e magazine
Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

06:35 | 16/07/2023

Không chỉ trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam, chiếc áo dài ngày nay còn là một hình ảnh đặc biệt trong ngoại giao văn hóa, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam và giúp Việt Nam gần hơn với thế giới.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu. Với tính mềm dẻo và linh hoạt, ngoại giao văn hóa đã phát huy vai trò tích cực của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ triển khai các mục tiêu đối ngoại của đất nước.

Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phục vụ phát triển đất nước; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong nhiều năm qua, hình ảnh chiếc Áo dài không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ Tết, các sự kiện mang tính chất riêng của quốc gia, dân tộc, mà còn hiện diện nhiều hơn ở các sự kiện quốc tế, sự kiện ngoại giao,... Và đặc biệt, không chỉ có các nữ lãnh đạo, các phu nhân của Việt Nam mặc Áo dài, mà Áo dài còn trở thành trang phục được lựa chọn của nhiều nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, phu nhân, nhà ngoại giao các nước mỗi khi đến Việt Nam.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Các nguyên thủ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 trong trang phục truyền thống của nước chủ nhà Việt Nam (Ảnh: APEC News)

Năm 2006, khi Việt Nam lần đầu tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã cùng mặc Áo dài truyền thống của Việt Nam trong bức ảnh chụp chung. Các phu nhân, nữ Đại sứ, nhà ngoại giao, người nước ngoài… khi đến Việt Nam cũng chọn mặc Áo dài như một cách để bày tỏ sự tôn trọng về văn hóa Việt Nam và tình hữu nghị, ngoại giao giữa các nước với Việt Nam.

Chiếc áo mang vẻ đẹp và biểu tượng của tình hữu nghị

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giớiPhu nhân Tổng thống Hàn Quốc Kim Keon Hee duyên dáng trong trang phục Áo dài Việt Nam (Ảnh: VP Tổng thống Hàn Quốc)

Bên lề chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, ngày 23/6, Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Phan Thị Thanh Tâm đã cùng Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Kim Keon Hee thưởng trà, xem trình diễn Áo dài và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Trong bộ Áo dài truyền thống Việt Nam do bà Phan Thị Thanh Tâm tặng, bà Kim Keon Hee đã cùng Phu nhân Chủ tịch nước chia sẻ niềm vui khi thưởng thức trà sen và đồ ăn nhẹ theo truyền thống Việt Nam.

"Tôi mặc chiếc Áo dài này như đang mang trên mình biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam" – đó là chia sẻ của Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc khi mặc Áo dài Việt Nam. Bà Kim Keon Hee cũng ca ngợi vẻ đẹp của chiếc Áo dài vì sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống và tính hiện đại.

Trong không gian ấm áp và gần gũi, nghe những bản hòa tấu nhạc dân tộc, hai phu nhân cùng nhau thưởng trà sen và xem trình diễn Áo dài. Các bộ sưu tập được trình diễn bao gồm: bộ sưu tập yếm Tứ thân "Ngày mùa"; bộ sưu tập Áo dài "Cổng làng"; bộ sưu tập Áo dài "Hành tinh phồn thịnh".

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Nguồn ảnh: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc

Có thể thấy, cùng với các cuộc gặp chính thức giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, hoạt động bên lề của các phu nhân đã góp phần làm nên thành công của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng của cả hai nước, hình ảnh hai Phu nhân trong trang phục Áo dài đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ công chúng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc gửi gắm thông điệp về mối quan hệ hợp tác, tình hữu nghị thân thiết giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Văn hóa giao thoa, hội tụ trên một chiếc Áo dài

Lễ trình Quốc thư luôn là một dịp quan trọng với tất cả các Đại sứ. Ngày 16/6/2021, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson đã trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Tại buổi lễ, Đại sứ New Zealand đã tạo cho mình điểm nhấn riêng khi mặc chiếc Áo dài với hoa văn đặc biệt ý nghĩa do các nhà thiết kế của Việt Nam và New Zealand thực hiện. Cùng với chiếc Áo dài, Đại sứ Tredene Dobson khoác tấm áo choàng truyền thống Korowai của tộc trưởng hoàng gia Maori.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson mặc Áo dài trong lễ trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 16/6/2021. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về chiếc Áo dài độc đáo này, Đại sứ Tredene Dobson bày tỏ niềm “tự hào khi được mặc một tác phẩm nghệ thuật, sự kết hợp giữa các nữ nghệ nhân của hai nước Việt Nam và New Zealand, trong một ngày trọng đại như vậy”.

