Bài viết ám ảnh sau vụ ô tô BMW tông hàng loạt xe máy ở Hàng Xanh: "Cô gái nằm dưới bánh xe không trở về nhà nữa"
Đêm 21/10, tại ngã tư Hàng Xanh đã xảy ra một vụ tai nạn kinh hoàng giữa chiếc BMW với hàng loạt phương tiện khác đang dừng đèn đỏ. Người phụ nữ gây ra tai nạn sinh năm 1972 và lái xe trong tình trạng say xỉn. Dân mạng vô cùng bàng hoàng sau khi đọc được thông tin trên. Họ cũng chia sẻ bài viết của tác giả Khải Đơn về những chuyến đi ngay sau cuộc nhậu. Bài viết có tên "Cái chết của người khác" với nội dung:
"Thầy giáo của tôi có thói quen, mỗi lần tôi và ông đi uống, ông sẽ đến bằng xe ôm và về nhà bằng taxi. Ông nói không muốn vợ con phải liên đới vì thú vui của mình.
Liên đới, với thầy, có nghĩa vợ lo lắng không ngủ được khi nghĩ ông đang chạy xe máy trong cơn say về nhà. Liên đới có nghĩa là con thầy sẽ có tương lai bấp bênh nếu ông gây tai nạn cho ai đó khi lái xe về nhà. Liên đới - có nghĩa là tổn thương nhiều người khác ngoài sự kiểm soát của cơn say.
Một lần khi tôi còn rất bé, cha chạy xe máy về nhà muộn và đã xỉn, mẹ nói: "Nếu anh lái xe về nhà trong cơn say lần nữa, em sẽ không mở cửa".
Đó là tối hậu thư. Và cha hiểu không được quyền làm như vậy sau khi đã say mèm. Tôi lớn lên và thường để ý, rất nhiều người, cả nam lẫn nữ, sẵn sàng leo lên xe máy, xe hơi chạy về nhà sau khi đã nhậu bốn năm tiếng đồng hồ chén chú chén anh với nhau.
Người đàn bà ngồi trong chiếc xe hơi tối qua tông 5 xe máy, làm chết 1 người ngay dưới bánh xe và những người vô tội khác đang dừng đèn đỏ.
Bà đơn giản là đã xỉn, với nồng độ cồn 0,94 miligam/1 lít khí thở. Đó là con số rất xa so với mức quy định. Bà chưa kịp bị thổi phạt đã kịp gây ra cái chết cho người khác.
Người phụ nữ gây tai nạn trong vụ ô tô BMW tông hàng loạt xe máy.
Cô gái nằm dưới bánh xe không trở về nhà được nữa. Những chủ nhân xe máy đã vào bệnh viện - họ dừng đèn đỏ, chờ đến lượt mình để di chuyển tiếp.
Họ trở thành nạn nhân của một người đã vui vẻ quá nhiều sau cuộc nhậu, và bất chấp sinh mạng của người khác khi trèo vào xe, nhấn ga trên đường phố Sài Gòn luôn đông đúc bất kể giờ nào.
Tôi không biết những người đã nhậu cùng bà đêm qua sẽ nghĩ gì. Tôi cũng không hiểu động cơ gì khiến bà - có đủ điều kiện để vứt xe lại bãi của quán nhậu và đón một chuyến taxi chừng trăm ngàn để trở về nhà lại không làm thế.
Bà có nghĩ về những gì sẽ xảy đến nếu bà đạp nhầm chân ga? Hay đơn giản là buồn ngủ quá thả vô-lăng ra?
Có lẽ những người đã đi nhậu và quá vui không còn đủ năng lực của lòng tự trọng để nghĩ về điều đó.
Nhiều người trong xã hội coi trọng những cuộc nhậu, tôi biết điều đó vì bản thân là người uống. Nhưng họ còn coi trọng một thứ khác hơn, đó là "ngầu".
