Bệnh nhân lo lắng vì hết thuốc ung thư viện trợ
Bệnh nhân ung thư rất cần thuốc điều trị. (Ảnh: Báo Lao động)
7 Bệnh viện tham gia chương trình hỗ trợ thuốc
Chương trình hỗ trợ thuốc Glivec 100mg và Tasigna 200mg được thực hiện từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019 tại 7 cơ sở: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học - truyền máu Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP Hồ Chí Minh.
Theo quy định, người bệnh tham gia BHYT liên tục trên 36 tháng, quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí thuốc Glivec hoặc Tasigna theo liệu trình điều trị được bác sĩ chỉ định. Công ty Novartis tài trợ cho người bệnh 60% chi phí còn lại (chương trình VPAP).
Với người bệnh tham gia BHYT liên tục dưới 36 tháng được Novartis tài trợ 100% chi phí điều trị bằng thuốc Glivec hoặc Tasigna (chương trình GIPAP).
Cả nước có hơn 2.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Glivec. Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, có hơn 500 bệnh nhân ung thư đang sử dụng thuốc này.
Việc điều trị sẽ gồm 14 ngày thuốc Glivec do BHYT chi trả, 16 ngày còn lại trong tháng sử dụng thuốc Glivec viện trợ.
Hết sạch thuốc viện trợ, chỉ còn thuốc thương mại
Hiện nay, các bệnh viện đang "kêu" hết thuốc Glivec, không có cho bệnh nhân điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc sức khoẻ của bệnh nhân bị đe doạ. Bên cạnh đó, giá thành của thuốc này khá cao, người bệnh cũng không có khả năng tự chi trả hết. Ước tính chi phí khoảng 500 triệu đồng/bệnh nhân/năm.
"Hiện có hàng trăm bệnh nhân bệnh bạch cầu tủy mạn không có thuốc chữa bệnh, rất nguy cấp. Tôi nghe nói thuốc Glivec được Thụy Sĩ tài trợ tới cuối năm 2019 nhưng mới đầu năm 2018 bác sĩ của bệnh viện đã nói thuốc này không được tài trợ. Nếu không được tài trợ sẽ có nhiều bệnh nhân phải bỏ chữa bệnh vì tiền mua thuốc lên đến gần 100 triệu đồng/người mỗi tháng. Hiện nay cách xử lý của Bệnh viện Truyền máu - huyết học là cấp cho bệnh nhân một phiếu hẹn kèm số điện thoại với thông báo là có thuốc bệnh viện sẽ gọi, còn không có thuốc thì chờ…" - một bạn đọc phản ảnh.
Theo bác sĩ Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM, hiện bệnh viện có hai chương trình cấp phát thuốc Glivec cho người bệnh bạch cầu tủy mạn là chương trình GIPAP được tài trợ hoàn toàn từ Novartis (nguồn thuốc viện trợ) và chương trình VPAP 40% do BHYT chi trả (nguồn thuốc thương mại), 60% còn lại được tài trợ từ Novartis (nguồn thuốc viện trợ).
Về nguồn thuốc thương mại (BHYT chi trả), bệnh viện vẫn tiếp tục cung cấp cho người bệnh bình thường. Riêng nguồn thuốc viện trợ, hiện tại không chỉ bệnh viện hết thuốc mà đã hết trên toàn quốc. Hiện bệnh viện có hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc của hai chương trình viện trợ nói trên.
Bệnh nhân nhận thuốc tại quầy bảo hiểm y tế Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Duyên Phan)
Theo thông tin từ hãng cung cấp thuốc viện trợ, hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo có một số quy định mới nên hãng gặp khó khăn trong việc chuẩn bị và cung cấp hồ sơ để xin phép nhập khẩu thuốc viện trợ.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đang có nhiều cách để giải quyết. Một là xin ý kiến các thành viên Chính phủ để tháo gỡ về cơ chế nhập khẩu thuốc viện trợ. Hai là đẩy nhanh quá trình xét cấp visa lưu hành cho thuốc viện trợ.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, sau khi các bệnh viện có ý kiến, Chính phủ đã ký công văn cho phép nhập thuốc viện trợ theo quy định cũ. Hiện thuốc đang trên đường vận chuyển về Việt Nam.
Khó mua được thuốc vì giá cao Tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân, liều điều trị thuốc Glivec thấp nhất theo chỉ định của bác sĩ là 2 viên/ngày, cao nhất 8 viên/ngày. Giá thuốc Glivec thương mại trúng thầu vào một bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh là 442.000 đồng/viên. Trường hợp bệnh nhân đã kháng lại hoặc không dung nạp với thuốc Glivec, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc Tasigna, với liều điều trị 2 viên/ngày. Giá thuốc Tasigna thương mại trúng thầu vào một bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh là hơn 707.000 đồng/viên. |
Thu Trang (t/h)