Đại sứ Tredene Dobson cho biết, chủ đề tổng thể của chiếc Áo dài bà mặc trong buổi trình Quốc thư là “sự kết nối” và với bà, “chiếc Áo dài thể hiện sự tôn trọng sâu sắc của tôi đối với cả hai nền văn hóa”.

Theo đó, nhà thiết kế Quyên Nguyễn may chiếc Áo dài, còn nhà thiết kế trẻ RaeRae Hemara của New Zealand sáng tạo các họa tiết vẽ tay. Những hoa văn trên chiếc Áo dài của Đại sứ Tredene Dobson được thiết kế dựa trên sự giao thoa văn hóa, lịch sử của người Maori (người bản địa New Zealand) và văn hóa Việt Nam.

Nói về Áo dài Việt Nam, nữ Đại sứ cho rằng, Áo dài là một trong những trang phục mang tính biểu tượng dân tộc nhất trên thế giới hiện nay. “Tôi nghĩ điều này là do người Việt Nam rất tự hào về việc mặc Áo dài, và cũng bởi vì Áo dài không chỉ là trang phục mặc trong một buổi biểu diễn văn hóa hoặc trong ngày Quốc khánh. Mỗi ngày trên khắp Việt Nam (và cả trên thế giới), bạn có thể bắt gặp những người mặc Áo dài như một phần trang phục hàng ngày và nó được mặc với niềm hãnh diện, tự hào”, Đại sứ chia sẻ.

Đại sứ New Zealand cho biết, bà yêu thích Áo dài không chỉ vì vẻ đẹp mà còn vì tính thiết thực và sự thoải mái khi mặc, bất kể là ở độ tuổi nào. “Thực ra tôi thích nhìn những cô bé chạy nhảy và leo trèo trong tà áo dài ngắn. Và điều rất quan trọng đối với tôi - với tư cách là một người phụ nữ - tôi luôn cảm thấy thoải mái trong bộ quần áo mình mặc. Tôi thích mặc quần áo đẹp nhưng tôi cũng thích thoải mái và có thể di chuyển dễ dàng. Bạn có thể làm tất cả những điều đó với Áo dài”, Đại sứ Tredene Dobson nhấn mạnh.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Từ góc độ của một nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Đại sứ New Zealand cho rằng, Áo dài là một “tấm bưu thiếp đặc biệt”, một hình ảnh đại diện hoàn hảo cho những điều tuyệt vời về Việt Nam để giới thiệu với bạn bè các nước. Bà đã nghĩ đến việc sẽ mặc chiếc áo dài như thế nào trong buổi chia tay kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam. Và bà chắc chắn rằng sẽ “khoe” những bức ảnh mặc áo dài và kể câu chuyện về Áo dài Việt Nam với bạn bè, người thân khi về nước.

Mặc Áo dài để thể hiện sự tôn trọng văn hóa Việt Nam

Là một ngoại giao có cơ hội đi đến rất nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, bà Kate Bartlett - Quyền Tham tán Thông tin – Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi nhiều điều về 2 năm làm việc tại Việt Nam.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

“Tôi đã làm công tác ngoại giao được 10 năm và trước khi tới Việt Nam, tôi đã từng làm việc tại Indonesia, Colombia, Afghanistan, Moldova. … Khoảng thời gian 2 năm qua làm việc tại Việt Nam thực sự đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc thú vị. Cá nhân tôi cho rằng, mỗi nước đều có nét đẹp, đặc trưng riêng. Và tôi rất muốn được khám phá những nét đặc trưng của Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam”, bà Kate Bartlett chia sẻ.

