Bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch COVID-19
4 nhóm quyền chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch
Tại Hội thảo, tập trung vào 4 nhóm quyền chính chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho biết, tuy dịch COVID-19 ảnh hưởng tới khả năng thụ hưởng các quyền con người cơ bản của người dân nói chung, nhưng nhóm quyền bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là quyền được sống và chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời của người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, COVID-19 đã cướp đi sinh mệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng chục triệu người. Dù đã có vaccine phòng COVID-19, nhưng trong bối cảnh chưa có thuốc hay phác đồ điều trị đặc hiệu dứt điểm, đại dịch tiếp tục là một thảm họa y tế cho các quốc gia và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Hội thảo đã tập trung thảo luận những vấn đề pháp lý quốc tế về bảo đảm quyền con người, kinh nghiệm của các nước và thực tiễn bảo đảm quyền con người trong bối cảnh đại dịch tại Việt Nam |
Đối với nhóm quyền tự do cá nhân (gồm quyền tự do di chuyển, quyền tự do hội họp), do yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, tùy theo pháp luật của từng quốc gia, chính phủ mỗi nước hoàn toàn có thể thực hiện việc cách ly người nhiễm bệnh và người có nguy cơ nhiễm bệnh trong khoảng thời gian cần thiết, theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Với nhóm quyền được tiếp cận thông tin, ông Nguyễn Hải Lưu cho biết, đây là khía cạnh mới trong vấn đề quyền con người mà chỉ thật sự trở nên hiện hữu trong bối cảnh COVID-19, khi nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam, gặp phải nhiều khó khăn trong công tác ngăn chặn sự lây lan của những nguồn tin sai lệch tới người dân nhằm nhiễu loạn công tác, thành quả trong phòng, chống dịch bệnh.
Thứ tư là tác động của đại dịch COVID-19 đến nhóm quyền của các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh mãn tính và bệnh nền (bệnh tim mạch, tiểu đường, thận...), trẻ em.
Hợp tác quốc tế bảo đảm quyền con người
Theo chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, đại dịch COVID-19 nói riêng chỉ đạt hiệu quả khi các quốc gia có cơ chế hợp tác hiệu quả thông qua việc áp dụng các biện pháp hạn chế phù hợp, hợp tác chuyển giao kinh nghiệm phòng chống dịch, điều trị bệnh, hợp tác hỗ trợ các quốc gia nghèo, đang phát triển chưa đủ nguồn lực để phòng chống dịch….
Ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) cho biết, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong tình hình mới đặt ra yêu cầu cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc tìm giải pháp để vừa ứng phó với những tác động sâu rộng của đại dịch, vừa bảo đảm các quyền con người cơ bản. Liên hợp quốc đã có một cơ chế riêng biệt về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Trong giai đoạn khi thế giới phải ứng phó với đại dịch COVID-19, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Nội dung liên quan đến đại dịch COVID-19 là trọng tâm thảo luận xuyên suốt trong các khóa họp của Hội đồng Nhân quyền, trong đó nhấn mạnh, cần đảm bảo tiếp cận y tế công bằng, bao gồm thuốc và vaccine, vaccine cần được xem là của công. Đồng thời, việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội vẫn là ưu tiên cao hơn lợi ích tư nhân.
Hội đồng Nhân quyền đã thông qua bằng đồng thuận nhiều nghị quyết về phòng chống COVID-19 và phân phối vaccine như Nghị quyết về tác động của COVID-19 đối với thanh niên (khóa 48), Nghị quyết kêu gọi phân phối công bằng vaccine (khóa 46), Nghị quyết về vai trò trung tâm của các quốc gia trong việc ứng phó với đại dịch và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe (khóa 44), Tuyên bố Chủ tịch về các tác động của COVID-19 đối với quyền con người (khóa 43 và khóa 47).
Các nghị quyết này khẳng định quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch và đề ra những biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác quốc tế, phân phối vaccine hiệu quả, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế đối với đại dịch có ảnh hưởng chưa từng có trong lịch sử.