Bão số 16 có cột sóng cao hơn 10m đã áp sát đảo Trường Sa
Chiều 24/12, ông Bùi Đình Dương - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) - cho biết, bão đang áp sát đảo Trường Sa. Mưa lớn, gió rất mạnh, giật liên hồi cấp 10-11 (hơn 110 km/h), biển động dữ dội, cột sóng cao hơn 10m.
Hơn 300 tàu thuyền với khoảng 1.000 ngư dân hoạt động trên biển đã được kêu gọi, đưa vào các đảo Đá Tây, Sinh Tồn, Trường Sa tránh trú bão, thông tin trên báo VnExpress.
Vị trí và đường đi của bão Tembin. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Sáng nay 24/12, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đã họp đột xuất về tình hình đối phó bão số 16. Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sáng nay đã thông báo di dời hơn 8.000 dân ở các vùng ven biển, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn.
Ngày mai, 245.000 học sinh trên toàn tỉnh sẽ nghỉ học, các công nhân tại các nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp trên toàn tỉnh phải nghỉ làm, chỉ chừa lại một số bộ phận chuyên môn để coi sóc nhà máy, ứng cứu kịp thời khi bão đổ bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhận định, với tốc độ di chuyển nhanh và tình hình thời tiết hiện nay, bão Tembin sẽ đổ bộ vào đất liền của tỉnh là gần như khó tránh khỏi. Đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm với sức gió mạnh cấp 12 và giật cấp 14-15. Được dự báo ở cấp thảm họa nên người dân không được lơ là, thông tin trên báo Vietnamnet
Đại tá Trương Dũng Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, đã tăng cường 200 lực lượng, 4 xe thiết giáp cùng các phương tiện khác sẵn sàng cho việc ứng cứu trong bão. Mỗi xã 1 tiểu đội, mỗi huyện 1 trung đội, tất cả đang sẵn sàng.
Tàu thuyền tiếp tục vào bờ tránh trú bão. Ảnh: Báo Đất Mũi
Hiện, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đang tiến hành rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Trước khi vào biển Đông, bão Tembin hoành hành ở Philippines làm gần 200 người thiệt mạng.
Thông tin trên báo VOV, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết:
Bắt đầu từ đêm mai sẽ ảnh hưởng đến vùng biển thuộc phía Đông của Nam Bộ và nửa đêm về sáng ngày 26/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ và một phần của miền Đông Nam Bộ, gây ra gió mạnh đối với các tỉnh Nam Trung Bộ.
Sau đó, bão sẽ đi xuyên qua bán đảo Cà Mau sang vịnh Thái Lan và tiếp tục ảnh hưởng đối với vùng biển ở phía Tây của Nam Bộ, trong vùng biển Cà Mau, Kiên Giang và sang cả Vịnh Thái Lan.
Như vậy, đây là một cơn bão khá mạnh. Theo chúng tôi, đường đi của cơn bão này cũng tương tự như con bão Linda năm 1997 và vùng biển này bị ảnh hưởng sóng to, gió lớn.
Vùng biển hôm nay, tại Trường Sa sẽ có sóng lớn từ 8 đến 10m và ngày mai vùng biển Côn Đảo sẽ có sóng cao từ 7 đến 9m.
Bắt đầu từ đêm mai, vùng biển của Nam Bộ sẽ có sóng từ 6-8m. Sau đó, ven biển các tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ có gió mạnh dần. Ở đây, nước biển dâng thủy triều cũng cao từ 3 đến 4m.
Tổng hợp
Bảo Bình