Quyền Tham tán Thông tin – Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, nền văn hóa của một nước có thể nhìn từ hai khía cạnh, gồm những yếu tố thực thể và các khía cạnh phi vật thể. Theo bà, nét đặc trưng văn hóa của một đất nước không chỉ được cấu thành bởi những nét đẹp thực thể có thể nhìn thấy được như quần áo, đồ ăn, các điệu múa… mà còn được tạo bởi những khía cạnh phi vật thể, đó là cách mọi người giao tiếp, chăm sóc, đối xử thân thiện, cởi mở với nhau.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

“Là một nhà ngoại giao tôi không thể khám phá mọi khía cạnh về nền hóa Việt Nam. Song trong khoảng thời gian 2 năm tiếp theo làm việc ở Việt Nam, tôi háo hức tiếp tục khám phá các nét đẹp văn hóa độc đáo của Việt Nam”, bà Kate nói.

Để minh chứng cho mong muốn được “khám phá các nét đẹp văn hóa độc đáo của Việt Nam”, bà Kate Bartlett đã cùng các con mặc Áo dài và đi bộ ngắm cảnh tại Hồ Gươm. Bà cho biết, đây là một trong những trải nghiệm thú vị nhất khi ở Việt Nam. Bà chia sẻ: “Khi tôi có cơ hội đến một quốc gia nào đó thì điều quan trọng là tôi phải hiểu về truyền thống văn hóa địa phương. Tôi sẽ hỏi những nhân viên địa phương rằng, liệu tôi có thể mặc trang phục truyền thống của đất nước đó không bởi tôi muốn thực hiện điều đó với một sự tôn trọng. Nếu được sự cho phép thì tôi rất vui mừng khi thực hiện điều đó. Tại Việt Nam, tôi đã thấy rất nhiều người nước ngoài mặc trang phục Áo dài truyền thống của các bạn. Tôi rất hạnh phúc khi được mặc chiếc Áo dài vì trang phục này khiến tôi cảm thấy khác biệt, mềm mại, nữ tính, thướt tha uyển chuyển như một đóa hoa đung đưa theo gió, song cũng không kém phần mạnh mẽ”.

Có một điều thú vị mà bà Kate Bartlett thấy rằng, ở Việt Nam không chỉ nữ giới mà nam giới cũng mặc áo dài trong các dịp quan trọng. Cách đây không lâu, khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức một sự kiện gặp mặt những giảng viên Mỹ trong chương trình của Fullbright đến giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, một số giảng viên là việt kiều đã mặc áo dài…. Với bà, những giây phút đáng trân trọng ấy khiến bà cảm thấy tự hào là nhà ngoại giao sống và làm việc tại Việt Nam.

“Tôi rất hạnh phúc khi được mặc Áo dài và thấy rằng đây là một điều rất ý nghĩa. Tôi hy vọng có nhiều cơ hội được mặc Áo dài và sẽ có cơ hội được gặp nhiều nhà thiết kế Áo dài ở Việt Nam trong các show trình diễn sắp tới để được may thêm nhiều bộ Áo dài mới (cười)”.

Chia sẻ với chúng tôi, Quyền Tham tán Thông tin – Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho rằng, người nước ngoài khi tới việt Nam và tìm hiểu về Việt Nam đều trở thành một đại sứ và cầu nối về văn hóa. “Tôi đã từng thấy rất nhiều nhà ngoại giao và các nhân viên, phu nhân ngoại giao mặc Áo dài truyền thống của Việt Nam trong các sự kiện quan trọng khác nhau. Với tôi khi mặc Áo dài là chúng ta khoác lên tinh thần chia sẻ. Tôi nghĩ trong tương lai, Áo dài sẽ trở nên phổ biến trên thế giới với vai trò là cầu nối văn hóa”, bà nói.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Theo bà Kate Bartlett, Áo dài không chỉ là trang phục đơn thuần mà là biểu tượng của sự vĩ đại, vẻ đẹp của con người Việt Nam - ở đó có sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp từ thời xa xưa để lại. “Càng tìm hiểu về Áo dài, tôi càng thấy chiếc áo này có nhiều ý nghĩa, không chỉ về mặt văn hóa mà còn về giá trị tinh thần của con người Việt Nam”, bà nói.

