Báo động khẩn cấp: Máy bay chiến đấu của KQ Nga có thể bị phá hủy vô số kể ở Syria?
Tình huống khẩn cấp
Như đã phân tích trong các bài trước, phiến quân đã rất táo bạo khi giáng cho KQ và các lực lượng viễn chinh Nga ở Syria một cú tát mạnh mẽ, khiến nhiều người giật mình. Tuy nhiên, sự việc này dường như có thể dự đoán trước sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.
Bởi lẽ căn cứ không quân đầu não của Nga ở Syria quả thực là miếng mồi ngon (dù không dễ xơi) đối với phiến quân, hàng chục máy bay phơi mình giữa trời, xếp san sát nhau, không ụ che chắn.
Đặc biệt, Nga rút bớt lực lượng khỏi Syria đã tạo ra những khoảng trống chết người, khiến cho hỏa lực yểm trợ đường không đối với QĐ Syria suy giảm rõ rệt, phiến quân bỗng nhiên giảm bớt được áp lực trước các mối đe dọa "từ trên trời rơi xuống", rảnh tay đọ sức ngang ngửa với các lực lượng vũ trang Syria.
Ở một số nơi, thậm chí phiến quân còn giành được những lợi thế không nhỏ, đẩy QĐ Syria vào vào nguy khốn.
Lực lượng bảo vệ căn cứ sân bay quan trọng Khmeimim của cả Nga và Syria dường như mỏng đi, tạo điều kiện cho phiến quân áp dụng chiến thuật luồn sâu đánh hiểm như đã từng làm được cách đây ít ngày, khiến ít nhất 2 binh sĩ Nga thiệt mạng (theo BQP Nga) và có thể gây hư hại cho một số máy bay của KQ Nga ở đây, theo một số nguồn tin chưa được minh định.
Tiêm kích Su-35 của Nga ở Syria.
Làm cách nào để ngăn ngừa?
Nguy cơ xảy ra những đòn tập kích hỏa lực tương tự vào căn cứ sân bay Khmeimim là hiện hữu. Vậy làm thế nào có thể ngăn ngừa triệt để là câu hỏi thường trực đối với Bộ tư lệnh Quân đội Nga ở Syria. Chắc chắn họ sẽ không ngồi yên.
Thứ nhất, khẩn trương xây dựng các hầm chứa máy bay kiên cố bằng bê tông cốt thép hoặc chí ít cũng phải là các ụ chứa máy bay đắp bằng đất để tránh mảnh văng của đạn pháo gây hư hại máy bay. Tuy nhiên, với hỏa lực bắn cầu vồng thì các ụ chứa (kể cả bằng bê tông) này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, vì trên thực tế, máy bay vẫn phơi mình giữa trời.
Phiến quân không có các loại tên lửa mang uy lực khủng khiếp như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ mà chỉ có các loại pháo với sức công phá vừa phải nên các hầm chứa máy bay kiên cố đủ sức bảo vệ an toàn cho máy bay.
Máy bay ném bom Su-24 Nga ở căn cứ Khmeimim.
Thứ hai, tăng giãn cách bố trí giữa các máy bay xa hơn, để nếu chẳng may có bị pháo kích thì cũng sẽ giảm nguy cơ "chết chùm" nhiều hơn. Việc này có thể khiến công tác chuẩn bị kỹ thuật cho các máy bay trước khi cất cánh tốn nhiều thời gian hơn, nhưng là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Thứ ba, nhằm ngăn ngừa, phát hiện sớm, từ xa khả năng bị đột kích bất ngờ cần tăng cường khả năng trinh sát 24/24h, đồng thời củng cố vành đai bảo vệ, phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị thuộc QĐ Syria có trách nhiệm bảo vệ căn cứ không quân này để cùng nhau xử lý những vấn đề phát sinh "luôn và ngay", hoặc tiêu diệt phiến quân hoặc phòng tránh, giảm tối đa thiệt hại.
Thứ tư, tăng cường thêm khí tài trinh sát (radar) cũng như các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 để bao quát tất cả các hướng, củng cố khả năng đánh chặn các đòn tập kích bằng pháo phản lực của phiến quân. Mặc dù không chặn được đạn pháo, cối thông thường, nhưng Pantsir-S1 được cho là đủ khả năng bắn hạ tên lửa và pháo phản lực của đối phương.
Hơn nữa, ngoài việc pháo kích, một số ý kiến cho rằng phiến quân có thể sử dụng máy bay không người lái loại nhỏ (UAV) thả đạn cối vào căn cứ Khmeimim và Pantsir-S1 chính là khắc tinh của các UAV chiến đấu này.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga ở Syria.
Thứ năm, tăng cường công tác cảnh giới, phòng gian bảo mật di chuyển máy bay về các nơi trú đậu không theo quy luật để tránh bị trinh sát phiến quân nắm được, cung cấp phần tử bắn cho các pháo đội tập kích sân bay.
Tất cả các giải pháp này có thể sẽ tốn kém cả về người và của, nhưng lực lượng Nga ở Syria sẽ không còn lựa chọn nào khác.
Ngoài ra, Nga cần sớm phải nghiên cứu để trang bị những vũ khí có khả năng bắn hạ pháo, cối như CRAM của Mỹ hoặc Hệ thống Mantis (Modular, Automatic and Network capable Targeting and Interception System) hay còn gọi là NBS C-RAM của Đức để bổ sung cho các lực lượng bảo vệ điểm - những căn cứ quan trọng.
Tuy nhiên, cho dù nếu Nga triển khai các động thái trên ngay lập tức thì đến khi hoàn thành cũng sẽ mất khoảng vài tháng và phiến quân thực sự vẫn còn cơ hội để thi triển chiến thuật luồn sâu đánh hiểm tập kích vào căn cứ này, KQ Nga có thể sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề. Nhưng đó là cái giá phải trả vì họ đã rơi vào tình huống "mất bò mới lo làm chuồng".
Căn cứ không quân Khmeimim đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Bình Nguyên