Bất chấp kết quả trưng cầu dân ý, Thủ tướng Thái Lan sẽ không từ chức
“Tôi sẽ không từ chức. Tôi là người đã lập nên các quy tắc cho đất nước này”, ông Prayuth phát biểu trước các phóng viên tại Tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Bangkok.
Ông cũng khẳng định rằng, người Thái không nên so sánh nhà lãnh đạo đương nhiệm với Thủ tướng Anh David Cameron, người vừa tuyên bố sẽ từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh có nên rời khỏi Liên minh châu Âu.
Ông Prayuth là người đứng đầu chính quyền quân sự cầm quyền, hay còn gọi là Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO). NCPO đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5/2014.
Quân đội Thái Lan đã biện minh cho cuộc đảo chính rằng họ buộc phải ra tay hành động để thiết lập lại trật tự, sau nhiều tháng thành phố Bangkok bị tê liệt bởi các hoạt động biểu tình, khiến chính phủ của bà Yingluck tê liệt.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (áo xanh)
Mới đây, chính quyền quân sự dưới quyền Thủ tướng Prayuth cho biết, sẽ thực hiện nhiều cải cách chính trị và kinh tế trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017. Cuộc tổng tuyển cử này cũng sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân sự.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 7/8 tới sẽ là cuộc bỏ phiếu trên quy mô toàn quốc đầu tiên ở Thái Lan, kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Giới chuyên gia đánh giá rằng: sự kiện này sẽ là một “bài kiểm tra” đối với tầm ảnh hưởng của chính quyền.
Một số chính trị gia có tên tuổi đã lên án dự thảo hiến pháp mà NCPO đệ trình là “phi dân chủ”, trong khi một số người đã kêu gọi các đảng phái chính trị lớn trong nước bỏ phiếu phản đối.
Trong khi đó, chính quyền quân sự Thái Lan đã cấm hành vi chỉ trích các điều trong dự thảo hiến pháp trong thời gian chuẩn bị trưng cầu dân ý. Tháng trước, Ủy ban Bầu cử quốc gia ban hành thêm quy định cấm mọi hoạt động vận động trước khi cử tri đi bỏ phiếu.
Gần đây nhất, hôm 24/6, tòa án đã kết tù 7 nhà hoạt động bất đồng chính kiến, do có liên quan nhiều hoạt động chiến dịch chống lại dự thảo hiến pháp.
Trọng Sang