Bán hết tài sản để khởi nghiệp, chàng trai này kiếm bộn tiền nhờ mốt cho con đi du học Mỹ của 25% người giàu Trung Quốc
Cách đây 10 năm, anh Brian Ong bán hết đồ đạc để đến Thượng Hải lập nghiệp. Do không học chuyên ngành công nghệ hay kỹ thuật và Ong không có nhiều lựa chọn cho công việc, nhưng chàng trai này hiểu rằng anh cần phải khởi nghiệp và Thượng Hải sẽ đem đến nhiều cơ hội cho bản thân.
Sau nhiều ý tưởng từ mảng tài chính đến bất động sản, Ong bắt đầu khởi nghiệp với nghề tư vấn du học sinh Trung Quốc vào Mỹ.
Đây vốn là một thị trường khó khăn với hàng loạt bê bối liên quan đến lừa đảo, thi hộ nhưng Ong đảm bảo rằng mình có thể cung cấp một dịch vụ du học chất lượng cao, trung thực cho các học sinh. Sự thay đổi phức tạp về quy trình tuyển sinh của các trường đại học nước ngoài không hề xa lạ với Ong khi anh học dự bị đại học tại trường đại học Yale- Mỹ và tốt nghiệp đại học tại Stanford. Ong cũng đã từng giúp 2 người bạn Trung Quốc của mình được nhận vào trường đại học Harvard lẫn Columbia khi chưa khởi nghiệp.
Hiện nay Ong đã 33 tuổi và là chủ doanh nghiệp tư vấn du học Bangdai với 48 nhân viên tại 3 văn phòng ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Thẩm Quyến. Trong bối cảnh thu nhập của người Trung Quốc ngày càng cao, nhiều cha mẹ muốn đưa con đi du học, rất nhiều người Trung Quốc biết đến Ong khi anh có hơn 15.000 người theo dõi trên Weibo.
Nhờ nhu cầu du học cao mà công ty của Ong có thể thu phí tới 12.000-60.000 USD cho mỗi học sinh được tư vấn vào các trường tốt nhất của Mỹ. Bình quân mỗi năm công ty của Ong tư vấn thành công được khoảng 160 sinh viên.
"Khoảng 25% số người giàu Trung Quốc trong danh sách xếp hạng của các anh đưa con đến Mỹ để du học", anh Ong nói với tờ Forbes về bảng xếp hạng 400 người giàu nhất Trung Quốc.
Nhờ kinh doanh tốt mà mức lương bình quân cho chuyên gia của Bangdai cũng như nhiều công ty tư vấn du học khác lên tới 1500-4500 USD/tháng, cao hơn cả mức lương trung bình hàng tháng của Thượng Hải, một trong những thành phố có mức lương cao nhất cả nước, là 1.050 USD.
Bangdai là một trong những ví dụ điển hình của mảng tư vấn du học tại Trung Quốc đang kinh doanh khá tốt với mức lương hậu đãi cho nhân viên. Phần lớn xu thế các học sinh nhà giàu Trung Quốc theo học những môn xã hội hơn là khoa học bởi định hướng nghề nghiệp của tầng lớp này khác so với những sinh viên nghèo theo học để xây dựng sự nghiệp.
Tuy vậy, tư vấn du học cho giới nhà giàu chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng doanh thu 4,5 tỷ USD của toàn ngành năm 2013, cho thấy tiềm năng cực lớn của thị trường này. Thậm chí nhiều công ty đã tư vấn cho hơn 2.000 sinh viên Trung Quốc du học mỗi năm với mức phí bình quân lên tới 12.000 USD.
Tuy vậy, mức phí cao khiến nhiều công ty tư vấn vấp phải sự chỉ trích nặng nề do không đảm bảo được chất lượng dịch vụ như cam kết. Năm 2016, Reuters cáo buộc 3 công ty tư vấn du học lớn nhất của Trung Quốc đã làm giả các bài luận và thư giới thiệu cho học sinh để được nhận vào các trường đại học danh giá. Những hãng này cũng cung cấp các chuyến du lịch miễn phí đến Trung Quốc cho các quan chức ngành giáo dục Mỹ để rồi quảng cáo với các phụ huynh rằng con họ gần như chắc chắn sẽ được nhận.
Thông thường, các học sinh sẽ làm việc với chuyên viên tư vấn. Những người này sẽ đóng góp các ý tưởng để sinh viên tự làm bài luận cũng như thư giới thiệu gửi đến các trường họ muốn du học. Tuy nhiên nhiều công ty tư vấn chấp nhận lấy tiền của phụ huynh để lo hết từ A đến Z, trong khi nhiều chuyên viên không có kinh nghiệm hướng dẫn các học sinh nên làm thế nào cho đúng cách.
Khi nhà giàu Trung Quốc "du học"
Thông thường, các du học sinh không chỉ thay đổi cách học mà cả cách tiếp thu kiến thức, lối suy nghĩ, lối sống… khi tiếp xúc với những môi trường giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Trước đây nhiều du học sinh Trung Quốc theo học những ngành khoa học nhằm tìm kiếm một công việc ổn định cho tương lai, thậm chí có thể ở lại nước ngoài làm việc. Loại hộ chiếu H1-B của Mỹ hướng đến những đối tượng tiềm năng như vậy.
Tuy nhiên ngày nay, khi giới nhà giàu Trung Quốc đi học, họ chọn những ngành dễ thở như lịch sử, văn học, triết học… bất chấp chúng chẳng có mấy cơ hội sự nghiệp sau này. Tất cả những gì họ cần là một cái bằng và đã có gia đình lo. Khảo sát của tổ chức New Oriental và chuyên gia nghiên cứu Millward Brown cho thấy 61% học sinh Trung Quốc muốn du học để mở mang đầu óc hơn là tìm kiếm cơ hội việc làm, khoảng 56% cho biết họ sẽ chọn ngành mình thích hơn là dựa trên cơ hội thăng tiến sau này.
Số liệu của Forbes cho thấy mức học phí bình quân 4 năm đại học của 30 trường tốt nhất tại Mỹ là 261.000 USD. Nếu thu nhập của một hộ gia đình đạt 31.000 USD/năm và trừ đi các khoản chi phí, tiết kiệm, họ sẽ phải để dành bình quân 17 năm mới đủ tiền cho con của mình theo học tại các trưởng danh giá hàng đầu tại Mỹ.
Báo cáo của Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy 91,5% số du học sinh nước này trả tiền hết 1 lần cho toàn bộ khóa học tại Mỹ, cho thấy sự giàu có của những sinh viên Trung Quốc trên đất Mỹ.
Đồng quan điểm, khảo sát của Euromonitor cho thấy trong khi thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 63% trong 5 năm tính đến năm 2014 thì chi tiêu cho giáo dục cùng kỳ tăng tới 94%. Bộ giáo dục Trung Quốc cũng cho biết lượng du học sinh Trung Quốc theo học các trường dự bị đại học ở nước ngoài đã tăng 250% trong vòng 10 năm qua.
Điều trớ trêu là khi căng thằng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng và hộ chiếu H1-B ngày càng khó kiếm, rất nhiều du học sinh Trung Quốc đã trở về nước. Năm 2016, khoảng 410.000 du học sinh đã về nước, tương đương 78% tổng số du học sinh tại nước ngoài đi du học cùng năm của Trung Quốc, cao hơn rất nhiều tỷ lệ 32% cách đây 10 năm.
AB-Tổng hợp