Bài 2: "Hổ tướng" Trương Tấn Bửu tận lực vì chúa
Về quê quán, gốc gác của họ Trương, trong “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945)” cho hay rằng, ông là con thứ ba trong gia đình có bảy người con của ông Trương Tấn Khương và bà Trần Thị Nghĩa, sinh quán nơi đất làng Hưng Lễ thuộc tỉnh Bến Tre nay.
Con người của dũng tướng họ Trương, được “Đại Nam liệt truyện” miêu tả là “tính trầm tĩnh có dũng lược”… “tính trọng hậu, đơn giản, trầm tĩnh, từng đi theo đánh dẹp, có nhiều công lao. Là người phong độ sáng suốt, người biết đều tôn kính”.
Chúa tôi gặp gỡ
Duyên gặp gỡ chúa tôi giữa Nguyễn Ánh và Trương Tấn Bửu, được “Thành ngữ điển tích từ điển” cho là khi chúa Nguyễn “chạy giặc ngang đó, xin tá túc nhà cha người một đêm, mà sáng ra rõ được, xin theo hầu hạ. Rồi nay đây mai đó không rời chúa, cho tới chừng chúa gây dựng được cơ đồ”.
“Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945)” khi nói về cuộc gặp gỡ này, cho biết là nhằm tháng 10 năm Đinh Mùi (1787), “Nguyễn Ánh cùng hai người tùy tùng chạy lạc vào nhà ông Khương rồi ông Khương mới ra ở ngoài chòi ruộng”. Chòi ruộng ấy, vẫn sách này cho biết rằng nhà của ông Khương ở gần rạch Cái Mít (còn gọi là rạch Ba La) đi Cái Da, nhưng chòi ruộng thì cách xa nhà hàng cây số. Đó là nơi chúa Nguyễn Ánh ẩn náu. Khi họ Trương ra phò giúp chúa, lúc đó đã được 36 tuổi, có tiếng là người giỏi võ, lại có sức mạnh mà như “Kiến Hòa xưa” viết, ông dám đương đầu với cả cọp. Buổi ban đầu, ông tới lui khắp vùng, khuyến dụ dân làng phò vua giúp nước.
Lăng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh
Riêng với chúa Nguyễn Ánh, trong cuộc chiến với Tây Sơn nhiều phen phải bôn ba khắp nơi, chịu nhiều gian lao khổ cực, Trương Tấn Bửu đem hết sức hãn mã mà tận lực với chúa. Xem nơi bài “Bên bóng người xưa”, báo Mai số Xuân năm 1937 có thể chứng thực điều đó.
Khi Nguyễn Ánh qua sông, Trương Tấn Bửu đưa lưng, lội đứng cõng chúa qua sông. Khi Nguyễn Ánh đói lòng, Bửu ngồi trong rừng, đầu đội nón thúng cho bếp lửa ở trên để nồi cơm mau chín. Khi Nguyễn Ánh bị muỗi đốt, Bửu thắp đuốc ngồi bên cạnh đưa lưng ra cho muỗi cắn mình mà không nhúc nhích vì lưng ông đã trét bùn. Hết mình vì chúa như thế, kẻ tôi thần mấy ai bì kịp ông.
Ra công tập lập vương triều
Trong quãng đời chiến trận giao tranh với Tây Sơn nhiều phen để cùng chúa khôi phục lại vương nghiệp dòng họ, theo “Kiến Hòa xưa” ghi lại thì Trương Tấn Bửu lần lượt kinh qua những chức vụ như Khâm sai đối chiếu Cai cơ, Hậu quân Hậu chi Chánh trưởng chi, Tiền quân Phó tướng,… Chiến công ông lập nên ghi dấu ở Bình Định, Hội An.
Xem trong “Việt Nam sử lược”, ông từng cùng quân tướng nhà Nguyễn đối chiến với quân Tây Sơn với các dũng tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng lúc ấy vây thành Quy Nhơn, quân chúa Nguyễn do Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chỉ huy đóng giữ. Chúa Nguyễn biết tin, liền gửi đại binh ứng cứu. Lực lượng viện binh do Nguyễn Văn Thành chỉ huy, có sự tham gia của Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tấn Bửu. Tiếc là quân thủy bộ không hiệp đồng được với nhau nên việc cứu viện không thành.
