Bài 4: Nguyễn Văn Trương - Danh tướng thủy chiến của nhóm “Gia Định ngũ hổ tướng”
Quê quán của tướng Nguyễn Văn Trương, xem trong “Đại Nam nhất thống chí”, ông là người huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam. Huyện ấy nay thuộc về địa phận huyện Thăng Bình của Quảng Nam.
Nằm trong danh sách “Gia Định ngũ hổ tướng”, ông được người đời nhớ tới với tài năng về thủy chiến.
Trưởng thành từ phận chăn trâu
Xuất thân nghèo khó, nhưng Nguyễn Văn Trương dần vươn lên trở thành một danh tướng tài giỏi của chúa Nguyễn, góp công dựng nghiệp đế của nhà Nguyễn. Đó là cả một quá trình “vượt khó” không ngừng của vị danh tướng đất Quảng.
Về nguồn gốc, xem nơi “Đại Nam liệt truyện” có riêng phần truyện ghi về tiểu sử, công nghiệp của ông. Qua đó, ta được hay rằng Nguyễn Văn Trương sinh ra trong gia đình vốn bần hàn, khi nhỏ đã phải đi chăn trâu cho người. Nhưng lại qua đó, chính là bước đệm đầu tiên để sau Trương trở thành một tướng tài, bởi chính những tháng ngày chăn trâu thuê kiếm sống ấy Trương đã “từng cùng đàn trẻ chăn trâu chơi đùa chia đội ngũ, bày trận đồ, tự xưng là đại tướng, ra hiệu lệnh cho đàn trẻ đánh, đấm làm vui”. Trò vui con trẻ đã rèn luyện trận đồ ngay từ nhỏ một cách tự nhiên cho Nguyễn Văn Trương vậy khiến ta liên tưởng đến thuở xưa, vua Đinh Tiên Hoàng cũng từng cùng chúng bạn chăn trâu lấy cờ lau làm cờ đánh trận giả mà sau làm nên nghiệp đế, lập hẳn triều đại nhà Đinh.
Một tạo hình Nguyễn Văn Trương gắn với thủy quân nhà Nguyễn
Thân làm tướng, nhưng Nguyễn Văn Trương lại có tiếng là người nhân nghĩa, thế nên “Đại Nam liệt truyện” mới có lời khen “tính nhân hậu, không muốn giết người”. Riêng vua Gia Long thì có lời ban tặng “làm tướng có lòng nhân như Trương là ít lắm”. Lòng nhân ấy được chính sách này dẫn chứng khi Trương còn làm tướng cho Tây Sơn, lúc quân chúa Nguyễn bị thua phải chạy qua sông thoát thân, bị quân Tây Sơn xúm lại đâm. Nguyễn Văn Trương thấy thế, mới bảo “Nhân lúc nguy của người mà đâm, không phải là mạnh”, nhờ đó mà quân Tây Sơn mới dừng tay. Ta nên nhớ rằng, nơi chiến trường giao tranh chỉ có bên sống bên chết, người thắng kẻ bại, thì sự khốc liệt về sinh mạng con người ấy mấy ai màng chi đến chuyện nhân đạo với kẻ thù. Nhưng ở Nguyễn Văn Trương, ông lại có lương tính ấy, không vì thắng mà đuổi cùng giết tận kẻ bên kia chiến tuyến. Cũng bởi thế, mà ông lưu được tiếng tốt ở đời không chỉ về tài năng trận mạc.
Không chỉ giỏi thủy chiến, không chỉ có lòng nhân, vị tướng họ Nguyễn theo “Đại Nam liệt truyện” cho biết còn là người “biết giữ pháp độ cẩn thận, không đem công nghiệp tự khoe, cho nên tuy xuất thân là hàng tướng mà trước sau được vua yêu mến, ít người theo kịp”. Vốn là kẻ tài giỏi, có công to với vương triều, lại là kẻ võ biền, nhưng tướng họ Nguyễn lại có cái đức tốt của kẻ làm quan với dân, của kẻ làm tôi với vua, đáng quý lắm thay.
Theo về chúa Nguyễn
Thời Nguyễn Văn Trương sống, đất nước loạn lạc, Đàng Ngoài thì thế lực vua Lê – chúa Trịnh ngày một yếu, mà đất Đàng Trong thì thế lực chúa Nguyễn đã tàn kiệt, nhà Tây Sơn nổi dậy đến mức làm cho chúa Nguyễn phải bôn ba. Tham gia vào vận nước, ban đầu Trương theo nhà Tây Sơn, làm chức Chưởng cơ. Ấy rồi về sau viên tướng này lại theo về với Nguyễn Ánh, hẳn bởi lý do được “Liệt truyện” đề cập tới dưới đây.
Nhằm trận giao tranh giữa Tây Sơn và quân chúa Nguyễn ở đất Long Xuyên, trận ấy Nguyễn Văn Trương tham dự. Quân chúa Nguyễn bị thất trận, Nguyễn Ánh phải chạy đến Trà Sơn, “Trương đem quân đuổi theo, gần kịp, bỗng thấy cây to trong rừng không có gió mà tự nhổ lên, đường bị lấp, Trương lấy làm lạ, biết là có mệnh trời, mới dẫn quân đi, từ đấy quyết chí theo về”.
Về phần chúa Nguyễn Ánh, sau dạo cùng quân Xiêm thua Tây Sơn ở Rạch Gầm – Xoài Mút, chúa Nguyễn Ánh phải sang Xiêm tị nạn và hồi phục lực lượng. Đến năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Ánh về Hà Tiên rồi đóng nơi đất Long Xuyên. Lúc này, như ghi chép trong “Việt Nam sử lược”, Nguyễn Văn Trương đã đem theo 300 quân, 15 chiếc thuyền theo về với chúa Nguyễn.