"Chiếc cầu nối" hữu nghị giữa nhân dân các nước

Là người đã có 6 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chị Seki Riona (hiện làm công tác phụ trách truyền thông tại Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA Việt Nam) đã quen với cuộc sống và văn hóa của Việt Nam. Chia sẻ với chúng tôi, chị Seki cho biết, cuộc sống ở Việt Nam đã trở thành một phần đối với chị. Chị ấn tượng nhất việc người Việt thường thức dậy sớm để đi tập thể dục, nhiều người đi ra ngoài ăn sáng hay đi uống cà phê trước khi đi làm. Điều này giống như một cách thể hiện sự thích thú với thời gian trước khi bắt đầu công việc, như để tiếp thêm năng lượng cho một ngày làm việc vậy.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Vui vẻ nói về cuộc sống ở Việt Nam, chị Seki cho biết đã làm việc ở hai cơ quan tại Việt Nam và ở cả hai nơi đều có tỉ lệ nữ nhân viên cao. Điều mà chị nhận thấy là phụ nữ Việt Nam rất chăm chỉ, làm việc có trách nhiệm, trong thời gian đi làm rất nghiêm túc nhưng cũng rất vui vẻ. Bên cạnh đó, chị Seki thấy rằng, người Việt Nam luôn nghĩ về gia đình và luôn coi gia đình là số 1. “Tôi có một người bạn thân là người Việt từ lúc đi du học và gia đình bạn ấy cũng hay mời tôi đến nhà ăn cơm. Tôi chỉ là bạn của con gái nhưng gia đình bạn ấy luôn xem tôi như một thành viên trong gia đình. Khi tôi kết thúc du học ở Việt Nam, mẹ bạn ấy tặng tôi một chiếc Áo dài khiến tôi cảm thấy rất ấm áp và xúc động”, chị nói.

“Khoe” với chúng tôi về những bức ảnh chụp với Áo dài rất đẹp, chị Seki cho biết, chị đã được mặc Áo dài khi chụp ảnh kỷ yếu với các bạn cùng lớp ở Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Về sau này khi đi làm, chị Seki hay mặc Áo dài khi có sự kiện quan trọng của cơ quan. “Khi tôi bắt đầu làm việc tại JICA, các đồng nghiệp của tôi hay rủ nhau mặc áo dài nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, hay ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Bên Nhật không có ngày phụ nữ như vậy để mặc Kimono nên tôi rất vui vì ở Việt Nam có nhiều cơ hội để mặc Áo dài dân tộc của Việt Nam”.

Là một người nước ngoài nhưng lại có cơ hội được trải nghiệm với một trang phục mang tính truyền thống văn hóa của Việt Nam khiến chị Seki rất vui. Chị thấy Áo dài Việt Nam rất trang nhã và khi mặc lên, người phụ nữ cảm thấy mình đẹp hơn và trưởng thành hơn. “Khi mặc Áo dài, tôi cảm thấy tự tin là mình trở thành một cô gái xinh đẹp và mạnh mẽ như các cô gái Việt Nam”, chị Seki cho biết. Chính vì vậy mà chị Seki đã may tất cả 8 chiếc Áo dài với nhiều kiểu khác nhau (Áo dài ren, Áo dài lụa, Áo dài thêu tay,…). Không chỉ ở Việt Nam, thỉnh thoảng khi có cơ hội mặc Áo dài tại Nhật, chị thường giới thiệu và kể chuyện về Việt Nam với bạn bè. Bạn bè chị khen Áo dài Việt Nam đẹp và rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới

Sinh sống và học tập tại Việt Nam được 4 năm, anh Kim Gyuyeon – một du học sinh Hàn Quốc hiện đang là sinh viên năm 3, khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã chia sẻ với chúng tôi về những trải nghiệm văn hóa thú vị của mình.

