Báo Israel: Mối đe dọa thực sự không phải S-300 mạnh
Hôm thứ Hai, Nga tuyên bố sẽ nâng cấp năng lực phòng không của Syria bằng cách cung cấp các tổ hợp S-300 trong vòng 2 tuần.
Đây là động thái mới nhất làm xấu thêm mối quan hệ đang sụt giảm nhanh chóng giữa Moscow và Tel Aviv sau khi xảy ra vụ việc máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị phòng không Syria bắn nhầm hồi tuần trước.
Ngoài cung cấp S-300, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo thêm rằng Moscow sẽ tiến hành "gây nhiễu các hệ thống định vị vệ tinh, radar và hệ thống thông tin liên lạc trên các máy bay chiến đấu của đối phương khi chúng tấn công các mục tiêu tại Syria".
Tuy nhiên, theo tờ Times of Israel, mối đe dọa lớn hơn cả không phải là rào cản chiến thuật mà S-300 đặt ra cho Không quân Israel. Thay vào đó, Tel Aviv lo sợ rằng những diễn biến này có thể làm đổ vỡ mối quan hệ với Moscow.
"Hiện Nga đang cung cấp vũ khí cho nhiều đối thủ của Israel, như chuyển giao các tổ hợp S-300 cho Iran, nhưng Tel Aviv coi đó là việc kinh doanh, chứ không nhằm mục đích cá nhân của Moscow.
Song, cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng thay đổi điều đó, phụ thuộc vào việc Israel, Nga và Mỹ sẽ giải quyết như thế nào" – Times of Israel viết.
Theo Times of Israel, Nga từng nhiều lần đe dọa cung cấp S-300 cho Syria...
Theo tờ báo, mặc dù Nga đang có những hành động "thù địch một cách công khai" đối với Israel kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng tình hình vẫn có thể thay đổi được, ít nhất là ở một mức độ nào đó.
Trong vòng 5 năm, Nga nhiều lần đe dọa cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria nhưng đã trì hoãn theo đề nghị của Israel, đôi lúc theo yêu cầu từ Mỹ hoặc từ chính phủ Nga.
Theo thông tin từ phía Nga, các tổ hợp S-300, với tầm bắn 250km, tiên tiến hơn rất nhiều so với hệ thống phòng không S-200 mà Syria đang triển khai.
Nga dự định sẽ bố trí chúng tại bờ biển phía tây Syria và khu vực tây nam nước này, gần biên giới với Israel và Jordan – đây là 2 khu vực mà Không quân Israel (IAF) thường xuất kích để tiến hành các vụ tấn công. Hiện Moscow vẫn chưa công bố sẽ chuyển giao phiên bản nào của S-300 cho Syria.
Times of Israel cho biết, S-300 có tới vài phiên bản, và mỗi phiên bản có phạm vi khả năng riêng. Nhưng ngay cả radar của phiên bản thấp nhất cũng sẽ có đủ khả năng để giám sát các chuyến bay xung quanh bắc Israel – và có thể cả những chuyến bay dân sự trong và ngoài sân bay quốc tế Ben Gurion, phụ thuộc vào việc hệ thống này được triển khai tại vị trí nào ở Syria.
Mối đe dọa từ S-300 và khả năng tác chiến điện tử của Nga
Theo Times of Israel, đối với Tel Aviv, S-300 là một chướng ngại vật lớn tại Syria nhưng không phải là thứ không thể vượt qua.
Mặc dù S-300 (NATO định danh: SA-10) mạnh mẽ hơn nhiều so với hệ thống phòng không tầm xa S-200 hiện nay của Syria nhưng trong nhiều thập kỷ qua, IAF đã có sự chuẩn bị để đối phó với nó.
Mặt khác, một số đồng minh của Israel cũng đang vận hành S-300. IAF được cho là đã có cơ hội thực hành đối phó các tổ hợp S-300 của Hy Lạp trong các cuộc tập trận chung nhiều năm qua.