Họ dũng cảm leo lên xe, và vít ga lao đi dù đã bia rượu đầy người trong tiếng vỗ tay tán thưởng của chúng bạn, hay trong cuộc bàn luận khen tay lái lụa lắm, ngầu cả khi xỉn rồi.
Tôi thường nói với những cô bé mình quen: "Em không bao giờ nên yêu một chàng trai đã xỉn ngắc ngư và đòi chở em về".
Bởi đó là người đàn ông không đáng tin cậy, kẻ không thể bảo vệ được sự sống còn của chính bản thân và người bạn ngồi sau lưng họ. Kẻ đó không bao giờ xứng đáng với cuộc hẹn hò yêu đương hay tình cảm của em.
Đó là thể loại người không chút lòng tự trọng, là người không nghĩ về sinh mạng của người khác. Những cái chết ngoài họ, sự sống khổ sở sau bánh xe họ tông vào, thứ đó, với người say xỉn lái xe, là thế giới không liên đới mà họ vì quá tàn nhẫn không thể nhận ra.
Họ chỉ xỉn. Và làm người khác tan vỡ cuộc sống".
Hiện trường vụ tai nạn.
Bài viết của tác giả Khải Đơn nhận được hàng nghìn lượt bấm yêu thích để thể hiện sự động tình và hàng nghìn chia sẻ chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ đăng tải. Nhiều người bày tỏ nỗi sợ hãi, ám ảnh và sự quan ngại sâu sắc khi thấy một người mặt đỏ gay đứng dậy từ bàn nhậu và ra lái xe đi.
"Thằng cháu tôi, 37 tuổi, rất thích vui vẻ cùng bạn bè trong các cuộc rượu. Hôm qua, nhà tôi có việc, cháu đến dự, ngồi vào mâm, rất nhiều người biết nó tửu lượng cao, tới mời rượu, nó đều từ chối, bảo: "hôm nay em/cháu lái xe, chở hai anh".
Có người hỏi: "CSGT Nghệ An rắn thế cơ à?" Nó bảo: "em/cháu không sợ CSGT, nhưng chắc chắn cháu sẽ không ngửi rượu chứ đừng nói uống một giọt khi sẽ lái xe, cháu không muốn bất cứ ai phải liên đới".
Vâng, nó dùng từ "liên đới". Tôi mừng cho cháu, mừng cho vợ con nó, mừng cho người anh có đứa con biết sống có trách nhiệm", facebook Phi Hoài Đỗ bình luận.
"Tôi là một người vợ và cũng là một người mẹ của đứa con gái mới chưa đầy 2 tuổi. Có lẽ ở đây sẽ có rất nhiều người phụ nữ từng trải qua cái cảm giác kinh khủng, khi chồng mình bị ép uống, chuốc tới say ngất ngưởng trên bàn rượu rồi nhất định đòi tự lái xe đưa vợ con về. Khuyên thế nào anh cũng không gửi xe để cả nhà đi taxi về, còn đám bạn rượu của anh lúc đó, đều hùa nhau nói rằng: "Mới có mấy chén đã say gì, về tốt". Vâng, các anh có biết đã bao lần tôi vừa ngồi vừa thầm cầu nguyện không? Các anh có biết đã bao lần chồng tôi phóng về một mình trong đêm rồi ngã xe, thậm chí tự đâm vào cột điện rồi ngã gãy chân không? Lúc chồng tôi nằm trên giường bệnh thì các anh ở đâu? Cái cảm giác thấp thỏm ở nhà chờ chồng về trong cơn say thật là cực tệ" - một người dùng mạng xã hội chia sẻ.
"Tôi là người không uống được rượu bia, thế nhưng nhiều khi cứ bị ép hay bị khích bác. Nể quá cũng đành nhắm mắt uống vài chén, mặt mày đỏ tía tai. Thấy đầu óc choáng váng là tính kế gửi xe rồi nhờ người đèo về, hoặc gọi taxi về ngay để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, đỡ ảnh hưởng tới gia đình, vợ con" - một chia sẻ nhận được nhiều lượt đồng tình của facebooker.
Việt Hà