Bài 2: Áo dài kết nối Việt Nam và thế giớiAnh Kim Gyuyeon - Sinh viên năm 3, khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Anh Kim Gyuyeon kể về kỉ niệm thú vị khi được tham dự một đám cưới tại Việt Nam. “Khi đó, chị của người bạn tôi cưới nên bạn ấy có mời tôi tới dự hôn lễ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được tham dự một đám cưới truyền thống ở Việt Nam. Nó thật sự rất đặc biệt và đến giờ tôi vẫn thường kể cho các bạn nghe về phong tục kết hôn của người Việt”, anh nói. Và trong đám cưới đó, anh thấy nhiều người mặc Áo dài trông rất đẹp, trong đó có cả nam giới. Anh Kim Gyuyeon cho biết, nếu có cơ hội, anh cũng muốn thử mặc Áo dài Việt Nam dành cho nam giới.

Trong quá trình học tập tại Việt Nam, anh Kim Gyuyeon thấy rằng, vào những ngày lễ hay ngày đặc biệt nào đó, các giáo viên, sinh viên thường mặc Áo dài – đó là một hình ảnh biểu tượng cho người Việt. Hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam thướt tha với tà Áo dài thực sự rất ấn tượng. Bên cạnh đó, khi đi dạo trên bờ Hồ Hoàn Kiếm, có thể dễ dàng bắt gặp những người nước ngoài mặc Áo dài Việt Nam để chụp ảnh kỉ niệm. Ngoài ra, nhiều người nước ngoài giống như anh, cũng thường mua một món quà lưu niệm (chẳng hạn như bức tượng điêu khắc – đúc hình cô gái Việt Nam trong tà Áo dài, đầu đội nón lá), như một kỉ niệm khó quên về Việt Nam.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/bai-2-ao-dai-ket-noi-viet-nam-va-the-gioi-641185.html

Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tin bài liên quan

Quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt tại Hong Kong và Macau (Trung Quốc)

Quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt tại Hong Kong và Macau (Trung Quốc)

Lễ hội giao lưu văn hóa châu Á ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Lễ hội văn hóa ẩm thực thường niên lần thứ 24 tại Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) đang đồng thời diễn ra và đều có sự tham gia của các gian hàng quảng bá văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Sinh viên Nhật Bản trầm trồ trước hương vị ẩm thực Huế

Sinh viên Nhật Bản trầm trồ trước hương vị ẩm thực Huế

Mới đây, đoàn sinh viên Trường Đại học Kyoto Seika (Nhật Bản) đã có dịp đến Huế và cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham gia workshop trải nghiệm văn hóa địa phương với chủ đề: “Kiến trúc chợ truyền thống trong bối cảnh hiện đại”.
Quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tại Mỹ

Quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tại Mỹ

Khách tham dự bày tỏ ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, mong muốn được khám phá các thắng cảnh nổi tiếng ở ba miền nước ta và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tin mới

Nhịp cầu ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản văn hóa

Nhịp cầu ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản văn hóa

Ngày 20/11, Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh tại Hà Nội đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Nhịp cầu ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản văn hóa” nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Gần 60 tay đua tranh tài tại Ngày hội đua vỏ lãi tỉnh Cà Mau mở rộng 2024

Gần 60 tay đua tranh tài tại Ngày hội đua vỏ lãi tỉnh Cà Mau mở rộng 2024

Ngày 21/11, tại Cụm Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày hội đua vỏ lãi tỉnh Cà Mau mở rộng năm 2024 gắn với hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Tin khác

Cà Mau: Kết nối giao thương, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương

Cà Mau: Kết nối giao thương, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương

Ngày 20//11, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, họp mặt doanh nghiệp du lịch kết hợp Talkshow chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch hiệu quả trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024.
Phú Thọ: Nghề dệt thổ cẩm của người Mường được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phú Thọ: Nghề dệt thổ cẩm của người Mường được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vừa qua, UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề thủ công truyền thống - nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài”, công nhận các điểm du lịch tại xã Xuân Sơn và khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao huyện năm 2024.
Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ

Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ

Chiều 19/11, TP Cần Thơ tổ chức họp báo công bố Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ năm 2024.
[Infographic] 10 tháng, Việt Nam đón hơn 14,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế

[Infographic] 10 tháng, Việt Nam đón hơn 14,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế

Tổng cục Thống kê mới công bố, trong 10 tháng năm 2024, có hơn 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 41,3% so cùng kỳ năm trước.
Phiên bản di động