Israel còn tự hào là nước sở hữu phi đội các tiêm kích tàng hình F-35. Hồi đầu năm nay, IAF cho biết những máy bay này đã được họ triển khai trong một số hoạt động.
Bên cạnh đó, "Không quân Israel còn nổi tiếng với khả năng tác chiến điện tử" – Times of Israel viết, "Năm 1982, trong cuộc chiến tranh Lebanon lần thứ nhất, IAF đã gây nhiễu radar của các hệ thống phòng không Syria (do Liên Xô cung cấp), phá hủy 29 trong tổng số 30 tổ hợp phòng không của nước này".
Israel còn được cho là đã sử dụng công nghệ gây nhiễu này khi tấn công vào lò phản ứng hạt nhân của Syria tại Deir Ezzor năm 2007, vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của quân đội Syria.
... nhưng điều khiến Israel thực sự lo ngại là nguy cơ đổ vỡ quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Times of Israel, hệ thống phòng không S-300 mà Nga sắp cung cấp cho Syria không chỉ là một trở ngại đối với các hoạt động của IDF, mà còn là một thách thức địa chính trị.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết phía Syria đã được đào tạo để vận hành hệ thống S-300 nhưng hiện chưa rõ, các quân nhân Nga tại đây có tham gia vào quá trình này khi S-300 được triển khai hay không.
Nếu có thì điều đó sẽ khiến quyết định phá hủy các tổ hợp S-300 Syria trở nên phức tạp hơn nhiều đối với Israel, bởi Tel Aviv sẽ phải nhằm trực tiếp vào các lực lượng Nga.
Một điểm nữa cần lưu ý, đó là theo ông Shoigu, Nga có kế hoạch sử dụng năng lực tác chiến điện tử chống lại "những cái đầu nóng" của Israel. Đây sẽ là một chướng ngại khác mà Không quân Israel cần phải cân nhắc.
Theo truyền thông Nga, các hệ thống tác chiến điện tử này sẽ tạo ra một "mái vòm" vô tuyến-điện tử với bán kính hàng trăm km xung quanh tây Syria và bờ biển Địa Trung Hải, không chỉ tác động tới các chiến đấu cơ Israel, mà còn cả các tàu hải quân của Mỹ, Pháp và máy bay dân dụng trong khu vực.
-
Chuyên gia: Israel sẽ tìm cách phá hủy S-300 Syria và lôi Mỹ vào cuộc
Times of Israel cho hay, ở vấn đề này cũng tương tự, Israel có nhiều phương thức tác chiến và công nghệ để vượt qua trở ngại trên, nhưng các chỉ huy của họ sẽ phải cân nhắc việc sử dụng chúng với giá trị của mục tiêu.
Hồi đầu năm nay, khi Nga một lần nữa đe dọa cung cấp S-300 cho Syria, các quan chức Israel cho biết IAF đã được chuẩn bị để đối phó với bất cứ hệ thống phòng không nào nhằm vào máy bay của họ, bất chấp hệ thống đó do phía nào cung cấp hay phía nào đang vận hành.
"Cần làm rõ một điều rằng: Nếu bên nào bắn vào máy bay của chúng tôi, chúng tôi sẽ phá hủy chúng [các hệ thống phòng không], dù đó là S-300 hay S-700 đi chăng nữa" – Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman tuyên bố vào thời điểm đó.
Theo Times of Israel, mặc dù IAF có khả năng đối phó với các biện pháp gây nhiễu radar của Nga, cũng như có quyền phá hủy hệ thống S-300 do Nga cung cấp nếu nó tấn công máy bay Israel, nhưng những hành động đó có thể đẩy Moscow ra xa hơn nữa, khiến hai phía tiến gần đến bờ vực đổ vỡ hoàn toàn quan hệ ngoại giao.
S-300 và S-400 tham gia tập trận Vostok 2018
QS