Nơi “Liệt truyện” cho biết, khi vương triều được tạo lập năm Nhâm Tuất (1802), quan họ Trương được sung vào đoàn sứ bộ đợi mệnh giao thiệp với nước người; rồi cầm quân dẹp giặc biển, tiễu phỉ; trông coi việc làm Thái miếu… Không chỉ thế, nhiều trọng trách, chức vụ cao ông cũng trải qua cho thấy sự tin tưởng của vua Nguyễn với ông. Khi Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Nhân đi tuần biên giới, ông được vua giao thụ lý Tổng trấn ấn vụ, sau làm Phó Tổng trấn Gia Định thành năm Nhâm Thân (1812) dưới quyền Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Khi Tổng trấn họ Lê ra Huế, ông được giao thụ lý Tổng trấn ấn vụ.
Nhà thờ Trương Tấn Bửu ở làng Hiệp Hưng, Bến Tre xưa
Sang thời Minh Mạng, ông một lần nữa được vua mới giao làm Phó Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai vào năm Tân Tỵ (1821). Tin tưởng vào lòng trung thành cũng như khả năng của vị công thần, vua Minh Mạng lúc từ biệt, đã dặn dò: “Khanh là bậc lão thành, làm việc lâu năm, trẫm biết là không đến nỗi không giữ pháp luật như Hoàng Công Lý, nhưng quan trường hiền hòa thì con em người nhà dễ sinh nhờn lòng, nếu có làm việc trái phép, tội đổ cho gia trưởng cả, người phải lưu ý ngăn cấm”. Chức vụ Phó Tổng trấn ông lĩnh lần thứ hai tại Gia Định thành, là sau vụ án Hoàng Công Lý tham ô, lộng quyền, vua tin tưởng vào khả năng của ông góp phần trấn trị nơi vùng đất phía Nam Tổ quốc mà giao chức.
Ở miệt đất phía Nam này, vị Phó Tổng trấn không chỉ từng thêm lần nữa quyền lĩnh Tổng trấn ấn vụ khi Lê Văn Duyệt về kinh, ông còn để lại dấu ấn khi tham gia chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế góp phần không chỉ thông thủy, thuận lợi cho giao thông mà còn là một phòng tuyến bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới.
Sắc vua truy phong ông Trương Tấn Khương, thân phụ Trương Tấn Bửu
Cuối năm Ất Dậu (1825), vì tuổi cao sức yếu lại thêm có bệnh, ông xin vua cho cáo quan về hưu ở Gia Định. Lúc về hưu, vị tướng trận mạc một thời cảm tác mấy câu thơ:
Đã gần đến lúc thí thân cho đất,
Còn dám đâu đánh bạc với trời
Trên đầu tóc bạc phơi phơi,
Chuột chạy cùng sào còn trông chi nữa.
Trước mặt bủa đường mây thoát thoát,
Ngựa đi hết nước còn dám đâu mong...
Hai năm sau, Đinh Hợi (1827) tướng họ Trương giã biệt cõi trần ở tuổi 76, theo “Gia Định xưa”, vua Minh Mạng xót thương, ban 2.000 quan tiền, 5 cây gấm tốt để gia đình lo việc tang. Còn Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt thì trực tiếp lo cất táng cho người phụ tá một thời của mình.
Ngày nay, lăng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu còn tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Thời vua Tự Đức ở ngôi, Trương Tấn Bửu được thờ trong miếu Trung hưng công thần và đền Hiền Lương. Cha mẹ ông đều được vua có sắc phong truy tặng, còn cháu ông sau này đứng dưới cờ nghĩa Phan Tôn, Phan Liêm chống Pháp.
Tổng kết công nghiệp với vương triều của ông, sách “Thành ngữ điển tích từ điển” có đôi dòng: “Có công đánh Nam, dẹp Bắc, đào kinh, phụ trách Tổng trấn Gia Định, chẩn bần ở Bắc. Phò hai trào Gia Long và Minh Mạng, được phong Long Vân hầu”. Những việc ông làm được cho triều đại trong buổi tạo lập xét ra, vậy là đáng kể lắm.../.
Trần Đình Ba
Mời bạn đón đọc bài 3: Nguyễn Huỳnh Đức - Hổ tướng họ Huỳnh