Ba Lan mua Patriot Mỹ: Bỏ hơn 10 tỷ USD cho thứ không cần, vì sao Warsaw vẫn phấn khởi?
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa bật đèn xanh cho việc hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng đối với thoả thuận giữa Mỹ và Ba Lan về việc Mỹ cung cấp hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot cho Ba Lan.
Theo thoả thuận này, trong khuôn khổ lộ trình gồm 2 giai đoạn, Ba Lan bỏ ra 10,5 tỷ USD để mua về 4 hệ thống Patriot của Mỹ cùng với mọi thiết bị vận chuyển, vận hành và chỉ huy đi cùng cũng như mọi công việc về lắp đặt, huấn luyện và bảo hành.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho quốc hội Mỹ và đề nghị quốc hội chấp thuận. Mọi dấu hiệu ở Mỹ cho tới nay đều cho thấy việc quốc hội Mỹ phê chuẩn chỉ là vấn đề thời gian và chuyện hình thức.
Thực hiện thoả thuận này, Ba Lan sẽ trở thành thành viên thứ 5 trong NATO - sau Mỹ, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Hy Lạp - sở hữu loại vũ khí hiện đại này của Mỹ.
Để có thể đánh giá được đầy đủ ý nghĩa và tác động của thoả thuận này thì phải nhìn nhận nó ở cả ba phương diện: Nó là bằng chứng về mức độ quan hệ hợp tác rất thân thiết và tin cậy giữa Mỹ và Ba Lan, là một phi vụ kinh doanh lớn về buôn bán vũ khí đối với Mỹ và tăng chi tiêu ngân sách quân sự của Ba Lan.
Nó là chuyện tăng cường vũ trang riêng của một thành viên NATO nhưng lại liên quan đến lợi ích an ninh chiến lược của Nga hiện đang bị NATO coi là địch thủ, trong khi Nga với Ba Lan có mối quan hệ không được tốt đẹp.
Ba Lan là thành viên đầu tiên của NATO và quốc gia châu Âu đầu tiên mà tân tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tới thăm.
Ông Trump thúc ép các thành viên NATO phải tăng chi phí quân sự và quốc phòng, phải tự thân vận động nhiều hơn trước cho việc đảm bảo an ninh của mình thì giờ Ba Lan dùng thoả thuận này để chứng tỏ quyết tâm nhanh chóng tăng mức chi ngân sách quốc phòng lên 2,5% - còn cao hơn cả mức độ các thành viên NATO đã thoả thuận nhất trí với nhau và ông Trump thôi thúc.
Ông Trump đề cao phương châm cầm quyền "Nước Mỹ trước hết" và điều ấy ở thoả thuận này thể hiện là xuất khẩu vũ khí Mỹ, thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự và duy trì công ăn việc làm ở Mỹ.
Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ ở Ba Lan. Ảnh: Jakub Kaminski
Thỏa thuận "đắt xắt ra miếng"
Mỹ - Ba Lan "cùng hội cùng thuyền" ở ba khía cạnh trong thoả thuận nói trên.
Thứ nhất, Ba Lan chủ ý tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng của riêng mình và phía Mỹ cũng muốn như thế. Càng tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng, Ba Lan càng bớt lệ thuộc vào Mỹ về an ninh và nhờ đó càng tự tin, độc lập hơn trong quan hệ với Mỹ.
Thứ hai, những gì Mỹ bán cho Ba Lan theo thoả thuận này có khả năng tương thích với hệ thống thiết bị quân sự của Mỹ, tức là Ba Lan có thể dùng chúng để bổ sung cho Mỹ và Mỹ có thể dùng hệ thống thiết bị quân sự của mình để hậu thuẫn Ba Lan khi cần thiết ở châu Âu.
Thứ ba, cả hai đều có được một con chủ bài mới để đối phó Nga và đồng thời đề cao mình trong NATO. Cũng chính vì ba điều này mà Nga sẽ không bỏ qua và sẽ có đối sách thích ứng cũng như không phải thành viên nào trong NATO cũng hài lòng.
Đối với Ba Lan, đây là chuyện "đắt xắt ra miếng". Bỏ ra số tiền lớn nói trên thật ra không phải vì nước này có nhu cầu thật sự về bảo vệ an ninh.
Là thành viên NATO, Ba Lan đã có được cam kết của NATO và của Mỹ về bảo hộ an ninh cho mình. NATO và Ba Lan coi Nga là đối địch và mối đe doạ an ninh nhưng trên thực tế làm gì có chuyện Nga và NATO hay Nga và một số thành viên NATO để xảy ra chiến tranh trực diện với nhau. Mấy hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không ấy làm sao đủ để giúp Ba Lan trở thành đối thủ ngang tầm về quân sự của Nga.
Mục đích chính của Ba Lan là tranh thủ và ràng buộc Mỹ vào mối quan hệ song phương, dùng Mỹ để nâng vị thế của mình trong NATO và EU, để khi cần có thể làm mình làm mẩy trong EU và NATO.
Ngoài lợi ích thiết thực về kinh tế và thương mại, Mỹ dùng việc tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng như thế để đề cao Ba Lan, dùng Ba Lan để phân hoá nội bộ EU và NATO trong chuyện đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới của Mỹ về quan hệ kinh tế, thương mại cũng như về tăng ngân sách quốc phòng và sử dụng NATO phục vụ cho lợi ích của Mỹ ở bên ngoài phạm vi NATO.
Hai đồng minh và đối tác này chỉ dụng một công mà đạt liền hai ba chuyện. Vấn đề ở đây còn là Nga và những thành viên khác của EU và NATO có để cho họ mưu thành danh toại hay không mà thôi.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Đại sứ Trần Đức Mậu