Bé trai 5 tuổi suy đa tạng vì chữa sốt bằng thuốc lá
Trẻ bị hôn mê do dùng thuốc lá chữa sốt sai cách
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ngày 9/5, đơn vị đang tích cực điều trị cho bệnh nhi V.Đ.K (5 tuổi, trú tại Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An).
Trước đó, cháu K. bị sốt cao liên tục 4 ngày. Gia đình cho cháu uống thuốc hạ sốt và thuốc lá dân tộc. Sau 3 ngày, cháu có biểu hiện lơ mơ, vật vã, nôn mửa.
Lúc này gia đình mới tức tốc đưa bé tới cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam. Do tình trạng bệnh quá nặng, bé tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (Ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Thời điểm nhập viện, K. bị hôn mê, khó thở, sốt cao trên 39 độ, gan to, da vàng, dịch dạ dày nâu đen. Các bác sĩ kiểm tra, phát hiện cháu bị suy đa phủ tạng, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản thở máy, dùng thuốc kháng sinh và thuốc trợ tim vận mạch, tiến hành lọc máu liên tục và hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
Sau 72 giờ lọc máu, bệnh nhi đã tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng gan và thận cải thiện tốt nhưng vẫn đang tiếp tục được theo dõi, chăm sóc tích cực.
Các bác sĩ cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc lá bởi nếu không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe, suy giảm chức năng gan thận, thậm chí có thể tử vong.
Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ như thế nào?
Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi con chắc chắn sốt và sốt trên 38.5 độ C. Trong trường hợp trẻ có tiền sử sốt cao co giật nhạy cảm, cha mẹ có thể cho con dùng thuốc sớm hơn 1 chút.
Hiện chủ yếu phổ biến 2 loại thuốc hạ sốt 1 là thành phần paracetamol dùng liều 10 -15mg/kg 1 lần và cách nhau tối thiểu 4h, 2 là thành phần Ibuprofen dùng liều 8-10mg/kg 1 lần và cách tối thiểu 6h (tuy nhiên nếu sốt cao nghi do sốt xuất huyết thì không dùng thuốc có thành phần Ibuprofen).
Cách hạ sốt nhanh cho trẻ
Cách hạ sốt nhanh nhất cho con thường kết hợp giữa chườm ấm và dùng thuốc hạ sốt cho con. Cách chườm ấm cho con như sau:
Sau khi cởi bớt quần áo cho thoáng mát, bố mẹ ngâm khăn mặt vào nước ấm, không nóng quá, vắt khô và đắp vào những vùng dễ thấm nước trên cơ thể như nách, bàn chân, bàn tay và háng để làm giảm nhiệt.
Ngoài ra, bố mẹ có thể đắp khăn ẩm lên trán và gáy. Chú ý thay khăn thường xuyên sau vài phút.
Làm gì khi trẻ bị sốt và sốt kéo dài?
Khi trẻ bị sốt kéo dài thì chắc chắn là ba mẹ không nên để con ở nhà mà cần cho con đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân sốt cho con.