Bị nhà chồng ghét vì không chịu về quê ăn Tết
Ngày Tết không chỉ là dịp để đoàn tụ mà còn là cơ hội cho các thành viên trong gia đình thêm gắn bó hiểu nhau hơn. Ảnh minh họa
Gần Tết, vợ chồng lại cãi nhau
Anh Nguyễn Văn Liên (ở quế Võ, Bắc Ninh), lấy vợ Hà Nội bùi ngùi tâm sự: Vợ chồng tôi đã có nhà riêng ở Hà Nội. Quê nội không xa lắm, nhưng Tết nào vợ cũng kiếm cớ để không đưa con về quê nội ăn Tết. Năm đầu vợ tôi lấy lý do con nhỏ, đi xe buýt phải chen chúc khổ sở, đi taxi thì tốn tiền, đi xe máy thì rét mướt, vất vả. Giờ con lớn 8 tuổi, con nhỏ 5 tuổi, nghe tôi giắng về quê nội ăn Tết, vợ tôi lại bảo phải ở lại trông nhà, cúng Tết. Tết năm ngoái tôi và vợ cũng đã mâu thuẫn gay gắt vì lý do này. Vì thế mà nhiều năm nay tôi luôn lọ mọ về quê một mình. Do vợ tôi chẳng mấy khi về quê chồng ăn Tết, nên những người trong gia đình tôi cũng chẳng mấy thiện cảm với cô ấy, họ giữ ý tới mức nhiều người ra Hà Nội nhưng chẳng ai muốn vào thăm. Bỗng dưng tôi cảm thấy các con mất hết người thân bên nội, nhiều khi nghĩ cũng buồn.
Gia đình anh Trịnh Quang (Khu tập thể Viện Thú y, Hà Nội) có điều kiện kinh tế ổn định, con trai đã 5 tuổi nhưng vợ luôn từ chối về quê vì “con quá bé, không đi xa được”. Năm đầu vợ chồng anh không về, sau Tết ông bà nội bắt xe khách ra thành phố thăm cháu, tính ở dăm bữa nửa tháng chơi, nhưng vợ anh khó chịu ra mặt. Đỉnh điểm bà nội bế cháu, vợ anh giằng con lại bảo bà đi rửa tay xà phòng khiến anh suýt tát vợ nếu mẹ không kịp can. Ở ngắm cháu ba ngày, cộng với nhiều câu nói không giữ ý của vợ khiến các cụ giận dâu nên bỏ về quê sớm, từ đó không ra thăm nữa. Nhưng thi thoảng ông bà vẫn gọi điện bảo vợ chồng anh đưa cháu nội về quê. Năm ngoái anh chị mua được ôtô, lúc ấy vợ anh mới chịu cho con về ăn Tết quê chồng. Nhưng chị vợ cũng chỉ ở tới ngày thứ hai là đòi về, kêu “ở quê lạnh”, “không có máy sưởi, sợ con ốm”. Vì vợ dọa con ốm nên anh Quang đành phải đưa vợ con đi dù lòng không muốn. Năm nay ông bà lại giục đưa dâu, đưa con về quê. Nhưng mới nói với vợ là ông bà mong vợ con về ăn Tết thì vợ anh Quang đã từ chối.
Anh Vạn Lý ở Hà Nội, đi bộ đội đóng quân ở biên giới Hà Giang và lấy vợ, lập nghiệp ở đó. Tết đầu tiên vợ còn theo chồng về quê ăn Tết một tuần. Nhưng từ bấy đến nay đã 5 năm vợ không về quê nữa. Lý do là sợ phục vụ Tết ở nhà chồng, bởi vợ anh không khéo nên nấu gì mẹ chồng cũng chê. Mà bố anh là trưởng họ, Tết nào họ hàng cũng tụ tập ăn uống. Năm nay con đã lớn, anh giao ước từ đầu năm là hai vợ chồng phải đưa con về quê ăn Tết. Đầu năm chị vợ đồng ý, nhưng giờ lại kêu con vẫn còn nhỏ, đường sá xa xôi không muốn đi lại nhiều. "Bố mẹ tôi thì cứ điện thoại giục về, vợ cứ bảo chồng về một mình. Mẹ tôi giận lắm, bà bảo sẽ gọi điện cho vợ tôi sắp xếp đưa các cháu về với ông bà, nếu Tết này không về nữa sẽ từ con dâu", anh Lý kể.
