Bảo đảm sinh kế cho ngư dân Việt Nam và nguồn cung cho thị trường EU
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu thúc đẩy EU và các nước thành viên tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange. (Ảnh: quochoi.vn) |
Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, phía Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện IUU từ hoàn thiện pháp luật, giám sát thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Quốc hội Việt Nam cũng có những chương trình hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu cá để đáp ứng tiêu chuẩn, đẩy mạnh gắn thiết bị hành trình của tàu cá.
Chia sẻ thêm rằng nghề cá của Việt Nam có những điểm khác biệt so với các nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết nghề cá của Việt Nam còn nhỏ lẻ, gắn trực tiếp với sinh kế của ngư dân. Ngư dân Việt Nam cũng phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự biến động giá xăng dầu, thiên tai, bão lũ. Do đó, ngoài hỗ trợ trực tiếp phương tiện, Việt Nam cũng phải củng cố bến bãi, nơi neo trú tàu thuyền và thực hiện thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân. Ông khẳng định Việt Nam kiên quyết thực hiện giám sát và xử lý vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho hay qua trao đổi với lãnh đạo Tổng cục Nghề cá của Ủy ban châu Âu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam hiện nay trong việc trang bị thiết bị giám sát hành trình của tàu cá; nỗ lực xử lý các tồn động theo khuyến nghị của EU, chia sẻ rằng quá trình này có nhiều thách thức và khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Bên cạnh đó, pháp luật của Việt Nam có nhiều quy định nhắm nội luật hóa các điều ước quốc tế, tiệm cận các thông lệ quốc tế.
Ông Bernd Lange cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện các cam kết, hai bên cần tiếp tục trao đổi nâng cao hiểu biết, đi đến thống nhất các giải pháp thực hiện các khuyến nghị và tăng cường giám sát thực thi.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng trao đổi nhiều nội dung cùng quan tâm như: đánh giá tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đối với thương mại Việt Nam - EU; Công ước số 87 năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức; duy trì cơ chế trao đổi, đối thoại cởi mở, hữu nghị mang tính xây dựng cao để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU.