Báo TQ: Thực hư việc Mao Trạch Đông bị Stalin "giam lỏng" trong chuyến thăm đầu tiên tới Liên Xô
Ngày 16/12/1949, hai tháng sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã dẫn đầu đoàn đại biểu nước này sang thăm Liên Xô. Đây được coi là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc.
Theo Sina (Trung Quốc), từ bối cảnh tình hình quốc tế khi đó, Mao Trạch Đông đã đề xuất chiến lược ngoại giao cơ bản chính là "thân Liên Xô" và đây cũng là mục đích chính của chuyến thăm Moscow của Mao.
Trong thời gian diễn ra chuyến thăm và gặp lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, hai bên đã ký được hàng loạt các hiệp ước, trong đó có Hiệp ước hỗ trợ hữu nghị Trung-Xô với hiệu lực lên tới 30 năm.
Tuy nhiên theo báo Trung Quốc, khi đó, đã có sự việc bất ngờ phát sinh: Truyền thông phương Tây đưa tin Mao Trạch Đông bị Stalin "giam lỏng" tại Moscow.
Bắc Kinh bị lạnh nhạt?
Tờ Nhân dân nhật báo (năm 2011) cho biết, theo thông tin từ Harrison E. Salisbury - phóng viên báo The New York Times (Mỹ) thì khi đó, lãnh đạo Liên Xô Stalin đã tỏ ra khá thờ ơ trước kết quả cuộc nội chiến ở Trung Quốc, thậm chí các đầu báo Liên Xô cũng dường như không hề nhắc tới sự kiện này.
Khi đó, chỉ có tờ Pravda (Sự thật) có trụ sở ở Moscow đăng qua vài dòng thông báo ở mục tin vắn trong ấn bản cuối cùng của năm.
Đặc biệt, khi đặt chân đến Moscow vào ngày 16/12, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông còn bị phía Liên Xô đối xử lạnh nhạt khi chỉ có hai ủy viên Bộ chính trị ra tiếp đón mà không hề có một nghi lễ đón tiếp ngoại giao cấp cao nào được thực hiện.
Ngay cả Bí thư Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev còn không biết về chuyến thăm của Mao Trạch Đông khi cấp dưới báo cáo.
Tuy nhiên đó là thông tin từ phương Tây. Báo Sina (Trung Quốc) cung cấp một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo đó, trong chuyến viếng thăm Liên Xô (16/12/1949 - 17/02/1950), Mao Trạch Đông đã được đón tiếp rất nồng hậu.
Cụ thể, trong ngày Mao đến Liên Xô, Stalin đã tổ chức một cuộc hội đàm song phương tại điện Kremlin.
"Stalin khoác trên mình bộ quân phục chỉnh tề và tỏ ra rất vui vẻ. Ông ấy còn phá lệ đứng chào ngay ở cửa chính - nơi các ủy viên Bộ chính trị (Liên Xô) đang đứng xếp hàng. Đây là trường hợp hiếm khi xuất hiện tại Liên Xô", tờ Sina viết.
Cũng theo tờ này, một sự việc khác xảy ra cũng khiến phía Bắc Kinh bất ngờ. Đó chính là, bên cạnh lãnh đạo Stalin không có người phiên dịch mà chỉ có một phiên dịch đại diện của Trung Quốc.
"Điều này cho thấy Stalin vô cùng tin tưởng Trung Quốc", Sina bình luận.
Chu Ân Lai ký Hiệp ước hỗ trợ hữu nghị Trung-Xô trước sự chứng kiến của Mao Trạch Đông và Joseph Stalin vào ngày 14/2/1950. Ảnh: Tân Hoa Xã
Mao Trạch Đông có bị "giam lỏng"?
Theo Sư Triết - người phiên dịch phía Trung Quốc tiết lộ, bầu không khí cuộc hội đàm song phương khi đó diễn ra khá sôi nổi dù có xảy ra một vài rắc rối nhỏ do cách biểu đạt ngôn ngữ.
Ví như việc Stalin bày tỏ muốn có vật hoặc hình thức đáp lễ chuyến thăm viếng Moscow của Mao Trạch Đông.
"Thứ đồ đó phải vừa đẹp mắt vừa ngon miệng", Sư Triết dẫn lại câu nói đùa của Mao Trạch Đông khi đó.
Theo Sư Triết, do lãnh đạo Liên Xô có thể không hiểu hàm nghĩa thực sự trong câu nói của nhà lãnh đạo Trung Quốc nên khi phiên dịch ông buộc phải giải thích tỉ mỉ rằng, "đẹp mắt là chỉ về hình thức, muốn trình diện cho thế giới thấy, ngon miệng chính là nội hàm, thú vị và thực tế".
Tuy nhiên, Sư Triết cho hay, các lãnh đạo Liên Xô khi đó vẫn không hiểu đó là vật gì trong khi Stalin vẫn tỏ ra bình tĩnh và khéo léo chuyển chủ đề đối thoại.
Sau đó, Mao Trạch Đông đã yêu cầu Thủ tướng Chu Ân Lai đến Moscow để đàm phán vì hy vọng phía chính quyền Stalin sẽ chủ động đề xuất những phương án giúp đỡ Trung Quốc.
Sư Triết cho rằng, chính điều này đã khiến Bắc Kinh và Moscow phát sinh một vài sự hiểu lầm, bởi theo Stalin, bất kể hai bên Trung-Xô ký kết hiệp ước gì đều sẽ do ông và Mao Trạch Đông ký tên bởi như thế mới "đường đường chính chính, xứng vai vừa vế".
Nhưng Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nhất quyết yêu cầu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chu Ân Lai đến Moscow thực hiện nhiệm vụ này.
Theo Sina, việc này đã khiến cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai bên xuất hiện rào cản và trong thời gian đàm phán kéo dài, phía Moscow liên tục cử người tới thăm dò ý tứ Mao Trạch Đông hoặc chính Stalin đã điện thoại đến hỏi ông về những ý tưởng cụ thể.
Điều này đã khiến Mao Trạch Đông tức giận, trách rằng: "Các đồng chí mời tôi đến đây, không làm gì, không đàm phán gì; lẽ nào tôi đến đây chỉ để ăn ngủ sao?".
Chính trong thời gian này, truyền thông phương Tây đã rầm rộ thông tin "Mao Trạch Đông bị Stalin giam lỏng ở Liên Xô".
Báo Trung Quốc cho hay, trước tình hình này, phía Moscow đã rất lo lắng liền phải cử người đến thương lượng với phía Bắc Kinh. Cuối cùng hai bên đã nhất trí để Mao Trạch Đông dùng danh nghĩa cá nhân trả lời ký giả nhằm hóa giải thông tin trên.
Theo đó, tiếp thu đề nghị của Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô Vương Gia Tường, Mao Trạch Đông đã có buổi trả lời báo chí, trấn an dư luận vào ngày 2/1/1950.
Sau đó, trước bối cảnh vị thế Bắc Kinh được nâng cao khi một số nước như Anh, Thụy Điển... tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Trung Quốc mới, lãnh đạo Liên Xô Stalin đã chuyển ý, đồng ý mời Thủ tướng Chu Ân Lai sang ký kết hiệp định.
Nhờ đó Hiệp ước hỗ trợ hữu nghị Trung-Xô và loạt hiệp định khác được ký kết thành công.
Thủy Thu