Hãy thử đặt mình vào vị trí bố mẹ chồng
Chị Vũ Thị Thoa quê ở thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) tâm sự, chồng chị quê Nghệ An nhưng anh lại lập nghiệp tại quê vợ. Tám năm qua chuyện ăn Tết ở nội hay ngoại của vợ chồng chị luôn bất đồng. Chỉ sau khi người anh trai lấy vợ, đưa vợ con về ăn Tết thì chị mới tỉnh ngộ. Anh trai đưa vợ con về từ 29 Tết, nhưng mùng 2 đã đi. Bố mẹ chị tiễn con trai, con dâu và cháu nội trong cái nhìn buồn bã, tiếc nuối mà không dám nói. Nhìn gương mặt của bố mẹ đẻ, tự dưng chị nhớ tới bố mẹ chồng tuổi cao, mẹ chồng từng rơi nước mắt đón con cháu về ăn cái Tết tám năm trước. Lúc ấy bố chồng tôi bị tai biến vẫn thích đẩy xe nôi cho cháu, cười vang quanh sân... Con chị giờ đã lớn, có thể ông bà chẳng sống được bao lâu nữa… Trong khi bố mẹ đẻ của chị trẻ khỏe hơn… Chị thấy cay sống mũi, bỗng thấy thương bố mẹ chồng. Thế là Tết năm ngoái chị chủ động sắm Tết cho nhà chồng và giục anh đưa mấy mẹ con về quê ăn Tết. Chồng chị ban đầu ngạc nhiên, rồi vỡ òa niềm vui như đứa trẻ khi biết vợ con về quê ăn Tết thật. Tình cảm hai vợ chồng theo đó gắn kết, vui vẻ trở lại. Năm nay ông bà nội nghe tin Tết rét đậm rét hại, chị lại mới ốm dậy nên rất thông cảm, chủ động gọi điện bảo con dâu để ra Giêng ấm áp thì về quê chồng sau, đừng cố mà hại cho sức khỏe. Nghe mẹ chồng nói mà chị cảm động, biết thế chị đã không lãng phí gần chục cái Tết. Thôi thì tỉnh ngộ muộn vẫn còn là may.
Theo chuyên gia tâm lý Trung Kiên (Trung tâm tư vấn Hôn nhân và gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Tết truyền thống thì phải duy trì, giữ gìn nét Việt riêng, đó là sự sum họp của các thành viên trong gia đình. Các nàng dâu đừng chỉ nghĩ đến sức khỏe của con cái, sợ vất vả mà quên đi mong muốn cũng là niềm vui của người già là ngày Tết con cái, họ hàng sum họp, có đủ con trai, con dâu và các cháu.
Nếu Tết đúng vụ rét đậm, rét hại, thì dù ngày Tết giá có cao nhưng các nàng dâu có điều kiện nên thuê taxi về quê ăn tết sẽ an toàn và vui vẻ, ấm áp hơn. Đi xe buýt ngày Tết cũng không đông như ngày giáp Tết, hay sau Tết. Nếu không về được, hãy gọi điện tâm sự với ông bà nội để ông bà thông cảm. Đừng quên gửi quà mừng Tết và luôn gọi điện thăm hỏi mấy ngày Tết để ông bà cảm thấy vẫn được dâu con quan tâm mà bớt buồn.
Cũng theo nhà tư vấn tâm lý Trung Kiên, các nàng dâu nên biết ở quê thiếu thốn vất vả thật, nhưng người ở xa về luôn dành tình cảm và điều kiện tốt nhất để đại gia đình hòa trong sự yêu thương, đùm bọc. Tết cũng là dịp đi thăm họ hàng, cho con thỏa sức vui đùa, làm thân với các anh chị em họ, sống trọn vẹn với không khí truyền thống của miền quê. Nếu nàng dâu có tâm tốt, biết nghĩ về cha mẹ hai bên hoặc biết đặt mình vào vị trí của bố mẹ chồng thì sẽ hiểu người già mong được quây quần với con cháu trong ngày tết như thế nào. Lúc ấy, quê xa hay gần cũng không còn quan trọng.