Bị chó cắn nhớ phải tiêm phòng
Ông Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hưng Nguyên cho biết: “Ổ dịch bùng phát từ trung tuần tháng 7/2016, khi có 1 con chó mắc bệnh dại của một hộ dân ở xóm 2 đã cắn 2 người và nhiều con chó khác trên địa bàn. Tại thời điểm này đã có 1 người tử vong do mắc bệnh dại. Số ca bệnh lên đến 40 người do tình trạng chó dại lây lan nhau toàn xã”.
Nạn nhân tử vong là chị Hoàng Thị Hảo sinh năm 1978, ở xóm 2, xã Hưng Trung. Người nhà chị Hảo cho biết, chị này bị chó dại cắn vào gót chân khi đang trên đường đi thu mua phế liệu. Sau đó chị Hảo đã đi khám nhưng chỉ tiêm phòng uốn ván thay vì phải tiêm phòng dại như khuyến cáo. Vì chị này đang cho con nhỏ bú nên sợ tiêm vắc xin ảnh hưởng tới nguồn sữa nuôi con… Chi Hảo tử vong ngày 27/9 do bệnh dại đã phát lan quá nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Rất nhiều trường hợp tử vong do bị chó dại cắn
Con chó cắn chị Hảo sau đó cũng đã chết trước lúc nó cắn một cháu nhỏ khác ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc sang chơi người thân ở xã Hưng Trung này. Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Hưng Trung: Trên địa bàn xóm 2, đã có khoảng 10 người bị chó cắn từ trung tuần tháng 7 đến nay.
Tình trạng tử vong do chó dại cắn vẫn diễn biến phức tạp nguyên nhân một phần do người dân không đi tiêm phòng dại. Tại Gia Lai, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016, toàn tỉnh đã có 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây là địa phương có số ca tử vong liên tiếp qua các năm và cao nhất khu vực Tây Nguyên. Chỉ riêng trong 7 tháng của năm 2016, tỉnh Gia Lai ghi nhận hơn 6.000 lượt người đến cơ sở y tế tiêm vaccine do nghi dại khi bị chó cắn.
Còn tại Hà Nội, mặc dù là một trong những địa phương luôn thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại nhưng hàng năm tại một số huyện ngoại thành vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh dại lên cơn. Trong năm 2014, thành phố ghi nhận 5 trường hợp bệnh dại lên cơn; năm 2015 ghi nhận một trường hợp, từ đầu năm 2016 đến nay ghi nhận 2 trường hợp dại lên cơn tại huyện Hoài Đức và Ba Vì. Tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn không tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn.
Theo đại diện Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Cần tiêm phòng cho chó, mèo đầy đủ
Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
5. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).
- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Hà Linh