ATF 2019: Phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số
Sáng 16/1, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 diễn ra tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nước chủ nhà Việt Nam chủ trì Hội nghị chuyên đề về Kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số với sự tham gia của cơ quan quản lý du lịch các quốc gia, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh: ASEAN là khu vực có nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới và các di sản đều đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng du lịch của các quốc gia. Đồng thời đem lại lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho cộng đồng doanh nghiệp, cho các tổ chức và cá nhân.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cùng với công tác bảo tồn, sự sáng tạo trong kết nối, phát huy giá trị di sản trong khu vực ASEAN sẽ là tiền đề tạo ra liên kết phát triển du lịch bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng chung của các nước thành viên.
Quang cảnh hội nghị.
Tại Hội nghị, các diễn giả đều khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển du lịch dựa vào văn hóa, di sản - tài nguyên to lớn của các nước ASEAN. Theo xu hướng của thời đại, các công cụ kỹ thuật số và công nghệ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc liên kết văn hóa với phát triển du lịch bền vững, đặc biệt tác động đến quản lý, quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa.
Sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của các ứng dụng hỗ trợ du lịch dựa trên các nền tảng số mang đến các trải nghiệm khác biệt cho khách du lịch gần gũi hơn, an toàn hơn.
Ông Peter DeBrine, chuyên gia cao cấp dự án từ Ban Di sản thế giới UNESCO cho rằng, thông qua việc giới thiệu và chia sẻ những giải pháp công nghệ, các nhà quản lý có thể thúc đẩy, khuyến khích sự phát triển bền vững các Di sản Thế giới, đạt được các mục tiêu bảo tồn.
"Công nghệ còn có vai trò trong việc bảo vệ cảnh quan, không chỉ giúp chúng ta mà còn cho thế hệ tương lai. Đó là mục tiêu quan trọng nhất của UNESCO. Tôi rất thích ý tưởng về 1 ASEAN thống nhất, bởi bằng cách làm việc, hợp lực lại với nhau, chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch bền vững", ông Peter nói.
Đại diện các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Indonesia, Việt Nam cũng thảo luận, đối thoại, đưa ra sáng kiến, giải pháp phát triển du lịch di sản trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển nhanh chóng.
Bà Supawan Teerarat, Phó Chủ tịch Cơ quan đổi mới chiến lược và phát triển kinh doanh Thái Lan cho rằng: "Có rất nhiều cơ hội giành cho ASEAN mà chúng ta có thể thúc đẩy mạnh mẽ. Chúng ta đang có mạng lưới kết nối giữa Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Myanmar. Tôi tin, tất cả các quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc tập trung vào việc phát triển công nghệ kỹ thuật số để đưa các điểm đến ít người biết trở nên phổ biến hơn trên thế giới."
Các chuyên gia đến từ Đại học Hàn Quốc, National Geographic và đặc biệt là công ty công nghệ của Việt Nam cũng giới thiệu các giải pháp công nghệ như marketing, xây dựng website, các ứng dụng thực tế ảo hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh mẽ tại Hội nghị. Tiếp nối thành công của Hội nghị Du lịch SEAN, Diễn đàn Du lịch ASEAN sẽ chính thức khai mạc tối nay.
Việt Hưng