Bí mật: Ngân hàng lấy đâu ra tiền để có thể đưa ra mức thưởng tết khủng đến 10 tháng lương?
Một ngày đông cuối năm, mạng xã hội lại được phen nóng rực trước tin Vietcombank thưởng tết cho nhân viên tới gần 200 triệu. Dù ngân hàng này đã lên tiếng phủ nhận nhưng năm nào cũng vậy, đây là thời điểm câu chuyện lương thưởng tại các ngân hàng trở nên rôm rả, là tâm điểm bàn luận từ quán nước nhỏ ven đường cho đến những bữa trưa của dân văn phòng.
Thế nhưng liệu những người trong cuộc có thực sự nhận được những khoản tiền khổng lồ đón tết. hay đó chỉ là những "chiêu" được sử dụng để thổi phồng con số thưởng tết cho nhân viên mà vẫn không làm ảnh hưởng đến chi phí, lợi nhuận của ngân hàng.
Chiêu 'phù phép' khái niệm lương kinh doanh và thưởng tết
Ở một số ngân hàng, tiền lương của các cán bộ ngân hàng bao gồm lương cơ bản, lương kinh doanh và các khoản phụ cấp (độc hại, ăn trưa…). Lương cơ bản phụ thuộc vào bậc lương, mức lương và được cố định thực nhận hàng tháng.
Trong khi đó, lương kinh doanh phụ thuộc vào KPI đạt được. Key Performance Indicators hay còn gọi là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, đã được nhiều ngân hàng bán lẻ sử dụng để đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nhân viên, đặc biệt là nhân viên bán hàng. Phần lương này được coi như động lực thúc đẩy hiệu suất làm việc của các cán bộ ngân hàng, tăng tính công bằng và minh bạch trong việc trả lương.
Ví dụ như ở một ngân hàng TMCP khá lớn ở Việt Nam, nếu đạt mức KPI 80 điểm, một nhân viên mới có thể nhận được nhận phần lương kinh doanh tương ứng khoảng 5 triệu đồng bên cạnh phần lương cơ bản cố định hàng tháng.
Tuy nhiên phần lương này nhân viên ngân hàng chỉ được lĩnh khoảng 80% (khoảng 4 triệu đồng), 20% còn lại sẽ được truy lĩnh vào cuối năm. Khoản giữ lại này khá đáng kể đối với những nhân viên có thâm niên cao. Do đó, phần lương kinh doanh tích lũy trong suốt 12 tháng đã đóng góp một phần không nhỏ trong số tiền thưởng tết của nhân viên ngân hàng.
Nhưng thực chất phần tiền này chỉ là công sức lao động họ đáng được hưởng vì hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Nói cách khác, nhân viên chỉ được "truy lĩnh" khoản lương bị treo lại rải rác trong năm chứ không thực sự nhận được khoản tiền "khủng" như mọi người vẫn nghĩ.
Hay như ở một vài ngân hàng khác, mức KPI không cố định, dao động hàng tháng. Do đó, để thuận lợi cho công tác hạch toán và quản lý, hàng tháng nhân viên nhận lương theo mức KPI trung bình tạm tính (thường thấp hơn mức thực tế). Đến cuối năm, sau khi đã quyết toán và chấm điểm KPI cả năm, phần chênh lệch giữa thực tính và thực tế sẽ được cộng dồn và trả cho nhân viên cùng tiền lương tháng 13 vào dịp tết Nguyên Đán. Về bản chất, nhân viên ngân hàng thực tế chỉ được thưởng tết lương tháng thứ 13.
Giữ lại một phần lương
Trong khi các ngân hàng lớn nhộn nhịp các thông tin về thưởng tết, tình hình ở các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng 0 đồng còn ảm đạm hơn. Đây là những ngân hàng hoạt động yếu kém, tỉ lệ nợ xấu cao, đang được tăng cường giám sát bởi Quốc hội và ngân hàng nhà nước nhằm tái cơ cấu.
Qua trao đổi với một số nhân viên ở các ngân hàng này, một số thông tin thú vị được hé lộ. Chị B, nhân viên quản lý rủi ro ở một ngân hàng 0 đồng cho biết, ở ngân hàng chị những nhân viên có mức lương cao sẽ bị trích giữ 20% lương (với điều kiện phần lương thực lĩnh không dưới 9 triệu). Phần tiền này được hi vọng sẽ được nhận lại vào cuối năm nếu như ngân hàng có những dấu hiệu hoạt động khả quan. Như vậy, thưởng tết (nếu có) của các ngân hàng này thưc chất chính là phần tiền lẽ ra nhân viên phải được nhân hàng tháng trước đó.
Mức thưởng chênh lệch
Các ngân hàng đua nhau thông báo các mức thưởng trong mơ. Tuy nhiên, không phải nhân viên nào cũng được thưởng hậu hĩnh như vậy.
Có một sự chênh lệch đáng kể giữa mức thưởng của các nhân viên cùng vị trí ở các chi nhánh khác nhau của một ngân hàng. Các nhân viên ở các chi nhánh hoạt động hiệu quả, kết quả kinh doanh tốt, tỉ lệ nợ xấu thấp có thể nhận được mức thưởng chênh lệch lên tới 3 lần so với những nhân viên ở những chi nhánh nhỏ, hoạt động cầm chừng.
Chị H, nhân viên ở một chi nhánh nhỏ của một ngân hàng có tiếng cho biết, mặc dù thâm niên công tác 6 năm nhưng thưởng tết của chị chỉ vài triệu đồng, không đủ sắm tết chứ đừng nói đến mua xe, mua nhà như mọi người đồn thổi. Mỗi tết về quê chị lại không biết phân trần kiểu gì với những câu hỏi liên quan đến lương thưởng ngân hàng.
Câu chuyện thưởng tết thu hút sự quan tâm dư luận một phần cũng do trong những ngày giáp tết, các ngân hàng liên tục khoe kết quả kinh doanh khủng và rò rỉ những tin đồn về mức thưởng tết. Nguyên nhân có thể do ngân hàng muốn nhân cơ hội này tạo niềm tin với những khách hàng tiềm năng. Một suy luận đơn giản là thưởng cao ắt tình hình kinh doanh phải tốt, lợi nhuận phải cao vì các ngân hàng đâu phải các tổ chức từ thiện.
Hơn nữa, mức thưởng tết "khủng" cũng giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Dân ngân hàng có thâm niên khi cân nhắc chuyển đổi công việc thường xem xét đến mức tổng thu nhập cả năm hơn là so sánh mức lương từng tháng vì với nhiều ngân hàng lớn với mức thưởng cao thì tính ra thu nhập trung bình có thể cao hơn hẳn so với lương thực nhận hàng tháng.
Thế mới thấy cái mác 'làm ngân hàng' vốn lung linh nhưng ẩn sau đó người trong ngành cũng không hề sung sướng như nhiều người vẫn tưởng. Nhân viên dù làm ở đâu cũng có những áp lực, khó khăn riêng mang tính đặc thù mà chỉ họ mới thấm thía.
Minh Kiên