Từ đây, ông góp công lớn vào công cuộc tạo lập vương triều mới của Nguyễn Ánh Gia Long, trước nhất là trong chiến cuộc với nhà Tây Sơn, mà như “Gia Định xưa và nay” có ghi lại vị trí của ông “Đảm nhận trọng trách điều khiển đoàn quân Tiền phong Thủy quân lục chiến, ông tỏ ra xứng đáng với lòng tin tưởng của Nguyễn Vương”.
Dùng thủy binh tài tình
Nói về tài dùng thủy binh khi đối chiến của Nguyễn Văn Trương, “Đại Nam liệt truyện” có ghi “Trương – tài về thủy chiến, đến đâu là giặc phải chạy ngay, từng bảo nhau rằng: Bộ chiến thì tiên phong chậm, thủy chiến thì trung quân hăng hái, là nói Nguyễn Văn Thành mưu trí nhưng chậm, Trương hăng hái mà nhanh”. Cái tài thủy chiến ấy của viên tướng họ Nguyễn, được thể hiện rành rành qua những trận giao tranh ác liệt giữa thủy binh chúa Nguyễn với quân Tây Sơn mà ở đây, thiết nghĩ cần dẫn qua vài trận để thấy được cái tài thủy chiến của ông.
Dạo quân chúa Nguyễn đánh Qui Nhơn lần thứ nhất, tài năng của Nguyễn Văn Trương thể hiện rõ. Tháng 3 năm Nhâm Tý (1792) ông cùng Nguyễn Văn Thành, Dayot, Vannier (Nguyễn Văn Chấn) giong chiến thuyền từ cửa Cần Giờ ra cửa Thị Nại đốt phá thủy trại của quân Tây Sơn rồi rút về. Tiếp sang tháng 3 năm Quý Sửu (1793), bộ binh dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Hội, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành tiến đánh Phan Rí. Thủy binh thì do chúa Nguyễn cùng Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh đánh mặt biển. Nếu như bộ binh chỉ lấy được phủ Bình Thuận, thì thủy binh đánh đâu thắng đấy. Lại như năm Ất Mão (1795) Diên Khánh bị bao vậy, chúa Nguyễn đem thủy binh giải nguy, Trương quản lĩnh quân ba doanh trung, tiền, hậu thủy giải vây được cho thành Diên Khánh…
Đa Sách thuyền được khắc trên Cửu đỉnh Huế
Chiến công hiển hách được xem là để đời và ghi dấu ấn của Nguyễn Văn Trương hẳn là đầu năm Tân Dậu (1801) khi quân chúa Nguyễn đánh Thị Nại. Sự kiện ấy được ghi chép đủ đầy trong sử nhà Nguyễn như “Đại Nam thực lục”, “Liệt truyện”… Sách sử hoặc những sách liên quan đến ông đa phần đều có ghi lại. Theo đó năm ấy đại binh chúa Nguyễn đánh Thị Nại, Nguyễn Văn Trương biết được khẩu hiệu của quân Tây Sơn nên nhằm canh ba cho thuyền nhỏ lẻn vào Tiêu Ki, vượt qua thuyền lớn của Tây Sơn rồi chém được đô đốc Trà, đốt thuyền Tây Sơn. Sau Lê Văn Duyệt đem quân tiếp ứng làm cho quân đối phương tan vỡ… Khi quân chúa Nguyễn trên đà thắng Tây Sơn kéo ra Bắc Hà năm Nhâm Tuất (1802), “Việt Nam sử lược” cho hay Nguyễn Văn Trương là người lĩnh thủy binh, còn Lê Văn Duyệt cùng Lê Chất lĩnh bộ binh Bắc tiến.
Diệt được thế lực nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, lập nên nhà Nguyễn, Nguyễn Văn Trương lại tiếp tục góp sức trong buổi ban sơ triều đại. Nhưng một năm sau, ông xin trí sĩ, vua không thuận cho, hẳn vẫn thấy được sự đóng góp của họ Nguyễn với vương triều. Có lúc, ông được vua giao quyền lĩnh Bắc thành khi Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đi kinh lược các trấn. Nơi sách “Gia Định xưa và nay” chép ông làm Tổng trấn Gia Định thành năm Ất Sửu (1805) thay Nguyễn Văn Nhơn trong hai năm. Dẫu quyền cao chức trọng là thế, nhưng như “Liệt truyện” cho hay, ông tỏ ra là người giữ lễ nên mới có lời tỏ bày với vua “thần lạm được giao phó cho một trấn, cho được tùy tiện làm việc, nhưng nghĩ sinh sát là quyền quan trọng không dám tự làm một mình, xin phàm việc án hơi quan trọng, châm chước nghĩ xét, tâu lên đợi chỉ thi hành”. Rõ là ông tỏ ra là vị quan đức độ khi chăm dân, vì thế mà vua thuận cho theo lời tâu.
Năm Canh Ngọ (1810), vị danh tướng xông pha trận mạc thuở xưa tạ thế. Ghi nhận công lao với triều đại của ông, “Đại Nam nhất thống chí” phần Quảng Nam tỉnh, mục Nhân vật cho biết, ông được truy tặng chức Thái bảo, thờ trong Thế miếu./.
Trần Đình Ba
Mời bạn đón đọc bài cuối: Nguyễn Văn Nhơn hai lần lĩnh ấn Tổng trấn