồng Việt – Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở công thương tỉnh Bình Dương cho biết: Mỏ Tân Đông Hiệp hiện tại đang trong tình trạng đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỏ này đã thực hiện việc nổ mìn để nghiên cứu đánh giá một số vấn đề tác động đến môi trường (?).
Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp thông tin, hình ảnh bằng chứng việc KSB công khai nổ mìn, khai thác khoáng sản bằng việc treo biển “Nội quy nổ mìn” ngay lối chính vào mỏ, đại diện Sở công thương giải thích “Có thể công ty nhầm lẫn”, việc nổ mìn thì công ty không dám đâu…”. Và nếu KSB vẫn khai thác khoáng sản và sử dụng vật liệu nổ (mìn) để khai thác đá tại mỏ Tân Đông Hiệp từ ngày 1/1/2018 đến nay (ngày 11/6/2018) theo như “Nội quy nổ mìn” thì vi phạm nghiêm trọng, ông Phan Hồng Việt nói.
Tổ chức họp bất thường để gia hạn khai thác đá
Mặc dù, chỉ được chấp thuận chủ trương "hoạt động thăm dò" đánh giá tác động môi trường nhưng KSB vẫn hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản rầm rộ tại mỏ đá Tân Đông Hiệp
Như đã nêu, sau một thời gian tìm hiểu, xác minh thực địa tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp (thuộc Khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), phóng viên phát hiện ra nhiều sai phạm tại mỏ đá này nên đã liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương và công ty KSB làm việc. Sau nhiều lần liên hệ với Sở Công thương tỉnh Bình Dương, ngày 11/6/2016 Chánh văn phòng Sở Công Thương tỉnh Bình Dương mới cử đại diện Sở làm việc với PV nhưng liên tục từ chối cung cấp thông tin chính xác cũng như các văn bản của Sở này liên quan đến hoạt động của mỏ đá Tân Đông Hiệp
Đặc biệt, ngày 11/6/2018, phóng viên đã liên hệ và đặt lịch làm việc UBND tỉnh Bình Dương để tìm hiểu công tác quản lý khoáng sản tại mỏ đá Tân Đông Hiệp cũng như đến các sai phạm của KSB.
Tuy nhiên, một động thái rất bất ngờ là đúng 01 ngày sau đó (ngày 12/6/2018), HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc họp bất thường thông qua việc gia hạn một số mỏ trên địa bàn. Theo đó, mỏ Tân Đông Hiệp được gia hạn khai thác từ ngày 12/6/2018 đến hết ngày 31/12/2019 và khai thác xuống độ sâu cote – 150m. Cụ thể, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp sẽ được khai thác tới cote -150m (cũ là -120m, tương đương chiều cao từ bề mặt tự nhiên xuống đáy 170m). HĐND tỉnh đề nghị trong quá trình khai thác, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến địa chất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điều đặc biệt là trước khi HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức họp bất thường để quyết thông qua việc gia hạn khai thác cho KSB tại mỏ Tân Đông Hiệp, phóng viên đã nêu các vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm của KSB tại mỏ đá này nhưng nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đều né tránh trả lời cơ quan báo chí. Đáng lưu ý, trong buổi tiếp xúc đại biểu Quốc Hội, người dân phường Tân Đông Hiệp còn phản ánh mỏ đá này nổ mìn khai thác đá làm nứt nhà, và đề nghị ngưng hoạt động vì có thể gây nguy hiểm đến sự an toàn của người dân
Tại sao KSB có hàng loạt sai phạm như trên nhưng UBND tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục gia hạn cấp phép cho doanh nghiệp này? Liệu có phải KSB là “con đẻ của tỉnh” nên được công khai vi phạm?
Báo Thời đại sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Hòa Bình